VCB có kích CP ngân hàng và TTCK?

Trong tình cảnh TTCK èo uột, việc Mizuho (ngân hàng Nhật Bản có vốn 35 tỷ USD) muốn mua lại cổ phần NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) đã tạo sự chú ý.

Trong tình cảnh TTCK èo uột, việc Mizuho (ngân hàng Nhật Bản có vốn 35 tỷ USD) muốn mua lại cổ phần NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) đã tạo sự chú ý.

Thương hiệu và lợi thế

Theo thống kê, trong hệ thống 43 NHTM nhà nước và tư nhân của Việt Nam, VCB là NH lớn thứ 2 về vốn hóa với 1,97 tỷ USD, chỉ đứng sau VietinBank (CTG, vốn hóa 2,05 tỷ USD). Nếu xét trên tổng tài sản 12 tỷ USD, VCB đứng thứ 4 sau Agribank, BIDV và CTG.

Quý I, VCB hoàn thành 33,5% kế hoạch năm với lợi nhuận trước thuế 1.895 tỷ đồng. Đây là mức hoàn thành kế hoạch cao nhất so với các NH đang niêm yết, nhờ 2 nguồn thu chính tăng trưởng mạnh là thu nhập lãi (tăng 60%) và thu nhập kinh doanh ngoại hối (tăng 98%). Theo báo tài tài chính quý I VCB đã hoàn thành tăng vốn thêm 33%, nâng vốn điều lệ lên 17.588 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 2,7%.

Như vậy, kể từ khi IPO vào cuối năm 2007, VCB đã tăng vốn điều lệ lên hơn gấp đôi, với hình thức duy nhất là phát hành cho cổ đông hiện hữu ở mức giá mệnh giá. Trong khi đó lợi nhuận cũng tăng từ 2.500 tỷ đồng năm 2008 lên 4.200 tỷ đồng năm 2010.

Quang cảnh IPO Vietcombank vào năm 2007. Ảnh: ANH THƯ

Quang cảnh IPO Vietcombank vào năm 2007. Ảnh: ANH THƯ

Dự báo VCB có thể vượt kế hoạch lợi nhuận đặt ra trong năm 2011, khi thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối vẫn trong xu hướng tăng trưởng tốt. Đặc biệt, VCB có cơ cấu thu nhập đa dạng nên khi tăng trưởng tín dụng bị hạn chế theo quy định của NHNN, các nguồn thu nhập khác có thể giúp NH này bù đắp được phần nào sự sụt giảm trong thu nhập lãi.

Ngoài ra, VCB tuân thủ chặt chẽ quy định trần lãi suất huy động 14%, không để xảy ra tình trạng vượt rào lãi suất như một số NH. Mặc dù điều này có tác động không tích cực đến nguồn vốn huy động của NH trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng bù lại VCB có thể hưởng mức chênh lệch lãi suất cao hơn so với các NH khác. Với những lợi thế này, Mizuho đề nghị được mua lại phần lớn cổ phần của NH này là có cơ sở.

Đắt hay rẻ?

Theo phân tích của StoxPlus, với số tiền 760 triệu USD (tương đương 60 tỷ yen) dự định bỏ ra để mua lại 20% cổ phần tại VCB,  mức giá Mizuho có thể chấp nhận vào khoảng 30.900 đồng/cổ phần. Thực tế, đây là mức giá khá cao so với các thương vụ trong ngành NH gần đây, nhưng nếu xét trên mức sở hữu lớn và thương hiệu của VCB, đây là mức giá hợp lý. Mức giá này cao hơn 12% so với giá CP của VCB trong phiên giao dịch cuối tuần trước.

Đây quả thật là thương vụ tốt cho VCB sau thời gian dài tính toán và lựa chọn các phương án giá trước và sau cổ phần hóa. Trước đó, IFC đầu tư 10% vào CTG với mức giá 21.000 đồng/cổ phần, tương đương 1,8 lần giá trị sổ sách của CTG và 9,8 lần EPS năm 2010 của CTG. Nếu đơn thuần xét trên khía cạnh này, thương vụ VCB đắt hơn khoảng 20%.

Với mức giá bán này, Mizuho sẽ phải mua gấp 2 lần giá trị sổ sách của VCB tại ngày 31-3 và gấp 12,9 lần EPS của VCB năm 2010. Tuy nhiên, nếu nhìn lại quá khứ có thể thấy mức giá này cũng khá hợp lý. Sau khi IPO xong vào cuối năm 2007, VCB đã từng được nhiều đối tác ngoại là Nomura, Goldman Sachs and General Electronics quan tâm và đưa mức giá dao động từ 2,7-4,06USD/CP (tương đương 43.000-65.000 đồng) vào thời điểm nóng của TTCK.

Thời điểm này, có không ít NH tư nhân được bán với giá tới 7x cho các đối tác nước ngoài. Nếu đơn thuần xét trên lịch sử đàm phán, mức giá hiện tại 1,5 USD chỉ bằng hơn một nửa. Trong khi đó, nếu xét trên bối cảnh chung về vĩ mô và môi trường hoạt động của ngành NH hiện tại, mức giá này hoàn toàn hợp lý. Thực tế thị trường đã phản ánh điều này vào diễn biến của các CP trên sàn giao dịch.

 Thành công cho cả 2

Nếu so với 7 thương vụ đối tác ngoại mua cổ phần của các NH sau đợt khủng hoảng kinh tế năm 2009, đây là thương vụ có mức giá cao nhất. Thực tế, trong 7 vụ mua bán này, chỉ có thương vụ IFC mua cổ phần CTG có thể so sánh với VCB nếu xét trên mức giá lẫn vị thế trong lĩnh vực NH. Phần lớn vụ NH bán cổ phần cho đối tác ngoại trong thời gian này đều là những tổ chức nhỏ chưa xứng tầm với VCB và CTG như: Fullerton Financial Holdings mua 15% cổ phần MHB, May Bank Malaysia mua 5% cổ phần AnBinh Bank, SBI Ven Holding Pte.Ltd mua 4,9% cổ phần TienPhong Bank.

Điều khiến giới đầu tư ngạc nhiên là vì sao Mizuho chấp nhận mua VCB với giá cao hơn IFC mua cổ phần CTG, trong khi NH này vẫn nhỉnh hơn VCB ở một số chỉ tiêu. Chẳng hạn, tổng tài sản của VCB vào khoảng 12 tỷ USD trong khi CTG gần 20 tỷ USD tại thời điểm cuối quý I-2011; các chỉ số quan trọng nhất khi xem xét một NH như tỷ lệ an toàn vốn (CAR), tỷ lệ nợ xấu (NPL), tỷ lệ lãi biên (NIM) đều cho thấy VCB yếu thế so với CTG. Tuy nhiên, giới đầu tư cho rằng Mizuho trả giá cao hơn so với giao dịch của IFC với CTG để có được các điều khoản quan trọng tham gia điều hành VCB.

Thương vụ mua lại cổ phần VCB của Mizuho thành công, cơ cấu sở hữu của Nhà nước tại VCB sẽ giảm từ 90,7% xuống còn 72,6%. Số CP tự do giao dịch sẽ giảm còn 7,4%. Nhưng với thương vụ này VCB dự kiến sẽ thu về tới 15.000 tỷ đồng, giúp VCB củng cố tiềm lực tài chính và phục vụ cho các dự án phát triển. Câu chuyện pha loãng CP do phát hành thêm để bán cho Mizuho cũng sẽ không đáng quan tâm đối với VCB, do việc tăng vốn sẽ giúp cải thiện chỉ số an toàn vốn lên mức an toàn.

Hiện tại CAR cuối năm 2010 của VCB chỉ 8%, thấp so với chuẩn mực quốc tế (9%) và yêu cầu của NHNN theo quy định mới. Thách thức chính nằm ở chỗ lãnh đạo VCB sẽ phải đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn lớn  760 triệu USD. Thành công của VCB sẽ lớn hơn cả thương vụ 700 triệu USD Chính phủ bảo lãnh cho Vinashin huy động trái phiếu quốc tế.

Có thể khẳng định, việc hoàn tất thương vụ bán cổ phần cho đối tác ngoại của VCB sẽ đem lại điểm nhấn lớn trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, nhất là lĩnh vực tài chính - NH. Hơn hết, thương vụ này còn khẳng định mối quan tâm của NĐTNN với TTCK Việt Nam nếu chúng ta có những doanh nghiệp quy mô lớn, có quản trị tốt, minh bạch tài chính và hoạt động ở mức chấp nhận được.

Với NĐT, thành công này chưa là tất cả nếu như công tác công bố thông tin và quan hệ cổ đông của VCB không được cải thiện (tối thiểu phải như CTG) thì giá CP của VCB sẽ được khối ngoại hết sức quan tâm và lúc đó sẽ có thể thu hút NĐT trong nước. Chẳng hạn, việc công khai báo cáo tài chính đã kiểm toán được soạn lập theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS); tỷ lệ an toàn vốn 9% cuối năm 2010 và sau khi tăng vốn…

Các tin khác