PVL - Bất bình thường

Ngày 15-4-2010, 500 triệu CP của CTCP Địa ốc Dầu khí (PVL- khi đó mang tên CTCP BĐS Điện lực VN) có phiên giao dịch đầu tiên tại HNX và đóng cửa tại mức giá xấp xỉ 3.0. Trong tháng đầu tiên niêm yết, có lúc PVL tăng lên đến 4.0, nhưng sau đó là quá trình tuột dốc không phanh và hiện chỉ còn hơn 0.5, tức giảm hơn 85%.

Ngày 15-4-2010, 500 triệu CP của CTCP Địa ốc Dầu khí (PVL- khi đó mang tên CTCP BĐS Điện lực VN) có phiên giao dịch đầu tiên tại HNX và đóng cửa tại mức giá xấp xỉ 3.0. Trong tháng đầu tiên niêm yết, có lúc PVL tăng lên đến 4.0, nhưng sau đó là quá trình tuột dốc không phanh và hiện chỉ còn hơn 0.5, tức giảm hơn 85%.

Lắm “bệnh” từ năm 2010

Trong năm 2010, PVL đã có 3 lần thay đổi chủ tịch HĐQT, đồng thời thay thế một loạt vị trí lãnh đạo quan trọng khác. Vào khoảng quý IV-2010, một loạt cổ đông lớn của PVL bao gồm CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX), Sudico (SJS), TCTCP Phong Phú đăng ký bán ra PVL.

Kết thúc năm 2010, giá của PVL trên TTCK vẫn trên 1.0. Đến đầu tháng 3 năm nay, lý ra phải công bố BCTC của cả năm 2010 PVL lại chỉ đưa ra BCTC quý IV-2010, trong đó có con số lỗ trước thuế của cả năm 2010 là 3,2 tỷ đồng.

Cuối tháng 3, thông tin nguyên Trưởng phòng Kinh tế kế hoạch của PVL Đặng Sỹ Hùng ra đầu thú sau 5 tháng bỏ trốn vì có liên quan đến vụ án lừa đảo tại CTCP Xây dựng 1-5. Liên quan đến vụ việc này còn có cả nguyên chủ tịch HĐQT và nguyên tổng giám đốc của PVL là ông Đào Duy Phong và ông Nguyễn Ngọc Sinh.

Đầu tháng 6, BCTC 2010 đã qua kiểm toán của PVL mới xuất hiện và khiến nhiều người choáng váng, vì Công ty Tư vấn kế toán và kiểm toán Việt Nam (AVA) đã từ chối đưa ra ý kiến của mình do có 3 vấn đề khúc mắc.

Những người làm trong ngành kiểm toán chia sẻ, thông thường khi kiểm toán, các vấn đề, khúc mắc về tình hình tài chính của doanh nghiệp sẽ được đưa ra giải quyết trên tinh thần hợp tác. Nếu có vấn đề “hơi” nặng nề thì công ty kiểm toán sử dụng ý kiến loại trừ, trường hợp từ chối đưa ra ý kiến sẽ xếp vào dạng “hết nói nổi”.

Chính vì điều này PVL đã bị cảnh báo và đồng thời rơi vào diện bị hủy niêm yết bắt buộc tại HNX. Cũng trong tháng 6 này, ĐHCĐ của PVL cũng không thể tổ chức do tỷ lệ tham dự không đủ 65% tổng số CP có quyền biểu quyết. PVL đã lên tiếng và cam kết sẽ cung cấp thêm cho đơn vị kiểm toán thông tin để công bố BCTC mới.

Đầu tháng 7, BCTC kiểm toán 2010 của PVL lần 2 được công bố, trong đó AVA chỉ còn “ngoại trừ” 2 vấn đề thay vì từ chối đưa ra ý kiến như trước và PVL “thoát” khỏi diện bị hủy niêm yết.

Những con số không minh bạch

Sang tháng 7-2011, ĐHCĐ 2011 của PVL mới diễn ra và thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu hơn 650 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 125 tỷ đồng. Trong năm 2011, các cổ đông lớn của PVL và một số lãnh đạo vẫn tiếp tục đăng ký bán ra, đồng thời các vị trí quản lý cao cấp như phó tổng giám đốc vẫn liên tục được thay đổi.

Cuối tháng 8 PVL công bố BCTC bán niên được soát xét. Lúc này, đơn vị kiểm toán không còn là AVA mà được thay bằng Công ty Kiểm toán và Định giá Việt Nam. Theo đó, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2011 của PVL đạt xấp xỉ 66 tỷ đồng, thấp hơn hẳn con số gần 150 tỷ đồng cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 11 tỷ đồng, thấp hơn 28 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Cuối tháng 10 vừa qua, PVL công bố BCTC công ty mẹ quý III, còn BCTC hợp nhất lại chưa thấy.

Qua những sự kiện vừa nêu, có thể thấy PVL có quá nhiều vấn đề, từ chuyện đội ngũ lãnh đạo thay đổi liên tục, cũng như việc minh bạch kém và tình hình kinh doanh phập phù. Mới đây, PVL đã tiến hành “đại hạ giá” với tỷ lệ 35% dự án Petro Vietnam Landmark dưới áp lực tài chính và áp lực thị trường.

Việc bán tháo này có thể khiến PVL lỗ dự kiến 70 tỷ đồng. Thế nhưng không hiểu sao trước đó, vào ngày 12-9, PVL đã được HNX đưa ra khỏi diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế tại BCTC bán niên 2011 đạt giá trị dương.

Ngoài ra, việc PVL còn được HNX chấp nhận cho giao dịch ký quỹ cho thấy những lỗ hổng trong các quy định của cơ quan quản lý.

Thiết nghĩ, với những trường hợp như PVL, cần phải có những quy định ngặt nghèo hơn nữa thay vì áp luật theo kiểu “cá mè một lứa”.

Chỉ riêng việc cổ đông lớn, ban lãnh đạo liên tục bán tháo CP khi tình hình doanh nghiệp đi xuống cũng phải nên xem là sự bất thường, thay vì vẫn bình thường như bao CP khác.

Các tin khác