TTCK tháng 12: Bức tranh có sáng?

Kết thúc phiên giao dịch tuần chuyển tiếp giữa tháng 11 và 12, VN Index tạm chốt ở 383,88 điểm, HNX Index đóng cửa ở mức 61,68 điểm. So với thời điểm cuối năm 2010, VN Index đã giảm hơn 20,8%, HNX Index cũng giảm hơn 46% giá trị.

Kết thúc phiên giao dịch tuần chuyển tiếp giữa tháng 11 và 12, VN Index tạm chốt ở 383,88 điểm, HNX Index đóng cửa ở mức 61,68 điểm. So với thời điểm cuối năm 2010, VN Index đã giảm hơn 20,8%, HNX Index cũng giảm hơn 46% giá trị.

Trong 11 tháng đã qua của năm 2011, TTCK Việt Nam chỉ chứng kiến khoảng 2 đợt sóng tăng ngắn ngủi, đợt 1 vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 và đợt 2 vào giữa tháng 8 đến giữa tháng 9-2011. Nhưng những đợt tăng kéo dài 2-3 tuần này đã không đủ mạnh để đánh bật con gấu vẫn đang ngự trị trên thị trường từ năm 2007. Dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật, bài viết này xem xét bức tranh chứng khoán tháng 12 liệu có sáng sủa hơn để NĐT “gỡ gạc” một năm giao dịch đầy khó khăn và mất mát đang sắp qua?

Dấu hiệu đảo chiều tăng nhẹ

VN Index có khả năng hình thành mẫu hình 2 đáy (Double Bottom) với 2 đáy nhỏ tại các ngày 22-11 và 1-12. Tuy nhiên, mẫu hình này đang chờ sự xác nhận khi đường giá phá vỡ lên trên đường xác nhận (confirmation line) tại mức 388-389 điểm. Nếu mẫu hình 2 đáy xảy ra điểm phá vỡ, mục tiêu giá của mẫu hình này là hơn 405 điểm (hình 1).

 Hình 1: Đồ thị kỹ thuật của VN Index.

 Hình 1: Đồ thị kỹ thuật của VN Index.

Còn HNX Index hình thành mẫu hình nến Piercing gồm 2 cây nến ở 2 ngày 30-11 và 1-12, riêng cây nến ngày 1-12 là cây nến có dạng Bullish Belt Hold. Đây đều là những mẫu hình nến đảo chiều có độ tin cậy khá cao (theo Bulkowski, xác xuất đảo chiều tương ứng là 64% và 71%).

Bên cạnh đó, tín hiệu phân kỳ giữa chỉ báo RSI (14 ngày) và đường giá HNX Index đang hình thành. Tín hiệu phân kỳ này cảnh báo khả năng đảo chiều tăng của chỉ số (hình 2).

Sự phân kỳ xảy ra khi đường giá tạo lập những đáy mới thấp hơn đáy cũ, trong khi các chỉ báo tạo ra những đáy cao hơn đáy cũ (ở đỉnh thì ngược lại). Trong thị trường giá xuống, sự phân kỳ cho thấy con gấu đã kiệt sức khi giá giảm quá nhanh, do đó cần thời gian để giá củng cố và có thể đảo ngược xu hướng.

Trên đồ thị tuần của VN Index cũng liên tục xuất hiện các mẫu hình dạng Spinning Top (White and Black - trong 2 cây nến tuần gần đây nhất). Spinning Top là cây nến cảnh báo sự do dự của thị trường, xác xuất đảo chiều và tiếp tục xu hướng của thị trường là 50-50.

Tuy nhiên, cây nến này xuất hiện tại vùng chống đỡ hoặc kháng cự (hàm ý về sự đảo chiều) và đang xuất hiện tại vùng chống đỡ (370-380 điểm) của VN Index. Bên cạnh đó, tín hiệu phân kỳ giữa RSI và đường giá VN Index cũng xuất hiện, chỉ báo Stochastic cũng cho tín hiệu mua trong vùng bán quá mức.

HNX Index hình thành cây nến dạng White Spinning Top. Cây nến này xuất hiện tại vùng chống đỡ (60-61 điểm) của HNX Index sẽ hàm ý về sự đảo chiều.

Quan sát các chỉ báo trên đồ thị tuần, tín hiệu phân kỳ giữa RSI và đường giá HNX Index cũng xuất hiện. Trong khi chỉ báo Stochastic (8, 3, 3) đã cho tín hiệu mua trong vùng bán quá mức.

Xác nhận tín hiệu đảo chiều

Phân tích đa khung thời gian (multiple time frame - MTF) là việc phân tích đồ thị bằng cách sử dụng kết hợp các khung thời gian (time frame) khác nhau. Khung thời gian ngắn nhất là khung thời gian đang giao dịch (có thể là daily), trong khi đó 2 khung thời gian dài hơn (weekly và monthly) sẽ cung cấp những góc nhìn cụ thể hơn về thị trường.

Ưu điểm của MTF là một mẫu hình, một xu hướng có thể được nhận thấy sớm hơn, một mức kháng cự sẽ có độ tin cậy cao hơn khi nó cùng xuất hiện trên các khung thời gian. Nếu sử dụng chỉ báo Dynamic Fibonacci Channels (DFC) trên 3 khung thời gian Own = Daily (O=D), Next = Weekly (N=W), High = Monthly (H=M).

Xem xét sự tiếp xúc của các đường biên DFC (O), DFC (N), DFC (H) để nhận biết các vùng kháng cự, chống đỡ và điểm đảo chiều tiềm năng của thị trường.

 Hình 2: Đồ thị kỹ thuật của HNX Index.

 Hình 2: Đồ thị kỹ thuật của HNX Index.

Quan sát đồ thị HNX Index (hình 2), tại các điểm đáy ngày 26-5, ngày 9-8 đều xảy ra hiện tượng này, tức là giá đảo chiều tăng khi đường giá và 3 đường biên dưới của DFC (O), DFC (N), DFC (H) chạm vào nhau. Hiện tại HNX Index cũng giao dịch trong vùng hội tụ của 3 đường này quanh vùng giá 60-61 điểm.

Điều này hàm ý khả năng HNX Index sẽ đảo chiều từ vùng kháng cự này. Mặt khác, sử dụng các tín hiệu mua của chỉ báo Stochastic (tuần) để xem xét trên HNX Index (ngày) cho thấy một sự cảnh báo đáng tin cậy.

Hiện tại các đường tín hiệu của chỉ báo Stochastic (tuần) cũng cắt cho tín hiệu mua trong vùng bán quá mức. Tương tự VN Index (hình 1) cũng đang giao dịch gần vùng hội tụ này hàm ý về khả năng đảo chiều khá lớn.

Như vậy, từ việc xem xét các tín hiệu kỹ thuật trên khung thời gian đơn lẻ (ngày, tuần) và kết hợp phân tích đa khung thời gian (MTF) đều cho thấy 2 chỉ số chứng khoán Việt Nam đang gặp phải những mức chống đỡ khá rắn. Các tín hiệu đảo chiều đã xuất hiện trên cả VN Index lẫn HNX Index.

Mức kháng cự đầu tiên cho HNX Index 63-65 điểm, tương ứng với đường xu hướng giá xuống (R1) từ ngày 14-9 và mức chống đỡ 65 điểm trước đây đang đảo vai trò làm mức kháng cự. Tuy nhiên, đây không phải là các mức kháng cự đủ mạnh để ngăn cản sự phục hồi của thị trường.

Vùng giá 75-80 điểm, tương ứng với dải trên của DFC, cũng như đường xu hướng R1 mới thực sự là mức kháng cự HNX Index khó có thể vượt qua trong đợt hồi phục này.

Còn mức kháng cự đầu tiên cho VN Index trong vùng 390-400 điểm, tương ứng với đường xu hướng giá xuống từ ngày 14-9, đường xác nhận (confirmation line) của mẫu hình 2 đáy tiềm năng và mức chống đỡ 400 điểm trước đây đang đảo vai trò làm mức kháng cự.

Tuy nhiên, đây cũng không phải là các mức kháng cự mạnh. VN Index có lẽ sẽ khó khăn hơn khi vượt qua 430 điểm.

Các tin khác