Sacombank mua CP quỹ - Ai lợi, ai thiệt?

LTS: Sự kiện Sacombank (STB) đăng ký mua hơn 100 triệu cổ phiếu (CP) quỹ chỉ trong vòng 1 tháng, trong khi trước đó không lâu phát hành CP để tăng vốn điều lệ đã làm cho nhiều nhà đầu tư (NĐT) và cổ đông đặt dấu hỏi. ĐTTC trích đăng ý kiến phân tích của chuyên gia ngân hàng Trần Lê về vấn đề này.

LTS: Sự kiện Sacombank (STB) đăng ký mua hơn 100 triệu cổ phiếu (CP) quỹ chỉ trong vòng 1 tháng, trong khi trước đó không lâu phát hành CP để tăng vốn điều lệ đã làm cho nhiều nhà đầu tư (NĐT) và cổ đông đặt dấu hỏi. ĐTTC trích đăng ý kiến phân tích của chuyên gia ngân hàng Trần Lê về vấn đề này.

Một thương vụ chắc lãi

Nhằm thực hiện nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ban hành vào tháng 2-2011), STB đã thực hiện việc tăng vốn điều lệ từ 9.179,2 tỷ đồng lên 10.739,7 tỷ đồng vào tháng 8-2011 (ngày 10-8-2011 là ngày giao dịch không hưởng quyền). Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh xác nhận vốn điều lệ mới của STB được cấp vào ngày 26-10-2011.

Tuy nhiên, chỉ 1 ngày trước đó, 25-10, HĐQT STB đã thông qua kế hoạch mua CP quỹ với số lượng tương đương 10% vốn điều lệ mới, tức khoảng 107 triệu CP và dự kiến thực hiện từ ngày 15-11-2011 đến 15-12-2011. Trong khi đó, lượng CP giao dịch bình quân trên sàn của STB trong 3 tháng gần nhất (từ tháng 8 đến 11) chỉ khoảng 1 triệu CP/phiên.

Do đó, nếu như gom trên sàn, STB ước cũng chỉ mua được khoảng 26 triệu CP. Còn lại khoảng 81 triệu CP sẽ được tiến hành giao dịch thỏa thuận. Vậy ai sẽ là người tiến hành giao dịch thỏa thuận với STB?

Phải chăng thông qua độc quyền mua trên thị trường để đẩy giá CP tăng cao nhằm thực hiện giao dịch thỏa thuận?

Còn nhớ vào đầu tháng 8-2011, khi Dragon Capital (DC) tiến hành thoái vốn hơn 61 triệu CP STB, ông Chang Hen Jui, chồng của Phó Chủ tịch HĐQT STB đã đăng ký mua lại chỉ hơn một nửa. Như vậy, còn khoảng gần một nửa bán cho những “NĐT ẩn”.

Phải chăng đây chính là những người sẽ tiến hành giao dịch thỏa thuận với STB trong đợt mua CP quỹ lần này? Vào thời điểm DC thoái vốn, giá CP STB khoảng 12.000 đồng/CP.

Tính đến điểm hiện tại là 14.800 đồng/CP, những “NĐT ẩn” này đã có phần lãi lớn nếu căn cứ trên thị trường. Tuy nhiên, từ khi đăng ký mua CP quỹ đến nay giá CP STB tăng lên liên tục và không biết bao giờ dừng khi thời gian đăng ký mua chỉ mới bắt đầu 4 ngày giao dịch.

Vậy phải chăng việc dừng mua CP quỹ khi giá tăng đến 2.0 như lời ông Chủ tịch HĐQT STB phát biểu? Trước đó, sau thương vụ thoái vốn này, DC thu về khoảng 1.000 tỷ đồng, điều này cho thấy giá chuyển nhượng khoảng 16.300 đồng/CP. Do đó, giá CP STB còn tiếp tục tăng trên mức này.

Trên thế giới, khi một nghị quyết mua CP quỹ được HĐQT thông qua không chỉ thực hiện việc mua vào CP quỹ mà còn có mức giá dừng mua. Phương án của STB không có mức giá dừng mua, NĐT có thể xem mức giá mà vị chủ tịch này phát biểu để biết mức dừng mua.

Như vậy, giả định mức giá dừng mua là 2.0, “NĐT ẩn” này sẽ có lợi nhuận khủng. Lợi nhuận này có được từ sự mất mát của các cổ đông nhỏ trong STB. Như vậy NĐT có lý để đặt vấn đề đã có một “thỏa thuận” nào đó từ việc mua phần thoái vốn của DC từ các “NĐT ẩn” này.

Mùa đại hội cổ đông đến, NĐT sẽ biết chính xác giá vốn mà STB mua CP quỹ, lúc này giá trị thiệt hại của các cổ đông sẽ lộ ra.

Cứu bồ... nhà

Phát biểu với báo giới, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT STB giải thích việc mua lại CP quỹ nhằm “bình ổn giá CP, ổn định tâm lý NĐT”.

Thế nhưng, nếu xem sét lại diễn biến giao dịch từ đầu tháng 6 đến trước thời điểm công bố quyết định mua CP quỹ, giá CP STB có xu hướng đi lên, ngược với xu hướng chung của thị trường.

Không có sự giảm giá mạnh như biết bao CP niêm yết, vậy cớ sao lại cần thiết phải bình ổn? Xâu chuỗi các sự kiện đăng ký mua vào CP của STB từ các công ty có liên quan đến Chủ tịch HĐQT như Công ty Đặng Huỳnh (5,4 triệu CP), Bourbon Tây Ninh - SBT (7,5 triệu CP), Đường Ninh Hòa - NHS (3,6 triệu CP), Thành Thành Công (15 triệu CP)... cho đến chồng bà Phó Chủ tịch HĐQT (30,6 triệu CP) thì việc mua lại CP quỹ này sẽ giúp cho những đối tác trên không bị lỗ trong thương vụ STB ít nhất là cuối năm báo cáo tài chính.

Như vậy, hành động mua lại CP quỹ trên chỉ nhằm cứu những vệ tinh của mình tránh có một báo cáo tài chính xấu khi phải trích lập dự phòng đầu tư.

Việc mua vào CP quỹ khi biết rằng giá trị giao dịch CP trên thị trường rất ít trong một khoảng thời gian mua 1 tháng, STB sẽ đẩy giá CP của mình tăng cao nhằm mang lại những lới ích cho các chủ thể trên chứ không phải là bình ổn giá và ổn định tâm lý NĐT.

Vậy những NĐT thông minh sẽ tham gia mua vào CP STB trong những ngày qua có thể bán lại cho STB ở mức giá 2.0? Chúng ta không nên quá kỳ vọng khi một công ty đăng ký mua CP quỹ chứ không phải cam kết qua đủ lượng CP đăng ký. Như đã phân tích trên, mục tiêu là đẩy giá CP STB trên thị trường và thực hiện giao dịch thỏa thuận với “NĐT ẩn”.

Nhìn về tương lai

Một vấn đề cần lưu ý đối với STB là ngân hàng này trong quá khứ thường liên tục phát hành CP tăng vốn mỗi năm. Và trong tương lai, bản thân STB cũng đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ 15-20%/năm cho đến tận năm 2020. Do đó, để tiếp tục kế hoạch tăng vốn, STB phải bán ra CP quỹ vào khoảng từ tháng 6-2012 (theo quy định, CP quỹ được phép bán ra sau 6 tháng kể từ khi hoàn tất mua CP quỹ và việc phát hành thêm chỉ khi công ty đó bán hết lượng CP quỹ).

Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao STB có thể bán đi lượng CP quỹ lên đến trên 100 triệu CP trong khi khối lượng giao dịch bình quân ở trên thị trường chỉ tầm khoảng 1 triệu CP/phiên? Hơn nữa, với mức giá 2.0 thì CP STB có còn hấp dẫn các NĐT khác mua?

Giá CP của STB sẽ như thế nào sau 6 tháng kết thúc hoạt động mua lại CP quỹ? Nếu đứng lại ở mức giá 2.0 liệu các tổ chức khác như REE, IFC, ANZ hoặc thậm chí là nhóm đầu tư trên có tiến hành thoái vốn? Tất cả đều là ẩn số, chỉ có một cơ hội thay thế là các CP cùng ngành.

Nếu quả thật CP STB phải trên 2.0 thì có nhiều CP ngân hàng khác đang còn rẻ hơn nhiều để NĐT mua vào thay vì mua STB. Trong khi liên tục các ngày qua CP STB tăng giá nhưng các CP ngân hàng khác lại đứng giá.

Nếu biết phân tích, NĐT sẽ biết việc tăng giá này đến từ đâu và còn tiếp diễn thế nào. Vì vậy, quyết định mua CP quỹ của STB khó có thể coi là một động thái bình thường và đúng với nguyên tắc quản trị tài chính.

Cần lấp lại khoảng trống luật

Mặc dù STB có đưa ra nhiều lý do cho hành động mua CP quỹ nhưng diễn biến của STB cũng khiến các nhà quản lý phải đặt câu hỏi: Trong khi ngân hàng cần vốn để mở rộng quy mô hoạt động như phương án tăng vốn vậy tại sao tiến hành mua lại CP quỹ với tỷ lệ đến 68% lượng CP đã phát hành chỉ trong vòng có 2 tháng?

Ở các nước trên thế giới, việc mua lại CP quỹ sau khi tăng vốn không được phép tiến hành trong thời gian sớm như vậy. Thông thường, phải sau ít nhất 1 năm kể từ ngày phát hành CP tăng vốn mới được mua lại CP quỹ.

Điều này cho thấy sự cần thiết các nhà quản lý phải xây dựng lại khung pháp lý cho việc mua CP quỹ tại Việt Nam. Nếu không, rất dễ xảy ra tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chuyện phát hành tăng vốn để có nguồn tiền mua vào CP quỹ.

Đây là điều dễ xảy ra vào thời điểm hiện nay khi lãi suất ngân hàng tăng cao, trong khi giá CP sụt giảm khiến nguy cơ bị thâu tóm gia tăng. Nếu như không vì mục đích chống thâu tóm, đó cũng là do doanh nghiệp nhận thấy CP đang giao dịch dưới mức tiềm năng và muốn phát hành tăng vốn để có nguồn tiền kinh doanh chính CP của công ty.

Đây là một việc làm cần được ngăn chặn vì mục đích của TTCK là huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh chứ không phải để các doanh nghiệp niêm yết đầu tư tài chính.

Cần nhắc lại rằng, việc lợi dụng này không còn là chuyện hiếm tại Việt Nam mà thực tế đã xảy ra khá nhiều trong năm 2011. Đó chính là những trường hợp mà dư luận đang đặt câu hỏi đối với các mã MCG, HPG, PTL.

Các tin khác