Nhà đầu tư mua cổ phiếu để làm gì?

Niềm tin của các nhà đầu tư đã cạn kiệt vì giá chứng khoán đã giảm sâu trong thời gian dài, mang lại sự thua lỗ cho tuyệt đại đa số nhà đầu tư. Làm thế nào để quảng đại quần chúng, chứ không phải chỉ là một số ít nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, quay trở lại với TTCK Việt Nam?

Niềm tin của nhà đầu tư đã cạn kiệt

Gần 2 năm nay, TTCK Việt Nam ngập trong không khí rất ảm đạm. Giá cổ phiếu sụt giảm thê thảm, hiện có hơn 1/3 số cổ phiếu niêm yết có giá thấp hơn mệnh giá, cá biệt có những mã chỉ còn 2.000-3.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản cũng sụt giảm nghiêm trọng, rất nhiều nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước, đang cố gắng bán tháo cổ phiếu để rút ra khỏi thị trường.

Điều rất đáng ngại đối với TTCK Việt Nam hiện nay là không ai còn được hưởng lợi từ thị trường: các nhà đầu tư, các công ty chứng khoán và cả các DN niêm yết đều thua thiệt. Nhiều người cảm nhận rằng, TTCK Việt Nam đang bị bỏ rơi.

Trên một số diễn đàn, nhiều tiếng nói chính thức còn coi TTCK như một “ sòng bạc”, là “sân chơi của những người giàu” khi tranh luận về việc miễn giảm thuế thu nhập từ kinh doanh chứng khoán. Cũng chính vì những ý kiến đó, Quốc hội mới chỉ quyết định giảm 50% thuế cho nhà đầu tư chứng khoán mà thôi.

Thực tiễn tồn tại hàng trăm năm nay của các TTCK trên thế giới và trên 10 năm hoạt động của TTCK Việt Nam đã chỉ ra rằng, TTCK có thể và đúng ra phải là một kênh đầu tư trung và dài hạn của quảng đại quần chúng; là kênh dẫn vốn quan trọng và hiệu quả của các DN niêm yết.

Không khó để nhận thấy rằng, nếu các DN niêm yết có thể dễ dàng huy động vốn nhàn rỗi trực tiếp từ mọi tầng lớp nhân dân thông qua TTCK, các DN sẽ không phải chịu áp lực nặng nề về lãi suất từ việc vay gián tiếp thông qua các định chế tài chính trung gian như ngân hàng, quỹ tín dụng…

Áp lực chính với DN khi đó sẽ là làm thế nào để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho các cổ đông, những người nắm giữ cổ phiếu của DN.

Và nếu TTCK hoạt động thông suốt, việc huy động vốn của các DN dễ dàng, sẽ giúp đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các DN, cả của Nhà nước và tư nhân, mà đó là con đường tất yếu nhằm nâng cao tính hiệu quả, tính cạnh tranh của nền kinh tế đất nước.

Vậy làm thế nào để quảng đại nhân dân, xin nhắc lại là quảng đại nhân dân chứ không phải chỉ là một số ít nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, quay trở lại với TTCK?

Không có cách nào khác là phải lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư vào khả năng sinh lợi từ việc đầu tư vào thị trường này. Có thể nói, hầu hết người dân Việt Nam đều có nguyện vọng đầu tư, từ số tiền ít ỏi họ tiết kiệm được đến những số tiền lớn cho các kế hoạch ngắn, trung và dài hạn. Đúng ra, những nhà đầu tư trung và dài hạn thường chỉ lựa chọn đầu tư vào TTCK vì trong thời hạn đó, kênh đầu tư này có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn, với rủi ro có thể thấp hơn.

Khi đầu tư vào cổ phiếu, nhà đầu tư kỳ vọng vào việc thu được lợi nhuận từ việc được chia cổ tức hoặc do giá cổ phiếu tăng. Chính vì vậy, theo thông lệ, nhà đầu tư tùy theo kế hoạch tài chính của mình mà chọn đầu tư vào công ty phát triển, là công ty đang có điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh nên không chia cổ tức mà giữ lại lợi nhuận để đầu tư trở lại, cho nên thường tăng giá khá cao so với mức trung bình của thị trường, hay vào công ty giá trị, là công ty có điều kiện sản xuất kinh - doanh ổn định, dùng lãi để chia cổ tức thường xuyên cho cổ đông.

Còn tại TTCK Việt Nam hiện nay thì sao? Niềm tin của các nhà đầu tư đã cạn kiệt vì giá chứng khoán đã giảm sâu trong thời gian dài, mang lại sự thua lỗ cho tuyệt đại đa số nhà đầu tư. Cổ tức cũng không là động lực đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư với nhiều lý do: ít có công ty niêm yết chia cổ tức bằng tiền mặt, mà nếu có chia thì tiền cổ tức lập tức bị trừ vào giá cổ phiếu, làm triệt tiêu mọi lợi ích của nhà đầu tư.

Phải lấy lại niềm tin của nhà đầu tư vào khả năng sinh lợi từ TTCK

Để khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư vào TTCK, bên cạnh các yếu tố khách quan như sự phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô mà chủ yếu là kiềm chế lạm phát, giảm lãi suất ngân hàng thì còn có những biện pháp sửa đổi một số quy định hiện hành trong lĩnh vực này. Một trong những quyết định như vậy có thể ngay lập tức làm TTCK hấp dẫn với nhà đầu tư chính là sửa đổi quy định về cách tính giá cổ phiếu sau khi chia cổ tức.

Từ trước đến nay, vào ngày giao dịch không hưởng quyền, giá cổ phiếu được điều chỉnh giảm tương ứng với số tiền hay cổ phiếu là cổ tức. Chẳng hạn nếu giá cổ phiếu vào trước ngày giao dịch không hưởng quyền là 12.000 đồng/cổ phiếu, cổ tức được chia là 20% mệnh giá, tức là 2.000 đồng/cổ phiếu thì vào ngày đó, giá cổ phiếu được điều chỉnh xuống còn 10.000 đồng/cổ phiếu. Thực tế này mang lại cho các nhà đầu tư tâm lý họ không được hưởng bất kỳ lợi lộc gì từ việc được chia cổ tức.

Về quy định, xem ra cách tính lại giá cổ phiếu sau khi chia cổ tức như vậy là hợp lý, vì từ tổng giá trị của DN, hay còn gọi là giá trị sổ sách, khi tách ra một số tiền để chia cổ tức thì giá trị sổ sách của DN sẽ giảm đi một phần tương ứng và phải được điều chỉnh vào giá.

Nhưng thực tế là giá cổ phiếu được quyết định bởi thị trường và nhiều khi hoàn toàn độc lập với giá trị sổ sách của DN. Điều đó là rõ ràng, vì nhiều khi trong một ngày, giá trị của DN hoàn toàn không đổi, nhưng giá cổ phiếu có thể thay đổi tới 10%, từ sàn đến trần hay ngược lại.

Bởi vậy, nếu vào ngày chia cổ tức, giá cổ phiếu không bị giảm sẽ mang lại tâm lý rất tốt cho nhà đầu tư, họ cảm thấy như khi gửi tiết kiệm vào ngân hàng, họ có thể được rút lãi nhưng gốc của họ không bị thay đổi.

Hãy để cho thị trường tự điều chỉnh giá của cổ phiếu sau khi chia cổ tức. Chắc chắn rằng, với quy định mới như vậy, quảng đại quần chúng thay vì gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng sẽ tìm hiểu các DN tốt để đầu tư với hy vọng được chia lãi từ cổ tức, và họ có thể đầu tư như vậy trong nhiều năm với hy vọng có cổ tức ổn định để chi dùng trong cuộc sống và hy vọng giá cổ phiếu có thể được tăng thêm trong dài hạn.

Và để thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào cổ phiếu của mình, các DN sẽ phải cân nhắc để có chính sách cổ tức đúng đắn và hấp dẫn. Các nhà đầu tư hoàn toàn có thể tự quyết định đầu tư vào cổ phiếu nào, dựa trên kết quả sản xuất - kinh doanh thực chất và chính sách cổ tức của DN.

Rõ ràng, với một quy định như vậy, hoàn toàn có thể thu hút rất nhiều nhà đầu tư quay trở lại với TTCK, trong đó một phần không nhỏ người dân sẽ có ý định đầu tư dài hạn để được nhận lại kết quả đầu tư dưới dạng cổ tức. Điều đó chắc chắn sẽ làm TTCK Việt Nam ổn định và phát triển, đáp ứng sứ mệnh của TTCK là kênh dẫn vốn cho các DN niêm yết, đồng thời là công cụ đầu tư có hiệu quả cho quảng đại quần chúng.

Các tin khác