Tác động giá xăng dầu, lạm phát và lãi suất

Giá xăng dầu đã được giảm, lạm phát có dấu hiệu đạt đỉnh, cộng với sự ổn định trong hệ thống ngân hàng sẽ dần kéo hạ mặt bằng lãi suất trong những tháng cuối năm 2011?

Giá xăng dầu đã được giảm, lạm phát có dấu hiệu đạt đỉnh, cộng với sự ổn định trong hệ thống ngân hàng sẽ dần kéo hạ mặt bằng lãi suất trong những tháng cuối năm 2011?

Lạm phát tháng 8 có thể đạt đỉnh, nhưng cả năm 2011 vẫn sẽ đứng ở mức cao

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0.93% và đây mức tăng hàng tháng thấp nhất từ đầu năm 2011 đến nay.

Với con số này, CPI tháng 8 đã tăng 23.02% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục cao hơn con số 20.82% và 22.16% của các tháng 6 và 7. Câu hỏi đặt ra là liệu con số 23.02% có phải là đỉnh trong năm 2011 hay chưa?

Nhìn vào lịch sử chỉ số giá tiêu dùng theo tháng từ đầu năm 2008 đến nay, CPI những tháng vừa qua của năm 2011 có diễn biến gần giống với năm 2008.

Tuy vậy, xu hướng CPI giảm tốc mạnh mẽ vào những tháng cuối năm 2011 như đã xảy ra trong giai đoạn cuối năm 2008 là rất khó có khả năng xảy ra.

Lý do là cuộc khủng hoảng năm 2008-2009 đã nhấn nhìm nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái nghiêm trọng, rõ rệt nhất là giai đoạn quý 3 và quý 4 của năm 2008. Trong khi hiện tại, sức khỏe kinh tế thế giới tuy vẫn ảm đạm nhưng khả năng rơi vào suy thoái nghiêm trọng như những tháng cuối năm 2008 là gần như không thể xảy ra.

Lịch sử thống kê cho thấy lạm phát những tháng cuối năm thường tăng nhẹ. Tuy vậy, khả năng tăng cao như cuối năm 2010 cũng khó diễn ra.

Trong những tháng cuối năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao đột ngột có nguyên nhân xuất phát từ yếu tố tiền tệ và giá lương thực, thực phẩm thế giới tăng cao.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong tỷ lệ lạm phát 11.75% của năm 2010 thì yếu tố tiền tệ đóng góp đến 4.65%. Thực tế này đã góp phần đẩy chỉ số giá tiêu dùng những tháng cuối năm 2010 tăng vọt.

Yếu tố khá quan trọng khác là giá thực phẩm thế giới đột ngột tăng cao trong thời gian này. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO), giá thực phẩm thế giới thông qua chỉ số FFP đã tăng hơn 22% từ tháng 8/2010 đến tháng 12/2010.

Nhìn lại diễn biến tình hình kinh tế trong nước năm 2011, chính sách tiền tệ đã được điều hành khá chặt chẽ từ đầu năm đến nay. Vì vậy, tác động của yếu tố tiền tệ đến tình hình lạm phát trong những tháng cuối năm 2011 gần như không còn đáng kể.

Trong khi đó, giá thực phẩm thế giới đã duy trì ở mức kỷ lục khá cao và khó có thể có sự đột phá tăng cao như giai đoạn cuối năm 2010.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng nhóm hàng Thực phẩm đã có sự giảm tốc rõ rệt và ở mức 1.55% vào tháng 8/2011 so với con số 3.2% ở tháng 7/2011. Tính chung cho nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, thì CPI nhóm này trong tháng 8 chỉ tăng 1.35% so với mức tăng 2.12% trong tháng 7/2011.

Với sự bất ổn của nguồn cung, biến động của thời tiết, hiệu quả kênh phân phối chưa cao, nhu cầu của “thương nhân ngoại quốc”…, yếu tố lương thực, thực phẩm vẫn luôn tiềm ẩn ảnh hưởng khá tiêu cực lên tình hình lạm phát trong nước. Chìa khóa cho sự kiểm soát thành công đang ở yếu tố bình ổn giá và kiểm soát tâm lý kỳ vọng.

Trong những tháng vừa qua, TPHCM đã thực hiện rất tốt biện pháp này và CPI ở thành phố này đã có dấu hiệu giảm tốc mạnh mẽ.

Ngoài hai yếu tố trên, tỷ giá USD/VND và việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu cũng có thể có những tác động tiêu cực lên chỉ số giá tiêu dùng những tháng cuối năm 2011.

Việc căng thẳng tỷ giá trong thời gian gần đây đã làm dấy lên mối lo ngại về áp lực lên tình hình lạm phát cuối năm. Tuy nhiên, với mức dự trữ ngoại hối khá tốt trong thời gian gần đây và những tuyên bố về cơ sở để đảm bảo ổn định tỷ giá trong những tháng cuối năm, thì có thể hy vọng rằng tác động của vấn đề này lên lạm phát là không lớn.

Mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu từ 830,000 đồng/tháng đến 2,000,000 đồng/tháng ở các vùng khác nhau cũng một phần nào tác động lên mức tăng chỉ số giá tiêu dùng.

Phân tích của chúng tôi cho thấy các đợt tăng lương cơ bản tác động rất ít đến mặt bằng giá cả những tháng sau đó. Điều lo ngại có lẽ là tâm lý “tát nước theo mưa” sau việc điều chỉnh tăng lương này.

Theo thông tin mới cập nhật, Bộ Tài chính đã đồng ý giảm giá xăng dầu từ 300 đồng – 500 đồng/lít (tức 1.4% - 2.3%) kể từ tối ngày 26/8. Mức giảm này được đưa ra trong bối cảnh giá dầu thế giới có thể tiếp tục sụt giảm do lo ngại kinh tế chưa được cải thiện và nguồn cung dồi dào khi tình hình ở Libya ổn định trở lại.

Mức giảm giá xăng dầu lần này thấp hơn so với các đợt tăng giá trước đó; nhưng rõ ràng sẽ giảm áp lực lên đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2011.

Những phân tích trên cho thấy khả năng để lạm phát tăng cao trong những tháng cuối năm 2011 như giai đoạn cuối năm 2010 là rất thấp, trừ khi có những cú sốc bất ngờ và tiêu cực từ bên ngoài. 

Kịch bản xấu nhất là lạm phát trong tháng 9 tăng trở lại ở mức 1.31% như tháng 9/2010 thì CPI tháng 9/2011 cũng chỉ đạt mức 23.02%; tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra và xác suất lạm phát đạt đỉnh trong tháng 8 là rất cao.

Chúng tôi cho rằng lạm phát tuy có giảm tốc nhưng vẫn duy trì ở mức cao và những tháng cuối năm có thể tăng trong khoảng 0.7%-1%. Như vậy, lạm phát cả năm 2011 sẽ dao động trong khoảng 19%-21%.

Ngoài Thực phẩm, nhóm Giao thông, Nhà ở và vật liệu xây dựng, Giáo dục cũng tác động đáng kể đến lạm phát

Trái ngược với niềm tin thông thường, mức lạm phát khá cao hiện nay không phải chỉ đến từ nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, cụ thể hơn là nhóm Thực phẩm.

Biểu đồ dưới cho thấy sự tương quan khá lớn giữa CPI của các nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, Giao thông, Nhà ở và vật liệu xây dựng và CPI tổng quan. Ngoài ra, từ giữa năm 2009 đến nay, nhóm Giáo dục cũng nổi lên như là một nhóm tương quan mạnh.

Nếu cộng tỷ trọng của các nhóm hàng Giao thông, Nhà ở và vật liệu xây dựng và Giáo dục trong rổ hàng hóa tính CPI thì sẽ được con số hơn 24%, tương đương với tỷ trọng của nhóm hàng Thực phẩm.

Việc xăng dầu vừa được giảm giá sẽ có tác động tích cực lên CPI nhóm Giao thông trong những tháng tới, Nhà ở và vật liệu xây dựng đang trong thời kỳ ảm đạm, nhưng Giáo dục sẽ chịu ảnh hưởng nhất định do tính chất mùa vụ.

Triển vọng giảm lãi suất đã hiện hữu

Với những phân tích ở trên, có khả năng rất lớn là CPI sẽ đạt mức đỉnh 23% vào tháng 8 và sẽ giảm dần trong những tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012, dù sẽ vẫn còn đứng ở mức cao. Đây là một điều kiện quan trọng để phát đi tín hiệu mặt bằng lãi suất có thể được kéo giảm xuống.

Chúng tôi cũng nhận thấy trong thời gian gần đây, cơ quan quản lý đã có hàng loạt động thái nhằm làm giảm lạm phát kỳ vọng như: yêu cầu đưa giá xăng dầu, điện vào kế hoạch thanh tra trong năm 2012, các biện pháp bình ổn tỷ giá và bình ổn thị trường vàng… Đây cũng sẽ là yếu tố tích cực góp phần hạ nhiệt chỉ số giá tiêu dùng trong thời gian tới.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng trong 7 tháng đầu năm 2011 chỉ mới hơn 7%. Với dư địa còn lại đến gần 13%, nhìn chung các ngân hàng sẽ dễ có điều kiện để nới rộng tăng trưởng tín dụng.

Điểm đáng lưu ý là nút thắt về thanh khoản trong hệ thống ngân hàng trong thời gian tới có thể được dỡ bỏ; khi NHNN áp dụng các biện pháp để điều hòa vốn trên thị trường 1 và thị trường 2. Có thể hy vọng rằng áp lực căng thẳng thanh khoản của hệ thống ngân hàng sẽ sớm được giải quyết và sẽ là tín hiệu tích cực để hạ nhiệt mặt bằng lãi suất.

Theo nhận định của chúng tôi, các cơ sở để kéo giảm mặt bằng lãi suất đang ngày càng rõ ràng hơn. Tuy vậy, với thực tế lạm phát vẫn còn ở mức cao thì mức giảm của lãi suất trong những tháng còn lại của năm 2011 sẽ không nhiều. Có thể hy vọng rằng mặt bằng lãi suất sẽ dao động quanh ngưỡng 18%-19% khi về cuối năm 2011.

Các tin khác