Tăng thời gian giao dịch chưa hợp thời điểm

Kể từ ngày 5-3, HOSE sẽ chính thức thay đổi thời điểm giao dịch (từ 8 giờ 30 phút thành 9 giờ 30 phút), tăng thời lượng thêm 15 phút (từ 9 giờ đến 11 giờ 30 phút thay vì 8 giờ 30 phút đến 10 giờ 45 phút) giao dịch kéo dài thêm buổi chiều (từ 13 giờ đến 14 giờ 15 phút). Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh sự thay đổi này.

Kỳ vọng lớn nhất của các cơ quan quản lý cũng như CTCK trong việc kéo dài thời gian giao dịch sang buổi chiều chính là tạo thanh khoản cho thị trường, ngoài ra còn có tác dụng chuẩn hóa khung thời gian với các thị trường khác trong khu vực.

Như vậy, từ đầu năm 2012 đến nay NĐT thấy được ít nhất 2 việc cụ thể các cơ quan quản lý TTCK thực hiện. Đầu tiên là việc áp dụng chỉ số VN30 và thứ 2 chính là kéo dài thời gian giao dịch. VN30 ra đời bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự bức xúc của NĐT trước việc VN Index bị NĐTNN bóp méo thông qua giải ngân vào những CP có vốn hóa lớn nhất thị trường, đã được NĐT và chuyên gia ủng hộ.

Còn đối với việc tăng thêm thời gian giao dịch cần tách bạch 2 khía cạnh tăng thời gian giao dịch và thêm giao dịch buổi chiều. Bởi lẽ nếu kéo dài thời gian giao dịch thêm 15 phút tại HOSE sẽ bình thường nhưng có thêm phiên buổi chiều rất nhiều hoạt động cũng như cách thức đầu tư sẽ thay đổi hẳn.

Bởi với diễn biến chưa tích cực của TTCK hiện nay, thanh khoản chưa đi vào trạng thái ổn định và phụ thuộc nhiều vào yếu tố tâm lý. Điều này dẫn đến hệ quả có thể thấy được khi thị trường điều chỉnh giảm, thay vì cảnh buồn tẻ chỉ diễn ra vào buổi sáng lại có thêm buổi chiều, đã buồn còn thảm hơn.

Liệu HOSE đã tính toán được vấn đề này hay không? Một trong những yếu tố đảm bảo thanh khoản cho thị trường chính là các nhà tạo lập thị trường, mua đi bán lại nhằm giữ ổn định hiện nay vẫn chưa có.

Hiện có khoảng 1 triệu tài khoản tham gia TTCK Việt Nam, cứ cho rằng số tài khoản này đại diện cho 1 triệu NĐT thì con số này cũng không phải quá lớn để có thể làm cuộc khảo sát ý kiến NĐT. Một thị trường bền vững phải có những giải pháp, sản phẩm theo nhu cầu chính đáng của NĐT.

Ở đây, chỉ cần HOSE đề xuất các CTCK hỗ trợ xem xét ý kiến NĐT chẳng hạn nên hay không nên giao dịch buổi chiều, kéo dài thời gian bao nhiêu là hợp lý… rồi sau đó thống kê gửi về sở. Một vấn đề khác cần nói đến ở đây là công tác tuyên truyền của HOSE. Khác hẳn với VN30, ngay từ khi chạy thử nghiệm số liệu chỉ số này, các thông tin đã được đưa ra khá bài bản giúp NĐT định hình.

Trong khi đó, thông tin về phiên giao dịch buổi chiều lại ở trạng thái khi  mờ khi tỏ, thậm chí trước khi chính thức áp dụng còn có sự cố nhỏ khi là CTCK “lỡ” phát ngôn thay cho HOSE về vấn đề này và… trật lất. Trong khi các CTCK, chuyên gia, NĐT liên tục bày tỏ quan điểm trái ngược nhau về phiên buổi chiều thì chưa thấy ý kiến nào của cơ quan quản lý đủ sức nặng để “bẻ” lại các ý kiến phản biện, tạo niềm tin cho NĐT.

Thêm phiên giao dịch buổi chiều để tiến đến chuẩn mực giao dịch với các TTCK thế giới cũng là điều cần cân nhắc. So với các TTCK trong khu vực như Singapore, Thái Lan, tuổi đời của TTCK Việt Nam nhỏ hơn, càng không thể sánh với các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tất nhiên, đã ra sau thì cần phải chạy nhanh hơn để đuổi kịp người đi trước, nhưng nếu nhanh mà không hợp lý thì chậm mà chắc vẫn hơn.

Các tin khác