Những dấu hỏi về Petrolimex

Đợt IPO lần này của Petrolimex (PLX) sẽ có tác dụng như thế nào đối với TTCK đang ảm đạm và cần những luồng gió mới?

Đợt IPO lần này của Petrolimex (PLX) sẽ có tác dụng như thế nào đối với TTCK đang ảm đạm và cần những luồng gió mới? 

Một NĐT bình thường, không cần đọc bản cáo bạch của PLX, cũng có thể dễ dàng nhận ra những ưu thế kinh doanh gần như tuyệt đối trong ngành xăng dầu với thương hiệu, thị phần và quy mô tài sản.…

IPO có thành công?

Hơn 27,4 triệu cổ phần sẽ được PLX chào bán cho các tổ chức, cá nhân trong nước theo phương thức đấu giá với mức giá khởi điểm 1.5 nhưng vắng bóng NĐTNN. Giả sử NĐT trong nước sẽ mua hết hơn 27,4 triệu PLX với giá 1.5, số tiền thu về tương đương GTGD tại HOSE vào ngày hôm qua. Nhưng để kịch bản này trở thành hiện thực, e rằng hơi khó.

Sau giai đoạn 2006-2007, NĐT cá nhân đều quay lưng với hầu hết các đợt IPO bởi quá nhiều nguyên nhân có thể kể ra như: giá không hợp lý, DN chậm niêm yết, cơ hội sinh lời kém… Những đợt IPO của Sabeco, Habeco cách đây vài năm cho đến PV Oil, VN Steel gần đây, đều là những tên tuổi lẫy lừng, nhưng kết quả lại không quá rực rỡ. Nói mức giá 1.5 của PLX hấp dẫn là đúng, nhưng chưa đầy đủ.

Thẳng thắn nhìn nhận, với tình hình hiện nay dù giá đấu thành công có là 1.0 (trên thực tế là không thể vì khởi điểm đã là 1.5), NĐT cá nhân bình thường cũng không chấp nhận mua vào một CP mà không biết khi nào sẽ lên sàn để có cơ hội bán ra. Hàng loạt CP tốt, giá thấp, có thanh khoản nhưng vẫn ế chỏng chơ thì PLX sẽ chỉ là sự lựa chọn thứ yếu. Quỹ đầu tư trong nước, các CTCK… cũng không khác NĐT cá nhân là mấy trong tình cảnh hiện tại.

Minh họa: QUỐC HOÀN

Minh họa: QUỐC HOÀN

Tuy nhiên, vẫn còn đó một thành phần NĐT trong nước sẵn sàng tham gia trong đợt IPO này, đó là những tổ chức, cá nhân có mối quan hệ với Petrolimex. Việc các đại lý của Petrolimex bỏ vài tỷ đồng để mua cổ phần trong lần này cũng là điều hợp tình và hợp lý. Nói hợp tình bởi lẽ điều này sẽ củng cố mối quan hệ giữa đại lý và “ông tổng” và hợp lý bởi vài tỷ đồng đối với một chủ cây xăng lớn cũng không có gì quá ghê gớm.

Ngoài ra còn có 21,2 triệu CP được PLX chào bán cho CBCNV với giá bán được tính bằng cách lấy giá đấu thành công nhân với 60%.

Lỗ hổng trong phương án IPO?

Nếu theo dõi bản công bố thông tin của PLX kỹ một chút sẽ thấy vết gợn. Giả sử trong trường hợp giá đấu thành công là 1.5, CBCNV sẽ được mua với giá 0.9. Đem CP với mệnh giá 1.0 bán với giá 0.9, tức là bán lỗ 0.1 là điều hết sức vô lý. Một người bình thường sẽ đặt câu hỏi: Chẳng lẽ PLX sẽ lấy phần thặng dư từ việc chào bán cho cổ đông bên ngoài “đắp” vô cho phần lỗ khi bán cho CBCNV? Chưa cần bàn đến việc có phù hợp với luật lệ hay không, có thể thấy cổ đông bên ngoài sẽ không đồng tình.

Ở đây có 2 giả thiết: Thứ nhất, Bản công bố thông tin của PLX đưa ra thông tin không chi tiết, mà ở đây là những quy định “rào” về mức giá CBCNV được mua, chẳng hạn, mức giá không được thấp hơn mệnh giá.

Thứ hai, lãnh đạo PLX đã chuẩn bị sẵn “ngón tủ” để đảm bảo rằng giá trúng thầu bên ngoài sẽ cao hơn 1.5 đủ để CBCNV mua với giá 1.0. Nhưng dù gì đi nữa thì thông qua chi tiết nhỏ trên, NĐT đang có cảm giác về một lỗ hổng lớn trong phương án IPO của PLX. Số lượng CP mà PLX bán cho CBCNV cũng không hề nhỏ, nếu xét về số tuyệt đối.

Dân tài chính nói với nhau trong lúc trà dư tửu hậu rằng đối với nhân viên của một đơn vị tầm cỡ như PLX, việc mua hết số CP trên là chuyện rất đơn giản. Thậm chí còn có tin đồn rằng nếu có ai bên ngoài cần mua “lô lớn” thì nhân viên PLX cũng có thể gom được cả triệu CP đem ra bán.

Tất nhiên, vẫn chỉ là tin đồn nhưng cũng có thể khiến người lạc quan suy luận rằng nhân viên của PLX không những sẽ mua cho suất CBCNV của mình mà thậm chí còn có thể nhờ những người khác đứng tên mua dưới dạng cổ đông bình thường, nên không lo gì PLX sẽ ế hàng.

Khó cải tổ PLX

Như đã phân tích ở trên, người nhà Petrolimex sẽ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong đợt IPO này, nhưng điều đó cũng có nghĩa tính đại chúng sẽ thuyên giảm. Như đã biết, việc doanh nghiệp nhà nước bán CP cho NĐT bên ngoài nhằm gia tăng chất lượng quản trị, đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc, giữa cổ đông bên ngoài và cổ đông nhà nước có sự hỗ trợ lẫn nhau, nhưng trong trường hợp của PLX phải xem lại.

Số CP đem ra đấu giá công khai chỉ chiếm 2,56% trong cơ cấu VĐL dự kiến. Nếu có một tay to nào đó ôm hết số CP này đi nữa, việc tham gia HĐQT hoặc trở thành cổ đông lớn có tiếng nói trong PLX là điều hết sức gian nan. Vậy nên, dù sau đợt IPO này, PLX sẽ hoạt động theo hình hài mới thì tính hiệu quả, đại chúng vẫn còn phải xem lại. Đơn cử như chuyện PLX luôn miệng kêu lỗ nhưng đến khi công bố thông tin lại có lãi, điều này cho thấy dấu hỏi lớn về sự minh bạch.

Nếu lập luận, PLX chưa bán cho NĐTNN bởi lẽ thị trường không thuận lợi nên không bán được giá cũng hợp lý. Nhưng thử nhìn lại những thương vụ M&A trong thời gian vừa qua sẽ thấy rất nhiều tổ chức sẵn sàng trả những cái giá rất cao cho những khoản đầu tư mà họ xem là tiềm năng. Có lẽ lãnh đạo PLX cũng thấy được điều này và không phải họ “nhát”. Phải chăng vì PLX có quá nhiều lợi thế trong kinh doanh và là nguồn lợi lớn nên lượng CP được cung ra bên ngoài không nhiều.

Nếu lấy tiêu chí lợi ích bao gồm lợi ích thị trường, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích NĐT, có thể thấy rằng đợt IPO của PLX chưa thỏa mãn cả 3 tiêu chí này.

Các tin khác