Kẽ hở pháp luật nhìn từ DVD

Cho đến nay, việc xử lý sai phạm ở CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD) vẫn chưa đến hồi kết, khi cơ quan điều tra chưa có kết luận cuối cùng. Ngay đến cơ quan quản lý trực tiếp là UBCKNN đến nay vẫn bối rối khi đối mặt với vụ việc chưa có tiền lệ này.

Cho đến nay, việc xử lý sai phạm ở CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD) vẫn chưa đến hồi kết, khi cơ quan điều tra chưa có kết luận cuối cùng. Ngay đến cơ quan quản lý trực tiếp là UBCKNN đến nay vẫn bối rối khi đối mặt với vụ việc chưa có tiền lệ này.

Không ai chịu trách nhiệm

 Nguồn: Internet

Nguồn: Internet 

Vụ việc lùm xùm từ các sai phạm của DVD đã bắt đầu cách đây hơn 1 năm. Ngày 14-4-2010, DVD gửi UBCKNN bộ hồ sơ đăng ký chào bán 7,09 triệu CP ra công chúng, phương án chào bán đã được ĐHCĐ thường niên ngày 20-3-2010 thông qua, báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

Tuy nhiên, bản cáo bạch đăng trên website của DVD là bản cáo bạch niêm yết CP ngày 1-12-2009, không phải là bản cáo bạch chào bán CK ra công chúng. Hơn 1 năm nay, tại DVD xảy ra nhiều sự kiện gây sửng sốt cơ quan quản lý và giới đầu tư khi hàng loạt nhân sự cao cấp bị bắt giữ, cơ quan điều tra vào cuộc với nghi vấn tạo doanh thu ảo, giả mạo hồ sơ.

Nhưng mãi đến ngày 30-8-2011, HOSE mới có quyết định hủy niêm yết đối với DVD, sau khi các chủ nợ của DVD nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản lên Tòa án nhân dân TPHCM.

Lật lại vụ việc, bà Vũ Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch UBCKNN, cho biết quy trình xét duyệt hồ sơ đăng ký phát hành ra công chúng của DVD tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Các báo cáo tài chính của DVD năm 2008, 2009 đều được 2 công ty kiểm toán A&C (thuộc nhóm lớn nhất Việt Nam) và Ernst & Young (thuộc nhóm 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới) cho ý kiến chấp nhận toàn bộ.

Lý giải những sai phạm không phát hiện khi hồ sơ phát hành được UBCKNN thông qua, bà Liên cho biết điều quan trọng nhất là DVD phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với thông tin công bố. Bởi các công ty kiểm toán chấp thuận báo cáo kiểm toán, tất cả báo cáo khác như nghị quyết đại hội, các nghị quyết hội đồng quản trị, phương án chào bán, sử dụng vốn của DVD đều đầy đủ theo pháp luật.

Do đó không có lý do gì UBCKNN từ chối. Ngay trong công văn giải trình của DVD, công ty này cũng cam kết mọi thông tin trong bản cáo bạch là đúng sự thật và khẳng định những thông tin trong đơn tố cáo không đúng, kể cả thông tin tạo doanh thu ảo, vay của người lao động...

Về vấn đề DVD có dấu hiệu giả mạo chữ ký trong bản cáo bạch chào bán CK ra công chúng, đoàn kiểm tra của UBCKNN đã phát hiện một số vi phạm về quản trị công ty, vi phạm công bố thông tin và một số dấu hiệu nghi vấn về doanh thu ảo.

Tuy nhiên, muốn xác định được những nghi vấn đó và có bằng chứng thì phải đi đến được các công ty con của DVD hoặc các công ty không phải con nhưng là đối tác (thực chất là người nhà liên kết). Nhưng UBCKNN lại không có thẩm quyền đối với các công ty này và cũng không có thẩm quyền điều tra những đối tượng có liên quan.

NĐT chịu thiệt

Dư luận băn khoăn: Tại sao UBCKNN không hủy niêm yết DVD khi những sai phạm có dấu hiệu càng lúc càng nghiêm trọng tại DVD, để đến thời điểm hiện nay mới hủy niêm yết khiến nhiều NĐT chịu thiệt?

Bà Liên thừa nhận: “Chưa thể đình chỉ niêm yết DVD ngay, vì lúc làm luật và nghị định hướng dẫn chưa lường trước được tình huống này. UBCKNN rất băn khoăn vì tình trạng của DVD đã đến mức rất nghiêm trọng, tuy nhiên khung pháp lý chưa đủ để xử lý kịp thời. Các nhân sự chính của DVD đã bị bắt, bên cạnh việc thao túng giá còn giả mạo hồ sơ niêm yết, chào bán, nhưng lại chưa có kết luận. Kết luận phải chờ công an. Đây là hạn chế về mặt pháp lý và cũng là thực tiễn phát sinh chưa lường được, nên quan điểm xử lý cũng rất khác nhau”.

Liên quan đến năng lực giám sát của UBCKNN, đại diện cơ quan này cũng thừa nhận trách nhiệm chính là từ phía doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin, vì UBCKNN không có “ba đầu sáu tay” để giám sát hết được. Bởi hiện nay, riêng công ty đại chúng và niêm yết đã có trên 1.600 doanh nghiệp, 105 CTCK, 47 quản lý quỹ cũng gần 2 triệu tài khoản của NĐT.

Từ câu chuyện về những sai phạm tại DVD, có thể thấy NĐT trên TTCK Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, đến nay vẫn chưa có giải pháp nào để hạn chế một cách hữu hiệu. Đó là việc hồ sơ phát hành được thông qua mặc nhiên được coi là hoàn hảo; DVD không thể hoàn trả lại tiền cho NĐT đã nộp khi mua CP; sự chậm trễ của DVD trong công bố báo cáo tài chính hợp nhất 2010, quý I, II-2011, báo cáo tài chính soát xét bán niên… kéo dài nhưng chưa có biện pháp xử lý quyết liệt…

Những thực tế đó đặt NĐT vào thế khó trong đầu tư và thiệt hại trước hết cũng sẽ dồn hết về họ. Rõ ràng, NĐT phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong hoạt động đầu tư của mình một khi năng lực giám sát và cách xử lý của cơ quan quản lý còn hạn chế; trách nhiệm của các cơ quan kiểm toán, độ trung thực trong công bố thông tin của doanh nghiệp còn bất cập...

Sai phạm nghiêm trọng tại DVD một lần nữa buộc cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức kiểm toán và NĐT phải nhìn lại mình kỹ hơn để từ đó bịt kín những kẽ hở pháp luật, khắc phục hạn chế của mình để tránh vấp phải một DVD thứ hai có thể xảy ra trên TTCK Việt Nam.

Các tin khác