PVR - Đại gia lâm nạn

Có tên gọi hoành tráng cùng những thông tin rất khủng liên quan đến hoạt động kinh doanh, nhưng CTCP Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) lại chưa chứng tỏ được mình trong thực tế.

Có tên gọi hoành tráng cùng những thông tin rất khủng liên quan đến hoạt động kinh doanh, nhưng CTCP Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) lại chưa chứng tỏ được mình trong thực tế.

Tham vọng không cơ sở

PVR thành lập cách đây 5 năm, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí, du lịch… Ngày 28-2, PVR đã phát hành 30 triệu CP để tăng vốn điều lệ nhưng chỉ có khoảng 23,1 triệu CP được bán hết và thu về hơn 240 tỷ đồng.

Từ số tiền này PVR đã trích ra hơn 135 tỷ đồng, trong đó bổ sung vốn lưu động 15 tỷ đồng và rót cho 4 dự án khu du lịch cao cấp, tổ hợp căn hộ, trung tâm thương mại… với tổng số tiền xấp xỉ 120 tỷ đồng. Tại thời điểm 30-6, PVR có hơn 300 tỷ đồng, trong đó gửi ngân hàng có kỳ hạn 3 tháng 290 tỷ đồng.

Nhưng trước đó, vào thời điểm đầu tháng 5, lại xuất hiện thông tin PVR nhận chuyển nhượng một dự án tại khu đất vàng (số 9 Lê Thánh Tông, Hà Nội) với số tiền 480 tỷ đồng. Sau đó PVR ước tính tổng mức đầu tư tiếp cho dự án này lên đến hơn 2.100 tỷ đồng và lợi nhuận đem lại hơn 380 tỷ đồng. Một người không quá am hiểu về tài chính cũng cũng có thể dễ dàng đặt câu hỏi, PVR “đào” đâu ra tiền để theo đuổi dự án trên?

Năm 2009, PVR lãi sau thuế hơn 6 tỷ đồng, năm 2010 có “khá” hơn đôi chút khi con số tăng hơn 4 lần lên 25 tỷ đồng. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để tái đầu tư cho những dự án có quy mô lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Khoản mục “nợ phải trả” của PVR tính đến 30-9 chỉ mới hơn 500 tỷ đồng, tức còn thấp hơn vốn điều lệ của PVR (531 tỷ đồng), như vậy PVR vay nợ không quá lớn.

PVR có cổ đông lớn là NHTMCP Đại Dương, nhưng điều đó không có nghĩa PVR sẽ được vay thêm một cách dễ dàng khi các ngân hàng vẫn đang siết tín dụng chảy vào ngành bất động sản. Vốn tự có chưa đủ, vay khó khăn, vậy giải pháp của doanh nghiệp bất động sản có thể tính đến là góp vốn với đối tác khác, nhưng cũng không dễ tìm trong lúc này.

Thông tin tù mù

Không rõ PVR chọn giải pháp nào, nhưng theo một số NĐT chia sẻ, thông tin cũng như cách công bố của công ty rất tù mù. Bởi lẽ, ngoài dự án tại khu đất vàng nêu trên, tổng vốn đầu tư các dự án còn lại do PVR làm chủ đầu cũng rất khủng.

Chẳng hạn dự án chung cư cao tầng CT 15 Việt Hưng (Hà Nội) có tổng mức đầu tư hơn 1.050 tỷ đồng, dự án khu đô thị sinh thái thương mại dịch vụ Đảo Việt Hạ Long (Quảng Ninh) cũng có tổng vốn hơn 1.050 tỷ đồng… PVR tự mình bỏ tiền đầu tư hay hợp sức cùng đối tác nào khác? Tiến độ thi công các dự án của PVR đến đâu cũng không thấy công bố rõ ràng.

Tháng 7-2011 PVR còn công bố rót tiền cho một số hạng mục, dự án thì vào ngày 28-10, khi giải trình cho các cơ quan quản lý về việc đạt hơn 11 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III là do “tận dụng nguồn tiền nhàn rỗi chưa sử dụng trong đợt phát hành CP tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 531 tỷ đồng để đầu tư tài chính”.

Không rõ số tiền nhàn rỗi này là bao nhiêu? Tất cả hay chỉ là 1 phần trong số tiền tăng vốn điều lệ? Liệu PVR cho biết đã giải ngân nhưng có thực là giải ngân hay không? Tiến độ đến đâu?

Cũng cần nói thêm về cách thức giải trình KQKD rất mập mờ của PVR. Theo BCTC quý III-2011 của PVR, lợi nhuận sau thuế tại báo cáo KQKD quý III-2011 đạt 31,79 tỷ đồng”.

Với cách diễn giải này, nhiều người sẽ hiểu rằng quý III năm nay PVR đạt 31,79 tỷ đồng lợi nhuận, nhưng thực tế đây lại là lợi nhuận lũy kế của cả 3 quý trong năm 2011 cộng gộp lại. Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý khi xem xét các giải trình của PVR cần phải có sự chấn chỉnh kịp thời để tránh tình trạng này.

Những dấu hỏi

Câu chuyện về hiệu quả kinh doanh của PVR bắt đầu sáng tỏ khi ngày 12-12, HĐQT của PVR quyết định tổ chức ĐHCĐ bất thường vào ngày 20-12 để lấy ý kiến một số nội dung đáng chú ý sau: Chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của PVR tại dự án tổ hợp căn hộ và dịch vụ công cộng CT 15 Việt Hưng; giãn tiến độ triển khai thực hiện đầu tư dự án khu đô thị sinh thái, thương mại dịch vụ Đảo Việt Hạ Long.

Thực tế, tiếng là tổ chức ĐHCĐ để lấy ý kiến phê duyệt, nhưng nhìn vào cơ cấu cổ đông của PVR với những ông lớn như Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), PVI Holdings (PVI), NHTMCP Đại Dương có cùng “họ” dầu khí thì có lẽ việc thông qua các phương án trên là điều tất nhiên.

Bởi sau khi PVR tiến hành tăng vốn ngày 28-2, chỉ riêng các cổ đông lớn của họ dầu khí đã chiếm gần 80% vốn điều lệ của công ty. Vấn đề đặt ra là cho dù các nội dung mà HĐQT PVR đề xuất không được ĐHCĐ phê duyệt, thì hàng loạt những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của PVR cũng cần xem lại.

Chẳng hạn tổng số tiền PVR đã rót cho CT 15 Việt Hưng đến nay là bao nhiêu? PVR chuyển nhượng dự án CT 15 Việt Hưng với giá như thế nào? Lời hay lỗ? PVR đã bỏ ra bao nhiêu tiền để đầu tư cho khu đô thị sinh thái ở Hạ Long và trong đó có bao nhiêu là vốn vay?

Qua đây, có thể thấy rằng hoạt động kinh doanh của PVR đang gặp vấn đề mà cụ thể là những dự định đầu tư có phần táo bạo, dàn trải và không hợp lý. Thực tế, như đã nói ở trên, với cơ cấu cổ đông như hiện nay, hành động của PVR cũng một phần mô phỏng cho hoạt động của các cổ đông lớn của công ty.

Những câu hỏi nói trên PVR phải sớm tìm ra đáp án nếu không muốn mang danh “trọc phú”. Phải chăng đó là lý do vì sao giá CP của PVR dù tăng trong khoảng 1 tháng qua, từ 5.800 đồng/CP lên 7.300 đồng/CP, nhưng vẫn còn cách mệnh giá 1.0 một khoảng khá xa.

Các tin khác