Chọn lọc vốn FDI: Tạo chuyển động mới nền kinh tế

(ĐTTCO) - Năm 2016, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng 55 nền kinh tế, với hơn 90% các dòng thuế suất được giảm về 0%, được xem là lợi thế lớn cho nhà đầu tư để bỏ vốn vào Việt Nam. Hội tụ các yếu tố này, Việt Nam được coi là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề là cần chọn lọc và hướng các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao vào các lĩnh vực nước ta khuyến khích, cần phát triển.

(ĐTTCO) - Năm 2016, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng 55 nền kinh tế, với hơn 90% các dòng thuế suất được giảm về 0%, được xem là lợi thế lớn cho nhà đầu tư để bỏ vốn vào Việt Nam. Hội tụ các yếu tố này, Việt Nam được coi là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề là cần chọn lọc và hướng các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao vào các lĩnh vực nước ta khuyến khích, cần phát triển.

Tín hiệu lạc quan

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong tháng 1-2016 trên 1,3 tỷ USD, tăng hơn 101% so với cùng kỳ 2015; ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 800 triệu USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ 2015. Doanh nghiệp (DN) nước ngoài “xông đất” năm nay là Công ty TNHH Maple (Singapore) với dự án nhà máy may triển khai tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. Dự án có vốn đầu tư 110 triệu USD, với kế hoạch sản xuất 22 triệu sản phẩm/năm và sẽ hoạt động vào đầu năm 2018, năm theo dự kiến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. “Đây là dự án FDI đầu tiên đăng ký đầu tư vào tỉnh ngay những ngày đầu năm, đánh dấu sự khởi đầu tốt đẹp cho một năm mới, một nhiệm kỳ mới” - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh vui mừng phát biểu tại lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho Maple.

Tăng cường hơn nữa chọn lọc nguồn vốn FDI. Chọn DN có sẵn chuỗi giá trị của họ, có công nghệ tốt và quản trị tốt, có thực tâm muốn kết nối với DN Việt Nam. Đặc biệt chú trọng chọn lọc DN FDI quy mô nhỏ và vừa các nước để sử dụng công nghệ, kinh nghiệm nước ngoài cộng với lao động trong nước để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm có chất lượng ngày càng tăng trong nước và bảo đảm cho xuất khẩu. Bởi lẽ những tập đoàn lớn đầu tư hàng tỷ USD như Samsung không nhiều và chủ yếu cũng chỉ gia công, lắp ráp. Trong khi đó, có thể nói bây giờ là kỷ nguyên của DNNVV.

Ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Chỉ sau đó 1 ngày, sáng 7-1, Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án đầu tư mới, trong đó có dự án của Công ty United More SDN.Bhd (Malaysia). Với vốn đầu tư khoảng 21 triệu USD, nhà đầu tư này dự định xây dựng nhà máy Aureumaex Precision Plastics, chuyên sản xuất khung màn hình nhựa bóng và vỏ sau nhựa cho các loại tivi thông minh, tivi LCD và tivi LED có độ chính xác cao. United More đang hướng đến mục tiêu trở thành nhà cung cấp cho Tổ hợp Samsung SEHC, vốn đầu tư 2 tỷ USD, dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 2-2016 cũng tại SHTP.

Trong khi đó, hãng dịch vụ truyền hình trực tuyến Netflix đầu năm nay đã công bố đặt chân đến Việt Nam. Với khoảng 70 triệu người dùng trả phí thường xuyên, Netflix được đánh giá là một trong những dịch vụ xem phim trực tuyến phổ biến nhất thế giới. Việc đơn vị này thâm nhập Việt Nam chứng tỏ mảnh đất truyền hình trực tuyến, kênh giải trí đang có nhiều tiềm năng để các ông lớn khai thác. Ngoài ra, Singha Asia - hãng bia của Thái Lan trực thuộc Tập đoàn đồ uống Boon Rawd Brewery - dự kiến trong tháng 1 hoàn tất thương vụ đầu tư 1,1 tỷ USD vào CTCP Tập đoàn Masan. 2016 dự báo cũng là năm dành cho tên tuổi bán lẻ Nhật Bản 7-Eleven khi hãng đã ấp ủ chiến lược mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 4-2017. Đây là lần đầu tiên hãng này gia nhập một thị trường tại khu vực vành đai Thái Bình Dương, sau Indonesia năm 2009.

Năm 2016 còn kỳ vọng những dự án tỷ đô sẽ được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đó là dự án Lọc hóa dầu Victory Nhơn Hội (Bình Định), vốn đầu tư dự kiến 22 tỷ USD. Hiện dự án này đang được chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) và Saudi Aramco thuê chuyên gia tính toán, nghiên cứu để cơ cấu lại cho phù hợp với biến động giá dầu hiện nay. Dự kiến tháng 6 tới việc đầu tư dự án này sẽ được thực hiện. Hoặc các dự án BOT ngành điện, mà quy mô từng dự án đều ít nhất trên dưới 2 tỷ USD.

 Tăng cường chọn lọc dự án

Trong tháng 1-2016 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 16 ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 58 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm hơn 905 triệu USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký trong tháng 1. Với 1 dự án lớn tổng vốn đầu tư 210 triệu USD, lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi, giải trí đứng thứ hai, chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực sản xuất phân phối điện, nước với 1 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm gần 60 triệu USD, chiếm 4,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Năm 2015 thu hút được gần 23 tỷ USD vốn FDI - một con số ấn tượng trong bối cảnh vốn FDI vào Việt Nam đang có xu hướng giảm. Triển vọng thu hút FDI trong năm 2016 được coi còn sáng sủa hơn 2015 khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới tiếp tục được ký kết và có hiệu lực, đặc biệt là TPP.

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài

Kết quả trên cho thấy cơ hội thu hút FDI của Việt Nam vẫn rất lớn. Tuy nhiên, theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN FDI, Việt Nam cần có sự tiến bộ hơn nữa về môi trường đầu tư kinh doanh, công nghệ kỹ thuật, chất lượng nguồn lao động và các lĩnh vực xã hội khác. Theo đó, các tiêu chí để thu hút và lựa chọn những dự án FDI cần phải được thay đổi theo hướng tích cực, chặt chẽ, tiến bộ hơn. “Thời gian tới, việc tiếp nhận nguồn vốn FDI nói chung và FDI nội khối ASEAN nói riêng cần được chọn lọc có mục đích, đảm bảo phù hợp với mục tiêu tăng cường chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến và bảo vệ môi trường; không thể thu hút, tiếp nhận bằng mọi giá” - GS. Mại nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nguồn vốn FDI cần tập trung các lĩnh vực cụ thể, ưu tiên cho hoạt động sản xuất tạo giá trị gia tăng hay các dự án công nghệ cao. Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển công nghiệp phụ trợ, phải xây dựng mô hình liên kết ngang, hình thành DN vệ tinh, sản xuất linh kiện cho DN FDI xuất khẩu. Bên cạnh đó, cộng đồng DN Việt cần tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh để chủ động đón nhận cơ hội hợp tác với DN nước ngoài, cũng như ứng phó nhanh nhạy với những thách thức từ hội nhập. Theo đó, chú trọng thu hút FDI không chỉ để tạo giá trị xuất khẩu đơn thuần mà phải có chuyển giao công nghệ, tăng cường tính kết nối giữa khu vực DN FDI và DN trong nước, từ đó tận dụng thế mạnh của DN ngoại để phát triển DN nội; giúp DN nội hội nhập sâu rộng chuỗi giá trị toàn cầu và đem lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế.

 Tiếp tục cải thiện chính sách

Ông Steve Plunkett, Giám đốc cấp cao phụ trách quan hệ chính phủ của Tập đoàn GE tại ASEAN, đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư lý tưởng, với lực lượng lao động lớn, vị trí thuận tiện. Chính điều này đã thu hút GE đầu tư xây dựng tổ hợp sản xuất tuốc-bin gió tại Hải Phòng cách đây 8 năm. Nhưng ông Plunkett cũng cho rằng rủi ro đầu tư ở Việt Nam sẽ đến từ việc các văn bản pháp lý chưa chặt chẽ. Nếu điều này không được cải thiện, nguy cơ Việt Nam sẽ kém hấp dẫn hơn so với các đối thủ trong khu vực sẽ thành hiện thực.

Thực tế, rủi ro về chính sách không phải là điều mới với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng lại được cải thiện rất chậm. Ông Hong Sun, Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hàn Quốc, cho rằng Việt Nam rất tích cực hội nhập nền kinh tế thế giới, thông qua các FTA, nhưng lại rất chậm trong cải cách chính sách và thủ tục hành chính. Mặt khác, thừa nhận đang có một làn sóng nhà đầu tư Hàn Quốc hướng vào Việt Nam, nhưng ông cho rằng làn sóng này còn có thể lớn hơn, nếu môi trường kinh doanh được cải thiện tốt hơn. “Cũng không cần phải làm gì khác, Việt Nam chỉ cần thực hiện quá trình cải cách hiện tại tốt hơn, biến những lời nói thành hành động mạnh mẽ hơn” - ông Hong Sun nói. Điều này cũng giống như Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh từng nói trong cuộc đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài: “Đối thủ lớn nhất trong cuộc đua thu hút FDI của Việt Nam chính là vượt qua chính mình”.

Sẽ tạo điều kiện thu hút DN FDI nhưng chọn lọc dự án chất lượng cao.

Sẽ tạo điều kiện thu hút DN FDI nhưng chọn lọc dự án chất lượng cao.

Thực trạng trên càng chỉ rõ những bất cập của chính sách, cơ chế trong thu hút vốn FDI hiện nay. Vì thế, dù Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút FDI như chi phí rẻ, quy mô thị trường tiềm năng, nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu kinh tế toàn cầu, nhưng hiện nay nước ta vẫn chưa phải là quốc gia thu hút FDI tốt nhất trong khu vực, mà là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, và bên cạnh vẫn là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới Trung Quốc. Ngoài ra, những nước như Myanmar hay Campuchia cũng đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài để ý đến và thực tế những quốc gia này cũng đang thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.

Để tranh thủ được cơ hội thu hút dòng vốn FDI một cách hiệu quả trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, tập trung cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… Cục Đầu tư nước ngoài cho biết sẽ tiếp tục có các chính sách thu hút đầu tư FDI, ưu đãi cho các DN dựa trên 3 trụ cột: ưu đãi thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu, chi phí thuê đất...  Để nâng cao hiệu quả thu hút FDI, Bộ KH-ĐT sẽ tiếp tục có chính sách, cơ chế thoáng hơn nhằm hướng dòng vốn FDI chất lượng cao đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, khuyến khích phát triển DN trong nước để kết nối với DN FDI, hướng đến chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra giá trị sản phẩm chất lượng cao.

Các tin khác