TTCK - Cơ hội cho NĐT mạo hiểm?

P/B của các cổ phiếu Việt Nam đều đang nằm dưới ngưỡng 1,5 lần và thấp hơn hoặc gần mức thấp nhất từ trước tới nay.

Đây là một mức an toàn cho các NĐT giá trị theo trường phái "ngược dòng" chuẩn bị sẵn sàng giải ngân.

Trong suốt năm qua, các NĐT luôn lưỡng lự giữa hai trạng thái: lạc quan về định hướng chính sách của Chính phủ và bi quan về nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng.

Sự thiếu niềm tin vào nền kinh tế và đồng Việt Nam đã khiến thị trường đi ngang trong một thời gian dài. Thanh khoản giảm đáng kể và dòng vốn đầu tư ròng của NĐT trong nước vào HOSE giảm còn 318 tỷ đồng. Khối ngoại lạc quan hơn các NĐT nội địa khi đầu tư ròng vào sàn HOSE 1.460 tỷ đồng.

Thời khắc cuối năm đã gần kề và đã có thể khẳng định năm nay là một trong những năm tồi tệ nhất của TTCK Việt Nam. Chỉ số VN-Index giảm 27% so với đầu năm, trong khi đó, gần 50% là giá trị của HNX-Index cũng đã bốc hơi năm nay. TTCK Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại là thị trường diễn biến xấu nhất so với các thị trường khác trong khu vực.

Mặc dù lạm phát đã đạt đỉnh và nằm dưới 1% trong 5 tháng gần đây, giá cổ phiếu tiếp tục diễn biến xấu. Các phương tiện đại chúng và NĐT tiếp tục quan tâm duy nhất đến những thông tin bi quan; tất cả những gì chúng ta nghe và đọc được đều là… tin xấu như thế nào và tình trạng còn có thể xấu hơn nữa không.

Nhìn lại khởi điểm của thị trường năm 2011, những gì thị trường trải qua trong năm, và mức điểm hiện tại của thị trường, chúng tôi tin rằng, thị trường đang bị "trừng phạt" một cách không công bằng. Bức tranh vĩ mô đã được cải thiện và chúng ta đã thấy tăng trưởng EPS trung bình hợp lý của các cổ phiếu đạt 10%, mặc cho thị trường ảm đạm và yên ắng trong thời gian qua.

Chúng tôi cho rằng, thị trường giảm giá có thể đem đến cơ hội cho những NĐT giá trị mạo hiểm. Cả hai sàn đều giao dịch ở mức điểm gần như thấp nhất trong lịch sử hoặc gần như rẻ nhất nếu tính theo giá/giá trị sổ sách (price-to-book). Trên hai sàn có tới 80% cổ phiếu giao dịch dưới mức giá trị sổ sách.

Chỉ số VN-Index giao dịch ở mức 1,23 lần giá trị sổ sách, so với mức thấp nhất trong thời kỳ khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 là 1,2 lần. Trên sàn Hà nội, cổ phiếu tiếp tục được giao dịch ở mức thấp nhất trong lịch sử và hiện đang giao dịch ở mức 0,71 lần giá trị sổ sách.

Mặc dù tỷ lệ P/B trên cả hai sàn đã trải qua nhiều lần tăng giảm đột biến kể từ năm 2006, nhưng từ năm 2008 trở đi, những biến động này dường như đã giảm bớt. VN-Index dao động trong khoảng P/B 1,20 lần và 4,59 lần từ năm 2008, trong khi HNX-Index dao động trong khoảng 0,71 lần và 5,39 lần.

Các biểu đồ bên trên thể hiện hệ số P/B so với lợi suất cổ phiếu năm của Việt Nam và các nước trong khu vực. Với hầu hết các chỉ số, R2 đều có giá trị tương đối cao, cho thấy, có thể dùng P/B để dự phóng về lợi suất đầu tư. Riêng đối với cổ phiếu Việt Nam, hệ số R2 của lợi suất năm được giải thích bởi giá trị sổ sách dao động trong khoảng 0,611 đến 0,391. Với các nước khác trong khu vực, giá trị R2 thậm chí còn cao hơn nữa.

Quay trở lại thị trường Việt Nam, mặc dù hệ số P/B khó có thể dự báo chính xác lợi suất đầu tư, chúng ta vẫn có thể thấy các cổ phiếu có giá trị sổ sách dưới 1,5 lần trong phần lớn các trường hợp đem lại kết quả đầu tư đáng kể. Ngược lại, các cổ phiếu có định giá lớn hơn 2,5 lần nhìn chung là gây lỗ.

Ở thời điểm này, P/B của các cổ phiếu Việt Nam đều đang nằm dưới ngưỡng 1,5 lần và thấp hơn hoặc gần mức thấp nhất từ trước tới nay. Chúng tôi cho rằng, đây là một mức an toàn cho các NĐT giá trị theo trường phái "ngược dòng" chuẩn bị sẵn sàng giải ngân.

Các tin khác