Thông tư 74 - Kích tâm lý, chưa kích thị trường

Thông tư 74/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính vừa ban hành về hướng dẫn giao dịch CK, nội dung quan trọng nhất là cho phép giao dịch ký quỹ (margin), mua bán trong phiên, mở nhiều tài khoản. Thế nhưng, những quy định này đã được NĐT và các CTCK thực hiện từ lâu trên thị trường. Do vậy, Thông tư 74 không mang nhiều tác dụng cho TTCK, có chăng chỉ là hiện thực hóa những cái đã có.

Thông tư 74/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính vừa ban hành về hướng dẫn giao dịch CK, nội dung quan trọng nhất là cho phép giao dịch ký quỹ (margin), mua bán trong phiên, mở nhiều tài khoản. Thế nhưng, những quy định này đã được NĐT và các CTCK thực hiện từ lâu trên thị trường. Do vậy, Thông tư 74 không mang nhiều tác dụng cho TTCK, có chăng chỉ là hiện thực hóa những cái đã có.

Thông tư 74 chỉ mới ổn định tâm lý NĐT chứ chưa thể kích thị trường.Ảnh: LÃ ANH
Thông tư 74 chỉ mới ổn định tâm lý NĐT chứ chưa thể kích
thị trường.Ảnh: LÃ ANH

Trước khi Thông tư 74 được ban hành, một số thông tin cho rằng các CTCK sẽ không được phép cho NĐT vay tiền, đã gây chấn động mạnh đến thị trường. Tuy nhiên, khi nội dung Thông tư 74 “đá” với tin đồn này bị rò rỉ, thị trường cũng chỉ tăng điểm mạnh trong vài phiên.

Đến khi thông tin chính thức được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, thị trường lại quay đầu giảm điểm. Điều này chứng tỏ Thông tư 74 chỉ các tác dụng về mặt tâm lý, chưa thể là động lực thúc đẩy sự khởi sắc cho TTCK.

Theo phân tích của các chuyên gia, Thông tư 74 ra đời đúng lúc tâm lý NĐT xuống nên mang lại tác dụng tốt về mặt tâm lý. Tuy nhiên, với việc luật hóa và có một khung pháp lý đánh dấu bước phát triển quan trọng cho TTCK sau 10 năm thành lập, thực tế Thông tư 74 với những quy định tưởng chừng rất mới nhưng lại rất đỗi bình thường ở các TTCK nước ngoài.

Ngay cả TTCK Lào, dù đi sau TTCK Việt Nam cả thập kỷ nhưng vẫn cho phép cùng mua cùng bán, mở nhiều tài khoản. Tại TTCK Việt Nam, dù chưa cho phép thực hiện nhưng bản thân NĐT và CTCK đã âm thầm “lách” từ lâu.

Chẳng hạn, quy định cấm NĐT mở nhiều tài khoản nhưng NĐT vẫn có thể nhờ người khác đứng tên rồi ủy quyền đầu tư để vừa mua, vừa bán công khai. Riêng hình thức giao dịch margin đã được nhiều CTCK triển khai, vì đây là chiêu thức cạnh tranh, lôi kéo NĐT.

Ai cũng biết việc cho phép NĐT được mở nhiều tài khoản và giao dịch ký quỹ, mua bán trong phiên của Thông tư 74 sẽ góp phần tháo gỡ nút thắt về cơ chế giao dịch và tạo thêm thanh khoản cho TTCK. Thông tư 74 còn góp phần hạn chế được các hành vi thao túng giá CP do NĐT mở nhiều tài khoản với nhiều tên khác nhau.

Điều này cũng làm giảm các tài khoản ảo, đồng thời cơ quan quản lý có thể xác định chính xác số lượng NĐT tham gia thị trường. Thế nhưng, để thị trường tăng trưởng bền vững, cần sự hỗ trợ từ những chuyển biến tích cực từ nền kinh tế vĩ mô. Ngay lãnh đạo UBCKNN khi trả lời phỏng vấn báo chí về tác động của Thông tư 74, cũng thừa nhận đây chỉ là vấn đề kỹ thuật có tác dụng đến tâm lý NĐT chứ không thể kéo thị trường khởi sắc.

Mọi biến động của TTCK đều phụ thuộc vào diễn biến của kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, Thông tư 74 vẫn còn thiếu một nội dung được NĐT quan tâm nhất hiện nay là giảm thời gian thanh toán từ T+3 như hiện nay xuống còn T+2 hay T+0? 

Theo giới phân tích, Thông tư 74 sẽ thay đổi căn bản nhiều hoạt động giao dịch trên thị trường và hệ thống giao dịch sẽ phải chỉnh sửa đáng kể để tương thích với quy định mới. Khoảng thời gian 2 tháng từ nay đến ngày có hiệu lực 1-8 được xem ra là một thách thức không nhỏ cho cả cơ quan điều hành lẫn các thành viên thị trường.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là cuộc chơi trên thị trường sẽ diễn ra khốc liệt hơn, rủi ro đầu tư cũng cao hơn khi NĐT được công khai sử dụng đòn bẩy. Như vậy, yếu tố hấp dẫn nhất đối với TTCK hiện nay chỉ có thể đến từ các yếu tố cơ bản với hơn 77% thị giá CP đang dưới giá trị sổ sách và cũng có hơn 45% CP giao dịch dưới mệnh giá.

Các tin khác