Tiền hay vàng?

Lúc này tiền mặt sẽ trở thành vua và các NĐT vàng nên thận trọng trong lựa chọn đầu tư của mình.

Lúc này tiền mặt sẽ trở thành vua và các NĐT vàng nên thận trọng trong lựa chọn đầu tư của mình.

Giá vàng dự báo sẽ có tuần phục hồi trở lại sau giai đoạn bán tháo vừa qua nhờ vào nhu cầu đầu tư an toàn gia tăng khi kinh tế toàn cầu tiếp tục bất ổn, lực bắt đáy đã xuất hiện và các quỹ đầu tư giảm bớt lượng bán vàng. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá của vàng tỏ ra yếu ớt trước sự bứt phá mạnh của USD.

USD nhấn chìm vàng

Tiền hay vàng? ảnh 1

Tuần vừa qua có thể được xem là một tuần “sóng gió” nữa của giá vàng, vì đã có thời điểm giá vàng sụt dưới 43 triệu đồng/lượng trước khi phục hồi trở lại, có lúc lên xấp xỉ 46 triệu đồng/lượng.

Theo thông tin từ các doanh nghiệp (DN) vàng, thị trường vàng vật chất vẫn sôi động, mua vào vẫn là xu thế chính của thị trường, nhưng lực mua không còn áp đảo như trước. Lo giá vàng có thể giảm mạnh, nhiều người đã mang vàng đi bán.

Theo một số quan điểm, việc bán vàng của nhà đầu tư (NĐT) xuất phát từ chuyện giá USD tăng mạnh trở lại khiến họ hoài nghi về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Tính tại thời điểm hiện tại, ngày 1-10, vàng miếng được các DN kim hoàn lớn báo giá phổ biến ở mức hơn 44 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 44,3- 44,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Trong hai ngày trở lại đây, giá vàng ít biến động, chủ yếu dao động trong vùng 44,2-44,4 triệu đồng/lượng. Vàng lình xình quanh ngưỡng 44 triệu đồng trong khi đồng USD so với các ngoại tệ khác tiếp tục tăng giá cho thấy USD có thể tăng lên với quy mô lớn hơn, ít nhất là trong ngắn hạn và điều đó đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới thị trường vàng.

Ở thị trường ngoại tệ trong nước, giá USD tự do đã có lúc lên 21.300 đồng, trước khi giảm nhẹ trở lại. Ngày 1/10, giá USD phổ biến ở mức 21.230 đồng (mua vào) và 21.280 đồng (bán ra).

Còn với thị trường liên NH thì tỷ giá lại hết sức ổn định, theo NHNN, tỷ giá bình quân liên NH tính đến ngày 30/9 giữ ở 20.628 đồng/USD, không đổi 32 ngày làm việc liên tiếp. Đây là chuỗi ngày không đổi dài nhất của tỷ giá bình quân liên NH kể từ khi NHNN phá giá VND ngày 11/2/2011.

Tỷ giá trần của các NHTM ở mức 20.834 đồng/USD. NHNN khẳng định sẽ sẵn sàng bán USD để ổn định thị trường (cụ thể tuần qua NHNN bán ra 150 triệu USD). Đồng thời, cơ quan này cũng cho biết sẽ giữ ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm, nếu có biến động sẽ không quá 1%.

Tăng tỷ lệ giữ tiền mặt

Tính đến thời điểm ngày 1/10, nếu theo tỷ giá NH, giá vàng trong nước vẫn cao hơn so với giá thế giới đến 2,5 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và các chi phí khác. Còn theo tỷ giá trên thị trường tự do, thì mức chênh lệch này chỉ khoảng 1,6 triệu đồng/lượng.

Do vậy, theo một số thông tin không chính thức thì NHNN đang cân nhắc những biện pháp mới để đưa thị trường vàng vào khuôn khổ, tránh tình trạng vênh xa giữa giá vàng trong nước và quốc tế.

Trong đó, một số biện pháp được nhắc tới bao gồm cho các DN và NH nối lại hình thức kinh doanh vàng qua tài khoản ở nước ngoài, cho các NH bán vàng huy động...

Hiện nay, kiến nghị này đang được các NH khá quan tâm và tỏ ra ủng hộ. Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT NH Sacombank, nói rằng, những kiến nghị trên xuất phát từ phía dư luận, dù không được biết nhiều đến kiến nghị này, nhưng đứng về phía quan điểm, ông cho rằng đây là đề xuất chính xác và rất phù hợp. Bởi theo ông Thành, nếu muốn thị trường vàng ổn định thì đây chính là giải pháp tối ưu nhất.

Nói như trên để thấy rằng, một khi thị trường vàng ổn định, giá vàng trong nước ngang bằng với giá vàng thế giới thì chuyện đầu cơ vàng tại thị trường trong nước sẽ không còn.

Nhiều chuyên gia đưa ra ý kiến là: “Tâm lý nắm giữ tiền mặt của các NĐT thế giới ngày càng gia tăng trên thị trường. Biểu hiện rõ nhất là một số quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới cùng các NH châu Âu đua nhau đem vàng ra đổi lấy tiền mặt.

Như vậy, kim loại quý là nơi trú ẩn an toàn trong những lúc kinh tế, địa chính trị bất ổn nhưng giờ đây nó trở thành một tài sản vô cùng rủi ro”.

Cụ thể, trong khoảng 37 phiên giao dịch gần đây, vàng có 15 phiên biến động giá trên 2% - đợt biến động mạnh và dài nhất trong lịch sử, ngoại trừ năm 2008. Khi một thứ gì đó có thể di chuyển 3, 5 hay 6% trong hai phiên thì đó không phải là tài sản an toàn.

Cuối cùng, vị chuyên gia này cho rằng, ngoài những diễn biến tình hình thế giới, những biện pháp mạnh mà Chính phủ trong nước đang áp dụng, cộng thêm chuyện USD có thể lên ngôi thì việc nắm giữ tài sản lại có vẻ chứa đựng nhiều rủi ro. Lúc này tiền mặt sẽ trở thành vua và các NĐT vàng nên thận trọng trong lựa chọn đầu tư của mình.

Các tin khác