VST - Tiềm ẩn nhiều rủi ro

CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) đã khẳng định được vị thế hàng đầu trong lĩnh vực vận tải biển khi duy trì hoạt động ổn định và vượt qua giai đoạn khủng hoảng 2008-2010. Thế nhưng, trong cơ cấu tài chính, VST lại đứng trước rủi ro do khoản vay quá lớn.

CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) đã khẳng định được vị thế hàng đầu trong lĩnh vực vận tải biển khi duy trì hoạt động ổn định và vượt qua giai đoạn khủng hoảng 2008-2010. Thế nhưng, trong cơ cấu tài chính, VST lại đứng trước rủi ro do khoản vay quá lớn.

Lãi nhờ bán tàu

Năm 2010 VST đạt doanh thu thuần 1.932 tỷ đồng (vượt 9% so với kế hoạch), lợi nhuận sau thuế 94 tỷ đồng. Đây được xem là thành công của VST trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp (DN) trong ngành đều có kết quả kinh doanh sa sút.

Tuy nhiên, VST có được kết quả này không đến từ hiệu quả hoạt động kinh doanh vận tải biển mà do thanh lý tàu. Trong các tháng đầu năm 2010, nhờ giá cước vận tải biển tăng 30-60% so với năm 2009, cộng thêm có 2 tàu mới được đưa vào khai thác (VTC Tiger và VTC Glory), nên VST đạt doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2010 với 936 tỷ đồng (tăng 71% so với cùng kỳ năm trước), lợi nhuận sau thuế 57 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2009 lỗ 63,5 tỷ đồng).

Hoạt động vận tải biển của VST chỉ đủ hòa vốn do giá cước thấp hơn 40%.

Hoạt động vận tải biển của VST chỉ đủ hòa vốn do giá cước thấp hơn 40%.

Thế nhưng, sau khi lên mức đỉnh vào tháng 5-2010, giá cước vận tải hàng rời sụt giảm mạnh trong suốt các tháng còn lại của năm 2010. Do vậy, mảng kinh doanh vận tải biển của VST trong năm 2010 vẫn chưa có sự đột phá đáng kể.

Trong khi kinh doanh chính không mang lại hiệu quả, việc thanh lý 2 tàu Far East và Phương Đông 2 đóng vai trò quan trọng giúp VST vượt kế hoạch lợi nhuận 120 tỷ đồng trong năm 2010. Cụ thể, tàu Far East được thanh lý trong quý II-2010 với giá 28 tỷ đồng, thu về lợi nhuận 25,7 tỷ đồng.

Tàu Phương Đông 2 được thanh lý trong quý III-2010 với giá 2,8 triệu USD. Do tàu này đã khấu hao xong nên lợi nhuận thu về là 2,8 triệu USD, tương đương 54,6 tỷ đồng (quy đổi theo tỷ giá ngân hàng 19.500 đồng/USD tại thời điểm cuối năm 2010). 

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, 2011 chưa phải là năm hồi phục mạnh của ngành vận tải biển. Các DN sẽ còn phải đối phó với nhiều vấn đề như lãi suất vay cao, giá nhiên liệu biến động, giá cước vận tải biển thế giới trồi sụt. Tuy nhiên, VST là một DN vận tải biển có vị thế vững chắc trong ngành, nguồn khách hàng ổn định, không có tình trạng tàu phải neo nằm chờ hàng như một số DN khác.

Do vậy, hoạt động vận tải biển của VST trong giai đoạn hiện tại vẫn hòa vốn chứ chưa khiến VST rơi vào tình trạng khó khăn, mặc dù giá cước bình quân vận tải hàng rời cỡ tàu Handysize trong 3 tháng đầu năm 2011 thấp hơn khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2010.

Hơn nữa, trong năm 2011 VST sẽ tiếp tục thanh lý 2 tàu Phương Đông 1 và Phương Đông 3 (đều đã khấu hao xong, giá trị bảo hiểm 3 triệu USD mỗi tàu) vào các quý III và IV, ước tính thu về 104 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh cho năm 2011 là doanh thu đạt 2.100 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 85-100 tỷ đồng.

Chi phí tài chính tăng

Theo thống kê, chi phí tài chính có xu hướng chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng chi phí của VST, bao gồm chi phí lãi vay và các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá. Tỷ giá VNĐ/USD tăng nhanh và mặt bằng lãi suất cao trong 2 năm gần đây là nguyên nhân làm gia tăng gánh nặng chi phí tài chính của VST.

Năm 2010, chi phí tài chính của VST là 306,4 tỷ đồng, chiếm 15,4% trong cơ cấu chi phí và cao hơn 79% so với tổng chi phí tài chính của cả năm 2009. Trong đó, chi phí lãi vay năm 2010 là 153,5 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2009. Như vậy, yếu tố tỷ giá điều chỉnh có tác động mạnh hơn so với lãi suất trên chi phí tài chính của VST.

Khoản vay bằng USD của VST đang chiếm khoảng 74% tổng dư nợ, do hầu hết việc thanh toán tiền đầu tư tàu đều sử dụng USD để giao dịch. Mỗi lần tỷ giá VNĐ/USD điều chỉnh tăng sẽ nặng thêm gánh nợ vay và chi phí lãi của VST, mặc dù DN này có nguồn thu bằng ngoại tệ để bù đắp phần nào rủi ro này. Với đợt điều chỉnh tỷ giá VNĐ/USD trong tháng 3 vừa qua, ước tính VST chịu khoản lỗ đến 70 tỷ đồng.

 Ngoài yếu tố tỷ giá, VST là DN có mức độ rủi ro cao so với các DN khác do việc sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Theo thống kê từ CTCK Bảo Việt, tổng nợ vay cuối năm 2010 của VST là 2.300 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản, trong đó nợ vay dài hạn chiếm khoảng 81%.

Cũng như các DN có cơ cấu nợ vay cao khác, VST phải chịu áp lực khá lớn từ gánh nặng lãi vay phải trả hàng năm, nhất là trong những năm gần đây do lãi suất vay tăng cao. Chi phí lãi vay VST phải trả trong năm 2010 là 153,5 tỷ đồng. Chi phí này trong các năm sau dự kiến sẽ tiếp tục tăng do VST đang theo đuổi chiến lược đầu tư đến năm 2013 tăng gấp đôi trọng tải đội tàu.

Các tin khác