MCF lợi thế đồng rủi ro

CTCP Xây lắp cơ khí và Lương thực thực phẩm (MCF) được đánh giá là doanh nghiệp (DN) có khả năng chi phối hoạt động xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, MCF vẫn có những rủi ro có thể lấn áp những lợi thế.

CTCP Xây lắp cơ khí và Lương thực thực phẩm (MCF) được đánh giá là doanh nghiệp (DN) có khả năng chi phối hoạt động xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, MCF vẫn có những rủi ro có thể lấn áp những lợi thế.

Lợi thế nhờ Vinafood 2

MCF hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh lương thực, xây lắp cơ khí. MCF có 2 cơ sở sản xuất và chế biến gạo tại Long An với công suất xay xát và lau bóng 8-16 tấn/giờ, sức chứa khoảng 26.000 tấn, năng lực sản xuất và tiêu thụ trung bình trên 60.000 tấn/năm.

Tiền thân là đơn vị kinh doanh trực thuộc TCT Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) nên MCF có mối quan hệ lâu năm với lực lượng thương lái, hàng xáo và hơn 30 nhà cung cấp lớn. Đến nay MCF đã xây dựng được hệ thống điểm thu mua lúa nguyên liệu tại nhiều tỉnh ĐBSCL.

Trong tình hình cạnh tranh mua thóc như hiện nay, có hệ thống thu mua và mối quan hệ với bạn hàng lớn là lợi thế giúp MCF luôn có nguồn cung cấp nguyên liệu chất lượng tốt và số lượng ổn định. Vinafood 2 là đơn vị chi phối phần lớn trong hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Do được phân bổ sản lượng ủy thác xuất khẩu gạo, đầu ra của MCF được đảm bảo. Ảnh: VNFood

Do được phân bổ sản lượng ủy thác xuất khẩu gạo,
đầu ra của MCF được đảm bảo. Ảnh: VNFood

Sản lượng gạo trúng thầu hàng năm sẽ được Vinafood 2 phân bổ đến các đơn vị thành viên và các công ty trong Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Là 1 trong 15 DN thành viên của Vinafood 2 nên MCF cũng được phân bổ sản lượng ủy thác xuất khẩu, do đó đầu ra của MCF được đảm bảo.

Thực tế hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của MCF được xuất ủy thác cho Vinafood 2 và VFA. Cùng với việc sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng qua các năm, sản lượng xuất khẩu của MCF cũng tăng tương ứng. Từ năm 2008, ngoài xuất khẩu, MCF cũng đẩy mạnh hoạt động bán hàng nội địa, hiện đã có một lượng khách hàng ổn định là các công ty chế biến lương thực thực phẩm (Acecook Việt Nam, Bia Sapmiller), siêu thị (Metro, Saigon Co.op) và các bếp ăn công nghiệp.

So với gạo xuất khẩu có biên lợi nhuận khoảng 300 đồng/kg, gạo bán nội địa có biên lợi nhuận cao hơn 50% (khoảng 450 đồng/kg). Ngoài ra, các chi phí liên quan như: quản lý, thủ tục, hoa hồng… cũng được giảm đáng kể. Vì vậy, trong tương lai, MCF vẫn tiếp tục phát triển kinh doanh trong nước nhằm cải thiện tỷ suất lợi nhuận và đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm.

Ngoài hoạt động kinh doanh lương thực, MCF là một trong 3 DN xây lắp cơ khí lớn tại ĐBSCL chuyên về sản xuất máy xay xát, máy đánh bóng công suất lớn, băng chuyền và bồn chứa…

Đây là các thiết bị thiết yếu trong dây chuyền sản xuất gạo. MCF có nguồn khách hàng ổn định gồm các DN lớn như CTCP Xuất nhập khẩu An Giang, Công ty Lương thực Đồng Tháp và Công ty Lương thực Long An. Đây cũng là mảng kinh doanh có biên lợi nhuận gộp cao nhất, đóng góp 24% trong tổng lợi nhuận của công ty.

Vẫn chịu nhiều bất lợi

Dù có được nhiều lợi thế cạnh tranh nhưng do ngành nghề kinh doanh rộng và sử dụng lượng lao động lớn khiến chi phí quản lý của MCF luôn ở mức cao. Năm 2010 biên lợi nhuận gộp của MCF khoảng 13%, cao hơn hẳn so với tỷ lệ khoảng 7% của các DN có cùng ngành nghề kinh doanh, nhưng do chi phí quản lý lớn (chiếm 7,2% doanh thu) đã làm giảm tỷ suất lợi nhuận của MCF.

Cũng vì lý do này mà biên lợi nhuận ròng của MCF năm 2010 chỉ ở mức trung bình ngành, vào khoảng 2,5%. Mặc dù có trang thiết bị hiện đại, nhưng quy mô sản xuất hiện tại của các nhà máy còn nhỏ, vào khoảng 30.000-40.000 tấn/năm, chỉ bằng 1/5 các công ty khác như Lương thực Sông Hậu và Lương thực Tiền Giang (trung bình 200.000 tấn/năm). Do vậy, MCF có ít lợi thế cạnh tranh theo quy mô, tỷ lệ các chi phí cố định trên doanh thu cũng cao hơn. Thực tế, vốn chủ sở hữu thấp cũng là một trở ngại trong việc huy động vốn cho nhu cầu mở rộng nhà xưởng của MCF. Vốn điều lệ của MCF là 35 tỷ đồng.

Bên cạnh nguyên nhân chủ quan đó, MCF còn đối mặt với những nguyên nhân khách quan. Đầu tiên là việc thực hiện mở rộng ngành theo cam kết WTO, cho phép các DN nước ngoài trực tiếp tham gia xuất khẩu gạo mà không cần phải liên doanh liên kết đầu tư như trước.

Đây sẽ là thách thức lớn đối với các DN trong nước, đặc biệt là các DN có quy mô nhỏ như MCF. Thêm vào đó, tình hình kinh tế và biến động lãi suất cũng ảnh hưởng trực tiếp đến ngành. Lãi suất tăng cao như hiện nay có ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tồn trữ cũng như lợi nhuận của các DN cung ứng và xuất khẩu như MCF.

Các tin khác