“Trâu chậm có uống nước đục?”

Trong 3 ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước tiến hành IPO, chỉ có Vietcombank (VCB) chọn thời điểm hợp lý nhất (tháng12-2007). VietinBank (CTG) IPO ngay thời điểm TTCK vẫn chưa tìm thấy đáy (cuối năm 2008). Nhiều khả năng đợt IPO của BIDV cũng sẽ diễn ra trong tình trạng ảm đạm của thị trường.

Trong 3 ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước tiến hành IPO, chỉ có Vietcombank (VCB) chọn thời điểm hợp lý nhất (tháng12-2007). VietinBank (CTG) IPO ngay thời điểm TTCK vẫn chưa tìm thấy đáy (cuối năm 2008). Nhiều khả năng đợt IPO của BIDV cũng sẽ diễn ra trong tình trạng ảm đạm của thị trường.

Lớn và nhỏ

Sẽ có 84,75 triệu CP, tương đương 3% vốn điều lệ (VĐL) được BIDV đem ra bán đấu giá công khai, tương đương với khối lượng bán cho tổ chức công đoàn. Phải chăng BIDV đã lường trước được tình hình khó khăn của TTCK nên đã chủ động “tiết cung”?

Thực tế, lượng cung này lớn hay nhỏ tùy thuộc vào người mua. Giả định mức giá đấu thành công bình quân vào khoảng 2.0 (tương đương đợt IPO của CTG), số tiền NĐT bỏ ra để mua CP (giả định mua hết) xấp xỉ 1.700 tỷ đồng, gấp gần 3 lần GTGD của cả 2 sàn HOSE và HNX trong phiên giao dịch cuối tuần qua (khoảng 630 tỷ đồng).

Năm 2008, IPO của CTG cũng gặp khó nhưng vẫn còn không ít NĐT bán đỉnh trong năm 2007 nên còn tiền để tham gia, còn giai đoạn hiện nay, đây là số tiền hơi “quá tầm”. Nhưng như vậy không có nghĩa số CP này sẽ “ế” mà ngược lại khả năng tiêu thụ hết toàn bộ khá cao.

Dân chứng khoán thường đồn đại với nhau về những doanh nghiệp xem BIDV nói chung và Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà như “ân nhân”. BIDV đã bơm vốn “cứu” không ít doanh nghiệp tại thời điểm khó khăn nhất để rồi phát triển mạnh mẽ như bây giờ.

Việc bỏ ra vài chục, thậm chí vài trăm tỷ đồng để tham gia đợt IPO của “ân nhân” là điều đương nhiên phải làm. Đối với những tổ chức nước ngoài, CP ngân hàng dù ở thời điểm nào cũng luôn có sức hấp dẫn nhất định. Nhìn vào trường hợp của CTG, từ khi lên sàn đến nay, liên tục có những bước tiến mạnh mẽ trong cả hoạt động kinh doanh lẫn sự minh bạch, ắt hẳn nhiều tổ chức không muốn bỏ qua cơ hội này.

Không đủ tiền để trở thành đối tác chiến lược nhưng mua vài triệu CP “dằn túi” cũng không phải là việc quá tầm đối với nhiều quỹ đầu tư. Như vậy, về phía người mua, thiệt thòi nhất có lẽ là NĐT cá nhân khi không mua một mặt hàng tốt vì tiền bạc không dồi dào.

Chưa kể, nếu sau đợt IPO này, BIDV sẽ tái cấu trúc, hoạt động mạnh mẽ hơn nữa, khi lên sàn, giá chào sàn cao hơn giá đấu thành công bình quân, thì rõ ràng những ai không tham gia trong đợt IPO này coi như bỏ lỡ cơ hội sinh lời và nếu muốn mua vào, lại phải mua giá cao hơn.

Thừa và thiếu

Là NHTM nhà nước thứ 3 IPO, chắc hẳn BIDV đã học hỏi được những kinh nghiệm từ VCB và CTG. Đương nhiên thị trường sẽ dựa vào 2 CP kia để làm cơ sở so sánh với BIDV. Là một ngân hàng lớn, ngoài mục tiêu lợi nhuận, BIDV cũng sẽ phải đảm đương trách nhiệm hỗ trợ nền kinh tế, ổn định hệ thống tiền tệ quốc gia.

BIDV có thể cân đối 2 “gánh” trên vai của mình quả thực không đơn giản. Chất lượng tín dụng của BIDV hiện chưa cao, trích lập dự phòng rủi ro còn lớn nên dễ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh. Cơ cấu khách hàng, thu nhập chưa thật sự phù hợp.

Ứng dụng công nghệ trong phát triển sản phẩm dịch vụ và các tiện ích còn thấp so với đòi hỏi của ngành và thị trường. Hiệu quả kinh doanh của các công ty con, đơn vị thành viên mới thành lập còn hạn chế, chưa thể hiện khả năng phát triển hiệu quả và bền vững.

Một điều dễ thấy là để thu hút được NĐT, BIDV sẽ phải thể hiện ngang bằng, hoặc hơn những gì các ngân hàng trước đã làm được nhưng tình hình kinh tế hiện gặp rất nhiều thách thức.

Nhìn vào “phong cách” thể hiện trên sàn chứng khoán, nếu như VCB có phần “trầm lặng”, lãnh đạo ít khi xuất hiện trên truyền thông thì CTG lại ở cực đối lập với Chủ tịch HĐQT Phạm Huy Hùng rất thẳng thắn và chủ động trong công bố thông tin.

BIDV sẽ chọn “phong cách” nào? Ở đây có một chi tiết đáng chú ý là BIDV hiện có 2 công ty con niêm yết trên HOSE là BIC (Tổng CTCP Bảo hiểm ngân hàng ĐT&PT Việt Nam) và BSI (CTCK ngân hàng ĐT&PT Việt Nam) hay thường được NĐT gọi là “BSC”.

Tuy nhiên, từ khi niêm yết đến nay, những ấn tượng mà BIC lẫn BSI tạo ra cho NĐT là hết sức mờ nhạt, mặc dù cả 2 đều có thực lực cũng như sự hậu thuẫn từ BIDV. BSI một thời là CTCK hàng đầu trên thị trường, nhưng càng về sau càng đuối và hiện đang đang hoạt động kiểu “thu mình”.

Điều này đã khiến cho giá CP của cả BIC và BSI giảm khá sâu và cuối tuần qua, cùng nhau đóng cửa tại mức giá 6.500 đồng/CP. Nhiều NĐT đã đặt câu hỏi rằng, BIDV đã làm gì để cho 2 “con” của mình èo uột như vậy?

Mặc dù đây chỉ là công ty con niêm yết nhưng ít nhiều mang tính chất “chào hàng”. Và thực tế, việc đưa công ty con niêm yết, rồi công ty mẹ cổ phần hóa, IPO là một chiến lược rất bài bản của BIDV. Nhưng với những kết quả như vừa nêu, thiết nghĩ BIDV mẹ cần phải thể hiện hơn nữa.

Trong thời điểm hiện nay, không chỉ có giá chào sàn là quan trọng, BIDV cần phải thể hiện nhiều điều hơn nữa, từ hoạt động cho đến sự minh bạch, khả năng chia sẻ, hỗ trợ cho NĐT mới có thể thu hút được thiện cảm từ thị trường.

Các tin khác