Vinaconex - Thay đổi để vươn xa

(ĐTTCO) - “Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) là một  thương hiệu lớn cần được  trân trọng. Vinaconex muốn thành công phải xây dựng được một mô hình đẳng cấp, vượt trội và có bản sắc riêng” - Chủ  tịch HĐQT Vinaconex ông Đào Ngọc Thanh chia sẻ.
Theo đó, Ban lãnh đạo Vinaconex xác định: sẽ tái tạo doanh nghiệp hồi sinh và phát triển theo hướng Vinaconex thay đổi để vươn xa…
Vững về nền tảng 
Theo báo cáo của ban lãnh đạo và điều hành Vinaconex, năm 2018, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng  hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trong hệ thống tương đối ổn định.
Tổng công ty có 4 công ty thành viên đã đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng (Vinaconex 2, Vinaconex 9, Vinaconex 25 và Vimeco); 5 đơn vị có lợi nhuận tăng trên 50% so với kế hoạch năm (Viwaco 162,2%, Vinaconex Dung Quất 196,3%, Nedi2 151%, P&C 164%, Vinahud 152%). Các công trình, dự án do tổng công ty tham gia thi công đều đảm bảo được tiến độ, chất lượng và an toàn lao động, được chủ đầu tư đánh giá cao.
Vinaconex - Thay đổi để vươn xa ảnh 1 Cầu Bãi Cháy - công trình có sự tham gia của ViNaCONEX.
Ảnh: Ngọc CHÂU
Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, năm 2018 ghi nhận một sự đổi thay mới từ hàng loạt công trình. Đơn cử  phần doanh thu, lợi nhuận từ dự án chung cư 2B Vinata, dự án chung cư Bohemia (25 Nguyễn Huy Tưởng); thực hiện các dự án liên doanh, liên danh để tạo dòng tiền/lợi nhuận xây lắp, như dự án 97-99 Láng Hạ (liên danh với Petrowaco), dự án khu đô thị mới Splendora - BT5 An Khánh...
Bên cạnh đó, năm 2018 Vinaconex cũng ghi dấu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng tại dự án cải tạo chung cư 93 Láng Hạ sau một thời gian dài vướng mắc (dự kiến khởi công xây dựng năm 2019), tích cực tìm các nhà đầu tư cho dự án khu Công nghệ cao Hòa Lạc, làm việc với UBND Hải Phòng hủy quyết định thu hồi dự án Cát Bà Amatina… 
Trong hoạt động đầu tư vốn, năm 2018 do các công ty có vốn góp của tổng công ty đạt kết quả kinh doanh tốt nên cổ tức thu được từ các đơn vị là 323,8 tỷ đồng, tăng thêm 69,6 tỷ đồng so với kế hoạch năm và tăng 209,2 tỷ đồng so với thực hiện năm 2017.
 Năm 2019, Vinaconex dự kiến sẽ thu xếp nguồn vốn khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án cũ, mới và bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho doanh nghiệp thông qua hình thức vay tín dụng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Top 3 mảng xây lắp trong tầm tay
Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết, trong mảng xây lắp, Vinaconex đặt mục tiêu vươn lên vị trí top 3 doanh thu trong ngành xây dựng, và mục tiêu này không hề tham vọng khi Vinaconex đang xếp thứ 4.
“Chúng tôi đã hợp tác với Huyndai E&C chủ trương đấu thầu một số giai đoạn trong tuyến cao tốc Bắc – Nam, với doanh thu khoảng vài chục ngàn tỷ đồng. Với 2 vạn người và trình độ hiện nay của Vinaconex có thể làm được sân bay, đường cao tốc, các công trình lớn” - ông Thanh nói thêm. Ông Thanh khẳng định: Muốn thành công tức là phải xây dựng được một mô hình đẳng cấp, vượt trội và có bản sắc riêng, tạo nền tảng cho những người tiếp theo đưa Vinaconex tiếp tục phát triển.
 Năm 2019, công ty mẹ Vinaconex đặt mục tiêu doanh thu là 3.600 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2018; lợi nhuận sau thuế 650 tỷ đồng, tăng 10%; tỷ lệ cổ tức 12%. Doanh thu hợp nhất toàn tổng công ty hướng là 10.100 tỷ đồng, tăng tới 2% nhưng lợi nhuận sau thuế 743 tỷ đồng, tăng 16%. 
Vinaconex - Thay đổi để vươn xa ảnh 2 Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình - công trình có sự tham gia của ViNaCONEX.
Tại đại hội đồng cổ đông diễn ra vào 28-6 tới, một trong những nội dung quan trọng sẽ được đưa ra là thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh bị hạn chế sở hữu nước ngoài có trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhưng thực tế Vinaconex không còn thực hiện kinh doanh. Mục tiêu là để đảm bảo tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Vinaconex không thấp hơn 49% vốn điều lệ. 
Nhiều ý kiến cho rằng cổ đông nhà nước rút hết vốn, vậy hoạt động tái cơ cấu của Vinaconex sẽ ra sao? Theo lãnh đạo Vinaconex, bên cạnh việc thoái toàn bộ vốn tại các công ty hoạt động không hiệu quả, tạm dừng hoạt động, Vinaconex chủ trương thành lập các công ty mới có chức năng ngành nghề kinh doanh phù hợp trong lộ trình phát triển.
Với mục tiêu tiếp tục tập trung, phát triển hoạt động cốt lõi là xây lắp và kinh doanh bất động sản, Tổng Giám đốc Vinaconex Nguyễn Xuân Đông cho biết, năm 2019, công ty mẹ và toàn tổng công ty sẽ tiếp tục triển khai các dự án đầu tư hiện có và tăng cường tìm kiếm dự án mới tại các địa phương có tiềm năng phát triển như: Quảng Ninh, Quảng Nam, Quy Nhơn, Nha Trang, TPHCM. 
Về lĩnh vực đầu tư, tổng công ty sẽ tiếp tục mở bán và bàn giao nốt các căn hộ tại dự án 2B Vinata, dự án Bohemia tại 25 Nguyễn Huy Tưởng và 97-99 Láng Hạ, đồng thời, triển khai chăm sóc khách hàng sau bán hàng để đảm bảo uy tín, thương hiệu, mang lại hiệu quả cao; triển khai đầu tư xây dựng dự án chung cư cao cấp tại số 93 Láng Hạ, Hà Nội; tăng tốc thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; tiếp tục triển khai xây dựng khu đô thị Splendora trở thành khu đô thị kiểu mẫu xanh - sạch - đẹp - hiện đại phía Tây Hà Nội…
Trong lĩnh vực vốn làm nên thương hiệu (mảng xây lắp), năm 2018, Vinaconex đã ký hợp đồng giá trị 3.905 tỷ đồng và hiện tại đang tiếp tục thương thảo các hợp đồng mới với giá trị lớn.
Các gói thầu mới ký kết có giá trị lớn như: dự án Mikazuki Đà Nẵng (920 tỷ đồng); các công trình Mapletree Bắc Ninh 3 (253 tỷ đồng); Bình Dương (760 tỷ đồng); dự án 21 Lê Văn Lương (129 tỷ đồng); tòa nhà Viettel Quảng Ninh (160,3 tỷ đồng)... Đây là những dự án tạo nguồn công việc, doanh thu - lợi nhuận xây lắp trong những tháng cuối năm và chuyển tiếp sang năm 2019.

Các tin khác