Thanh khoản: Bất ổn lớn nhất của kênh vàng

Điều đáng lo nhất đối với giới đầu cơ và cả giới đầu tư không phải là đà đi lên rất khó khăn của giá vàng, mà chính từ hiện tượng thanh khoản sụt giảm mạnh. Hành động "chạy trước" của Bảo Tín Minh Châu có lẽ cũng phản ánh đúng xu thế hạ giá và giảm sút cả thanh khoản của kênh vàng trong thời gian tới.

Điều đáng lo nhất đối với giới đầu cơ và cả giới đầu tư không phải là đà đi lên rất khó khăn của giá vàng, mà chính từ hiện tượng thanh khoản sụt giảm mạnh. Hành động "chạy trước" của Bảo Tín Minh Châu có lẽ cũng phản ánh đúng xu thế hạ giá và giảm sút cả thanh khoản của kênh vàng trong thời gian tới.

Quỹ đầu tư ủy thác vàng lớn nhất thế giới SPDR không phải bao giờ cũng đúng. Bằng chứng là từ đầu tháng 11-2011 đến nay, tổ chức này đã mua ròng đến 34 tấn vàng, nhưng cũng đã phải chịu lỗ do vàng bị giảm giá.

Trong hai tuần qua, sau một sóng tăng ngắn hạn, giá vàng thế giới đã dao động ngang theo xu hướng trượt dần. Quy luật tương đồng giữa giá vàng và giá chứng khoán lại một lần nữa hiện ra: giá vàng đã không thể giữ được đà tăng một khi các chỉ số chứng khoán Mỹ đuối sức. Tệ hơn nữa đối với giá vàng là tỷ lệ tăng tối đa của nó trong con sóng vừa qua chỉ vào khoảng 12%, trong khi chỉ số chứng khoán Dow Jones và Nasdaq của Hoa Kỳ lần lượt tăng đến 15% và 17%.

Cho đến phiên giao dịch cuối tuần qua, John Taylor chủ tịch của FX Concepts LLC - quỹ đầu tư tiền tệ lớn nhất thế giới - đã trở thành chuyên gia dự báo đúng hơn cả. Cần nhắc lại, vào tháng 10-2011, ông đã là một trong số hiếm hoi chuyên gia dám nêu ra dự báo ngắn hạn cụ thể cho giá vàng: đầu tháng 11-2011, giá vàng có thể chạm mức 1.750-1.800 USD/oz. Dự báo này được ông nêu ra khi giá vàng còn đang kéo ngang ở vùng 1.620-1.650 USD/oz.

Thực tế là trong vài tuần qua, giá vàng đã không thể vượt được ngưỡng cản 1.800 USD/oz, mốc mà chúng tôi đã đề cập về sự khó khăn của giá vàng trong một nhận định từ hai tuần trước. Tình hình này cũng gần tương ứng với việc giá vàng Việt Nam không thể chạm được mốc 47 triệu đồng/lượng.

Vậy hiện thời đặc điểm dao động của giá vàng thế giới là gì? Cũng như thị trường vàng Việt Nam, thị trường vàng quốc tế bị nén về thanh khoản. Hiện tượng chỉ số vàng dao động ngang theo thế trượt dần, cộng với thanh khoản cũng sụt giảm qua các phiên, đã cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư vàng. Dường như tâm lý vàng là tài sản thuộc loại rủi ro đang quay trở lại.

Vàng đứng trước xu thế hạ giá và giảm sút thanh khoản trong thời gian tới. 
Vàng đứng trước xu thế hạ giá và giảm sút thanh khoản trong thời gian tới.

Đáng chú ý hơn, biểu đồ vận động của giá vàng thế giới trong thời gian này lại khá giống với đường biểu diễn của nó vào giai đoạn tháng 5 và 6-2008. Vào giai đoạn đó, giá vàng thế giới sau khi lập đỉnh đã lao dốc khoảng 18%, gần bằng với tỷ lệ lao dốc trong tháng 9 của năm nay. Sau đó, giá vàng thế giới răng cưa đi lên nhưng không thể tái chiếm được đỉnh cũ.

Nếu chỉ căn cứ vào đồ thị vận động của giá vàng thế giới trong mối quan hệ tương ứng với chỉ số chứng khoán Mỹ, có thể dẫn đến một giả thuyết đáng sợ là nền kinh tế thế giới đang nằm trong giai đoạn suy thoái, và thời điểm hiện nay mới chỉ bắt đầu cho một cuộc suy thoái kép, hoặc tệ hơn nữa là dang dẫn đến một cơn khủng hoảng mới.

Tuy nhiên sự an ủi đối với thị trường chứng khoán đến từ chỉ số đo lường trạng thái Phố Wall (VIX). Trong vài tuần qua, chỉ số này dao động khá mạnh, nhưng kết quả là không tăng quá mạnh. Hiện nay, VIX đang làm nên một dạng dao động ngang và người ta có thể hy vọng chỉ số này sẽ giảm dần trong thời gian tới. Nếu khả năng này xảy ra, thị trường chứng khoán vẫn còn giữ được thế đi ngang và do đó nền kinh tế của Hoa Kỳ và châu Âu chưa đến mức bị cảnh báo quá lớn.

Như chúng tôi đã đề cập trong những nhận định gần đây, điều rõ ràng hơn là triển vọng của Dow Jones. Mặc dù vấn đề Hy Lạp và sau đó là Ý đã liên tục tác động đến khu vực Eurozone và làm cho các thị trường chứng khoán thế giới chao đảo khá mạnh, nhưng xu thế chung vẫn là chỉ số Dow Jones sẽ không bị giảm quá mạnh trong trường hợp xấu nhất.

Phép thử đối với Dow Jones về mốc 12.200 điểm đã gần như kết thúc với thất bại không thể vượt qua đối với chỉ số này. Tuy nhiên, điều này không quá thất vọng, bởi thị trường chứng khoán Hoa Kỳ còn đang được hỗ trợ bởi một số thông tin có chiều hướng tích cực, đặc biệt là số lượng nhà khởi công tăng khá nhiều ở Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, việc FED vẫn duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp và luôn sẵn sàng bơm vào thị trường thêm một Chương trình nới lỏng định lượng nữa cũng giúp cho chỉ số chứng khoán trở nên ổn định hơn.

Trong những tuần tới, có khả năng chỉ số chứng khoán Hoa Kỳ sẽ điều chỉnh giảm trở lại, kéo theo giá vàng thế giới giảm theo. Quá trình giảm song ánh giữa giá vàng thế giới và giá chứng khoán có thể sẽ là một quá trình trượt giảm từ từ. Nhưng việc giá vàng thế giới giữ được mốc 1.600 USD/oz sẽ thật sự là một khả năng mong manh.

Trong bối cảnh đó, giá vàng trong nước không có nhiều hy vọng, hoặc nói cách khác là chỉ có rất ít kỳ vọng có thể đạt tới ngưỡng 47 triệu đồng/lượng. Thậm chí, cùng với xu hướng giảm của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước sẽ khó giữ được vùng giá 45-46 triệu đồng/lượng.

Hiện tượng vàng của Bảo Tín Minh Châu "phá giá" trên thị trường trong hơn một tuần qua cho thấy, hoặc báo trước điều gì? Một cách hợp lý nhất, hiện tượng này được lý giải bởi bản dự thảo nghị định quản lý kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước, trong đó ưu tiên cho vàng miếng của SJC - vốn chiếm đến 90% thị phần giao dịch vàng miếng trong nước.

Nhưng phía sau đó có lẽ là cả một ẩn số lớn. Trong vài tuần qua, điều đáng lo nhất đối với giới đầu cơ và cả giới đầu tư vàng không phải là đà đi lên rất khó khăn của giá vàng, mà chính từ hiện tượng thanh khoản sụt giảm mạnh. Đã có những xác nhận chắc chắn về hiện tượng "9 người bán 1 người mua" từ nhiều cơ sở kinh doanh vàng.

Trong khi đó, cũng đã có tín hiệu về tình hình thanh khoản trên thị trường ngoại tệ trở nên cạn kiệt. Không khác lắm với thị trường chứng khoán, chuyện thanh khoản giảm mạnh trên thị trường vàng phản ánh ít nhất một hệ quả là giá vàng đang nằm trong kênh xuống, cũng như kênh vàng có thể sẽ không còn là một kênh đầu tư hấp dẫn.

Trong thời gian tới, cho dù dự thảo nghị định quản lý kinh doanh vàng do Ngân hàng Nhà nước đưa ra có được điều chỉnh theo hướng "tản quyền", thì gần như chắc chắn SJC vẫn là công ty chủ đạo được lựa chọn trong việc sản xuất và kinh doanh vàng miếng. Số phận của kênh đầu tư vàng gần như đã được quyết định từ đầu tháng 10-2011, khi Ngân hàng Nhà nước ban hành một loạt thông tư liên quan đến hoạt động huy động và cho vay bằng vàng đối với các tổ chức tín dụng.

Hành động "chạy trước" của Bảo Tín Minh Châu có lẽ cũng phản ánh đúng xu thế hạ giá và giảm sút cả thanh khoản của kênh vàng trong thời gian tới.

Các tin khác