Tăng trong sự hoài nghi?

Tuần qua, TTCK đã có nhiều diễn biến tích cực nhưng vẫn có những nút thắt khiến NĐT thật sự khó nghĩ, đặc biệt với những người đang giữ tiền mặt.

Tuần qua, TTCK đã có nhiều diễn biến tích cực nhưng vẫn có những nút thắt khiến NĐT thật sự khó nghĩ, đặc biệt với những người đang giữ tiền mặt.

Kỹ quá… lỡ cơ hội

 

Trong 2 phiên 20 và 22-5, VN Index lần lượt đóng cửa tại các ngưỡng điểm lưng chừng là 550,1 điểm và 561,8 điểm. Vậy nên cũng thật khó để khẳng định VN Index đã vượt qua được các ngưỡng tâm lý quan trọng 550 điểm hay ngưỡng kháng cự khá mạnh 560 điểm hay chưa cho đến khi thực tế diễn ra. Và thực tế cũng diễn ra một cách ngập ngừng.

Chẳng hạn, ngày 21-5 VN Index có một khoảng thời gian lình xình, sau đó mới tăng 2,5 điểm lên 552,6 điểm. Trong khi đó hầu hết thời gian của phiên 22-5, VN Index cũng chỉ tiệm cận 560 điểm và chỉ thực sự vượt qua vào lúc đóng cửa. Việc xem xét TTCK có thật sự tốt hay chưa rồi quyết định có tham gia hay không là một giải pháp an toàn, nhưng để đảm bảo không lỡ cơ hội, thông thường NĐT sẽ chú ý đến các chỉ báo của thị trường về điểm số, thanh khoản… Tuy nhiên, nếu xem xét quá kỹ lưỡng có thể dẫn đến việc chần chừ và cuối cùng để mất cơ hội.

Thông thường, nhóm CP nào có giá trị vốn hóa lớn nhất, sẽ được dòng tiền mô phỏng thị trường ưu tiên mua vào để đảm bảo danh mục. Tuy nhiên, nhóm có giá trị vốn hóa thấp hơn cũng có lợi thế rẻ hơn và có thể lại thu hút dòng tiền mua vào để chờ đợi thời cơ.

Chỉ trong 4 phiên VN Index đã tăng từ dưới 530 điểm lên trên 560 điểm, tương ứng với 5,7%. Một loạt CP sau thời gian chờ đợi, tích lũy cũng đã “tranh thủ” tăng rất nhanh và mạnh trong những ngày qua. Chẳng hạn, PVB từ 3.7 tăng lên 4.1, rồi từ 2.0 lên 2.2; TCM sau khi giảm về 2.6 đã có 4 phiên tăng, trong đó có 2 phiên trần để lên lại 3.1; HCM từ 2.5 lên 3.0 chỉ trong 3 phiên.

Điều này tạo ra lo ngại về việc CP tăng quá nhanh, “đắt” quá sớm sẽ thiếu đi lực đẩy. Nhưng thử đặt ngược lại vấn đề, nếu CP tăng chậm, chưa chắc đã hết lo ngại, lúc này có khi người ta lại đặt ra vấn đề “CP tăng chậm chứng tỏ… thiếu sức bật”.

Sự nghi ngờ thực chất cũng đã phản ánh trong phiên 22-5 dù VN Index tăng hơn 9 điểm để lên gần 562 điểm  vẫn có một số blue chip như FPT, HAG hay MWG giảm điểm. Chưa kể, giữa 2 sàn HOSE và HNX cũng có sự lệch pha khi HNX Index và cả HNX30 Index đều giảm điểm, kéo theo nhóm CP đầu cơ phần nào giảm nhiệt. Vấn đề đặt ra lúc này là các CP đang chuyển sang xu hướng tăng - điều chỉnh - tăng luân phiên hay thị trường đã hồi phục đủ và phải điều chỉnh?

2 phiên 21 và 22-5 là những phiên lượng hàng bắt đáy giá rẻ đã về đến tài khoản của NĐT, tuy nhiên TTCK vẫn tăng tốt. Điều này cho thấy bên bán lẫn bên mua đều đang có những kỳ vọng tích cực về thị trường dài hơi hơn là việc tìm kiếm lợi nhuận 10-15% trong ngắn hạn.

Quan trọng hơn cả tâm lý của NĐT đã thay đổi một cách nhanh chóng từ chiều hướng tiêu cực ít ngày trước sang tích cực. Yếu tố quan trọng với thị trường lúc này chính là thanh khoản hơn là điểm số hay những phiên tăng. Nếu VN Index tiếp tục duy trì mốc 550 điểm và thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức trên 2.000 tỷ đồng trong những phiên tới, nhiều khả năng thị trường sẽ xuất hiện sự khởi sắc tại từng nhóm CP riêng biệt.

Bên cạnh đó, thanh khoản tăng cũng sẽ kích thích dòng tiền margin từ các CTCK mạnh dạn đổ vào hơn và có thể đợt hồi phục tích cực của TTCK sẽ còn kéo dài trong khoảng 5-10 phiên nữa. Dù vậy, những phiên rung lắc có thể xuất hiện nhiều hơn trong tuần này và trong một chừng mực nào đó, đây lại là cơ hội mua vào.

Các trụ đẩy của VN Index

Về mặt thông tin, đến thời điểm này các thông tin kinh tế vĩ mô nhìn chung vẫn được công bố một cách đều đặn và tích cực, tuy nhiên NĐT còn kỳ vọng những thông tin như nới room hay TPP sẽ sớm được sáng tỏ trong thời gian tới. Nhìn chung khi các thông tin vĩ mô vẫn đang giữ vai trò củng cố nền tảng cho thị trường, động thái của NĐT trong ngắn hạn sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố:

Thứ nhất, về sức bật của CP, có thể nói đây là thời điểm CP dễ tăng giá. Nói như vậy bởi sau một thời gian dài suy giảm, đan xen là những phiên bán tháo với tâm trạng chán nản, có thể nói nguồn cung CP giá thấp đã cạn kiệt dẫn đến số lượng NĐT bám trụ thị trường cũng không nhiều. Điều này tạo ra một cơ cấu cô đặc về những người giao dịch lẫn cung cầu trên thị trường.

Lực bán ít đi, trong khi bên mua chỉ cần thấy có tín hiệu khả quan sẽ ra tay mạnh, dẫn đến việc cung áp đảo cầu và giá CP có thể “chạy” rất nhanh. Trước đây phổ biến trường hợp CP tăng giá bất chấp diễn biến của thị trường, nhưng các hiện tượng này ngày càng ít đi và hầu hết đều phải chờ thị trường tốt trở lại. Tính đến thời điểm này, dòng tiền mới chỉ đổ vào nhóm CP có biến động mạnh (tức giảm mạnh) rồi CP có cơ bản tốt, còn lại vẫn chưa tập trung ở nhóm đầu cơ hay một nhóm CP riêng biệt nào nhiều (trừ ngân hàng).

Vả lại thị trường cũng mới chỉ có 3 phiên GTGD đạt trên 2.000 tỷ đồng/phiên, đây là con số cao hơn trung bình của vài tháng gần đây (1.500 tỷ đồng/phiên) nhưng lại thấp hơn mức trung bình của năm 2014 (xấp xỉ 3.000 tỷ đồng/phiên). Kỳ vọng tốt, dòng tiền sẽ quay trở lại và còn có thêm cả dòng tiền margin của nhiều CTCK đã bổ sung, nhưng chưa thể cung ứng trong những tháng vừa qua. Nói tóm lại, dư địa của dòng tiền, với sự hỗ trợ tâm lý tích cực và chỗ trũng để tiền chảy vào vẫn còn rất nhiều.

Thứ hai, dường như TTCK hiện tại đang ở một trạng thái khá lý tưởng khi có đến 2 nhóm CP đóng vai trò trụ cột là dầu khí và BĐS. Về giá dầu, dù vẫn còn những biến động bất ngờ, nhưng so với quý I-2015 trở về trước, giờ đây cũng đã có xu hướng ổn định hơn rất nhiều.

Cần nhấn mạnh rằng không phải NĐT cũng lượng hóa được cụ thể việc giá dầu tăng/giảm bao nhiêu % sẽ tác động đến doanh thu, lợi nhuận của các công ty dầu khí như thế nào. Vấn đề nằm ở chỗ giá dầu đã có thời gian giảm mạnh, phản ánh vào giá CP dầu khí rồi, và khi trở nên ổn định e ngại dành cho nhóm này cũng giảm đi.

Thậm chí, nhóm CP dầu khí cũng có đặc tính sóng mạnh, nên chỉ cần một vài phiên hào hứng lập tức có thể thu hút các NĐT quay trở lại. Tuần rồi, VCB tiếp tục lập đỉnh mới khi tăng lên đến 4.2. Tính từ ngày 14-5 đến nay, CP này đã 7 phiên tăng liên tiếp với tỷ lệ hơn 10% cộng với thanh khoản ở mức tích cực. VCB là CP lớn, và việc tăng giá ổn định như vậy, cho thấy rất nhiều điểm tích cực không chỉ riêng với CP này mà còn có tác dụng lan tỏa cả thị trường.

Nó biểu hiện rằng dòng tiền vẫn tiếp tục chọn lọc những CP tốt nhất để đầu tư, quan trọng hơn là nhóm CP ngân hàng tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu mới (mà cũ) của mình, bất chấp những nghi ngờ. Cần nhắc lại rằng CP ngân hàng cùng với ô tô đang là 2 nhóm CP có suất sinh lời tốt nhất từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, chưa bao giờ, người ta thôi nghi ngờ về vai trò của nhóm CP ngân hàng, nhất là mỗi khi bước vào đợt điều chỉnh, điều rất bình thường.

Có thể kỳ vọng về việc khi VCB vượt qua ngưỡng 4.0 những ông lớn khác như BID hay CTG cũng sẽ sớm chinh phục ngưỡng 2.0, điều mà những CP này đã đến rất gần trong thời gian vừa qua. Cả 3 CP này hiện đang là những CP vốn hóa lớn nhất thị trường  và việc tăng giá tích cực sẽ tạo ra nhiều trụ đẩy cho VN Index trong thời gian tới. Mặt khác, khi tiến lên những đỉnh mới, vốn hóa của nhóm CP ngân hàng sẽ gia tăng và điều này sẽ tạo ra một sự cạnh tranh quyết liệt với nhóm CP dầu khí. 

Các tin khác