Sức ép cổ phiếu thủy sản

Trong bối cảnh tăng trưởng xuất khẩu chậm, tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu ngày càng gia tăng, việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa công bố kết quả cuối cùng tăng thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm cá tra và cá basa càng khiến các doanh nghiệp thủy sản thêm nguy khó.

Trong bối cảnh tăng trưởng xuất khẩu chậm, tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu ngày càng gia tăng, việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa công bố kết quả cuối cùng tăng thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm cá tra và cá basa càng khiến các doanh nghiệp thủy sản thêm nguy khó.

Theo thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản trong năm 2012 chỉ đạt gần 6,2 tỷ USD so với chỉ tiêu 6,8 tỷ USD. Với tỷ lệ tăng trưởng chưa đầy 1%, 2012 được xem là năm có mức tăng trưởng thấp nhất của ngành thủy sản trong những năm gần đây.

Chính vì vậy, nhận xét về năm 2012 phần lớn các doanh nghiệp đều cho rằng đây là năm cực kỳ khó đối với ngành thủy sản. Cả nuôi trồng, sản xuất lẫn xuất khẩu đều đối diện với nhiều thách thức. Người nuôi lao đao với dịch bệnh xảy ra tại nhiều vùng nuôi ngay từ đầu năm khiến nguồn tôm nguyên liệu giảm, giá cả lên xuống thất thường.

Còn doanh nghiệp đối mặt với thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, hoạt động sản xuất cầm chừng, thậm chí còn đối diện với nguy cơ phá sản.

Nhà đầu tư sẽ phải tính đến phương án đầu tư cổ phiếu thủy sản. Ảnh: L.THANH 

Nhà đầu tư sẽ phải tính đến phương án đầu tư cổ phiếu thủy sản. Ảnh: L.THANH

Trong năm 2012, nhu cầu tại các thị trường chủ lực EU giảm sút do tác động của khủng hoảng nợ công châu Âu, nên thị trường Hoa Kỳ đã chính thức soán ngôi EU để trở thành thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam với  giá  trị nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD (tăng 6,7% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng khoảng 20% tổng kim ngạch).

Giá trị xuất khẩu sang thị trường EU giảm 14,6%, chỉ còn chiếm 18,7% tổng kim ngạch, trong đó 4 quốc gia nhập khẩu chính là Đức, Italia, Hà Lan, Tây Ban Nha có mức giảm mạnh từ 15-17%. Tại khu vực châu Á, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản tăng trưởng khả quan (tăng hơn 15%), nhưng doanh nghiệp Việt Nam đang mất khả năng cạnh tranh trước các đối thủ khác như Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành thủy sản 2012 khá bi đát. Thống kê 21 công ty thủy sản đang niêm yết, có đến 12 công ty có doanh thu và 17 công ty có lợi nhuận sau thuế lũy kế năm 2012 sụt giảm so với cùng kỳ năm 2011.

Tính chung toàn ngành doanh thu giảm 7,7% và lợi nhuận sau thuế giảm 35,7%. Yếu tố chi phí sản xuất và chế biến thủy sản tăng mạnh 15-35% (giá xăng, dầu, điện, thức ăn chăn nuôi thủy sản).

Đặc biệt, dịch bệnh và chi phí kiểm tra ethoxyquin làm tăng đáng kể giá thành sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm. Bên cạnh đó, tình trạng người nuôi và doanh nghiệp thiếu vốn do khó tiếp cận nguồn vốn vay đã chi phối hoạt động sản xuất và xuất khẩu của toàn ngành thủy sản.

Tình trạng khó khăn này khiến nhóm CP thủy sản không còn được ưu tiên lựa chọn của NĐT. Nhiều mã CP thủy sản giảm xuống dưới mệnh giá như CTCP Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (CMX), CTCP Thủy sản số 4 (TS4), CTCP Nam Việt (ANV), CTCP Xuất nhập khẩu lâm thủy sản Bến Tre (FBT).

Nay việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) áp dụng thuế chống bán phá giá tăng từ 25-40 lần khiến các doanh nghiệp thêm khó khăn. Điều đáng nói là quyết định áp thuế mới này lại tác động mạnh đến các doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cá tra và cá basa lớn và đang dần lấy lại được vị thế trên thị trường như: CTCP Việt An (AVF), CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), CTCP Gò Đàng (AGD), CTCP Hùng Vương (HVG), CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF). Do đó, nhiều khả năng CP của các doanh nghiệp này sẽ suy giảm đáng kể trong thời gian tới.

Các tin khác