Những dấu hỏi lớn tại VSH

Do 2 năm không chốt được giá bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đã không thể chia cổ tức cho cổ đông, chưa tổ chức được ĐHCĐ thường niên. Điều này đã gây bức xúc cho NĐT.

Do 2 năm không chốt được giá bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đã không thể chia cổ tức cho cổ đông, chưa tổ chức được ĐHCĐ thường niên. Điều này đã gây bức xúc cho NĐT.

Ghi nhận doanh thu “tạm”

Báo cáo tài chính hợp nhất 2010 đã được kiểm toán của VSH công bố doanh thu 425 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 302 tỷ đồng, tương ứng với mức EPS xấp xỉ 1.500 đồng/CP - những con số tương đối khả quan.

Tuy nhiên, VSH và EVN lại chưa có thỏa thuận chính thức về mức giá mua bán điện áp dụng cho năm 2010. Vì vậy, VSH đã ghi nhận doanh thu trên cơ sở đơn giá bằng 90% của năm 2009.

Đến báo cáo tài chính các quý trong năm 2011, VSH lại tiếp tục phải sử dụng phương pháp ghi nhận doanh thu theo kiểu “tạm” như trên cũng bởi chưa thống nhất được giá mua bán điện với EVN. Từ đây, có 2 vấn đề lớn được đặt ra:

Công trình thủy điện Vĩnh Sơn 3 của CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh. Ảnh: V.H.M.

Công trình thủy điện Vĩnh Sơn 3 của CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh. Ảnh: V.H.M.

Thứ nhất, cơ sở nào để VSH chọn mức giá hạch toán “tạm” trên báo cáo tài chính trong các năm 2010 và 2011 bằng 90% giá bán của năm 2009? Trong thuyết minh báo cáo tài chính năm 2010, ban giám đốc VSH cho biết điều này là “phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam”.

Hợp lý nhưng liệu có hợp tình hay không? Sẽ rất vô lý nếu trong thực tế giá bán điện năm 2010 và 2011 của VSH cho EVN thấp hơn năm 2009, khi giá cả trong 2 năm qua liên tục tăng và các loại chi phí cũng tăng. Sự cẩn trọng của VSH làm nhiều người thực sự băn khoăn, thậm chí cho rằng cách ghi nhận như vậy chẳng khác nào “dìm hàng” công ty.

Hiện nay, đã gần kết thúc năm 2011, nhưng BCTC năm 2010 của VSH vẫn chỉ là những con số “tạm”, vậy tính xác thực sẽ như thế nào? “Lỗi” ở đây thoạt nhìn là giữa VSH với “đối tác” là EVN. Nhưng thực chất, EVN cũng lại là cổ đông của VSH. Vì vậy, không thể đổ lỗi tại “người ngoài” được.

Vì vậy, các cổ đông bên ngoài có quyền đặt vấn đề về tính minh bạch của ban lãnh đạo VSH. Rộng hơn nữa, thiết nghĩ, các cơ quan quản lý TTCK cần phải có ý kiến về trường hợp của VSH. Doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính nhưng con số vẫn chưa rõ ràng cũng đáng quan tâm không kém gì những doanh nghiệp chậm công bố báo cáo tài chính, hay báo cáo tài chính “có chuyện”.

Chỉ riêng chuyện phải đến đầu tháng 12, VSH mới tổ chức ĐHCĐ thường niên cũng cho thấy sự “bất thường” tại doanh nghiệp này.

Thứ hai, vai trò của các cổ đông tại VSH như thế nào? Tính đến ngày 20-5, EVN đang nắm 30,55% vốn của VSH, SCIC nắm 24%, khoảng 20% thuộc về cổ đông nước ngoài, và số còn lại thuộc về các NĐT cá nhân.

Trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2011 của VSH, đáng chú ý có khoản tiền 500 tỷ đồng mà VSH cho EVN vay với lãi suất 11,2-11,4%/năm, rõ ràng là thấp hơn rất nhiều so với lãi suất trên thị trường hiện nay.

Mặc dù chỉ nắm hơn 30% cổ phần nhưng nhìn vào những sự kiện diễn ra tại VSH, nhiều người đặt câu hỏi phải chăng EVN đang chi phối toàn bộ hoạt động của VSH? Có vẻ như những cổ đông nắm gần 70% cổ phần VSH còn lại đang “chịu nhún” trước hơn 30% của EVN? Đây rõ ràng là một sự phi lý.

Mất giá trong mắt các NĐT

Hiện tại, tỷ lệ cổ tức năm 2010 của VSH vẫn chưa được chốt và điều này đã gây bức xúc cho rất nhiều cổ đông nhỏ lẻ của VSH. CP ngành điện vốn dĩ biến động không mạnh, những người nắm giữ dài hạn đều hướng đến mục đích an toàn và hưởng cổ tức.

Tại sao EVN là cổ đông lớn, không tiến hành chốt giá bán điện với VSH, để công ty chính thức hạch toán lợi nhuận và mình cũng được hưởng cổ tức tương ứng? Như đã nói ở trên, EVN được VSH cho vay một số tiền tương đương 25% vốn điều lệ của VSH. Cho thấy những lợi thế không nhỏ mà VSH dành cho EVN.

Liệu EVN có cần hưởng cổ tức nữa hay không? Thực tế không cần chốt giá bán điện, nếu muốn, EVN vẫn có thể hưởng số cổ tức bằng cách “vay” từ VSH một khoản tiền với lãi suất “mềm”.

VSH là một CP tốt, đó là điều đã được thị trường công nhận, tuy nhiên, những khúc mắc giữa doanh nghiệp và cổ đông lớn đang biến CP này trở nên mất giá trong mắt các NĐT.

NĐT mua CP làm gì khi không được hưởng cổ tức? Không được tôn trọng quyền lợi? Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý phải mạnh tay can thiệp vào trường hợp của VSH.

Các tin khác