IPO Petrolimex - Có là cơ hội lớn?

Ngày 28-7 sắp tới, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sẽ bán đấu giá hơn 27,4 triệu CP (tương ứng 2,56% vốn điều lệ dự kiến), với giá khởi điểm 15.000 đồng/CP.

Ngày 28-7 sắp tới, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sẽ bán đấu giá hơn 27,4 triệu CP (tương ứng 2,56% vốn điều lệ dự kiến), với giá khởi điểm 15.000 đồng/CP.

Sau khi cổ phần hóa, vốn điều lệ dự kiến của tập đoàn này là 10.700 tỷ đồng.

Cơ hội từ sự tăng trưởng nhu cầu hàng năm

Petrolimex hoạt động trên 4 lĩnh vực kinh doanh: xăng dầu, hóa dầu, khí hóa lỏng và vận tải xăng dầu. Ngoài ra, Petrolimex còn hoạt động trên các lĩnh vực thiết kế và xây dựng các công trình xăng dầu, dầu khí; ngân hàng - bảo hiểm; xuất nhập khẩu tổng hợp… Trong đó, doanh thu xăng dầu chiếm nhiều nhất (năm 2010 đạt hơn 117.300 tỷ đồng, chiếm 84%).

Năm 2012 Petrolimex dự kiến lợi nhuận sau thuế đạt 2.109 tỷ đồng
Năm 2012 Petrolimex dự kiến lợi nhuận sau thuế đạt 2.109 tỷ đồng

Hàng năm Petrolimex nhập khẩu trên 9 triệu m3 xăng dầu, đứng đầu về nhập khẩu trong 13 đơn vị đầu mối và chiếm thị phần 54-55%. Doanh nghiệp (DN) này có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật lớn nhất trong các công ty kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam, với việc sở hữu trên 2.100 cửa hàng xăng dầu xây dựng tại các vị trí thuận lợi nhất các tỉnh, thành phố. Đây được coi là lợi thế so sánh với các DN đầu mối khác.

Bên cạnh đó, DN này còn có các công ty con, liên kết hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và phụ trợ. Điều này mang lại lợi thế về huy động vốn, đầu tư các dự án cũng như lợi thế cạnh tranh so với các DN trong ngành. Nhu cầu xăng dầu được dự báo tăng trưởng cao ở mức 8% cho đến năm 2020 và 10-15 năm tới Việt Nam sẽ có ít nhất 3 nhà máy lọc dầu đi vào hoạt động. Như vậy, tiềm năng phát triển ngành xăng dầu rất lớn.

Đây là cơ hội cho các DN kinh doanh xăng dầu, trong đó có Petrolimex, đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Nghị định 84 có hiệu lực từ ngày 15-12-2009 đã giúp DN kinh doanh xăng dầu xác định giá bán theo cơ chế thị trường. Tuy giá bán vẫn chịu sự quản lý của Nhà nước song đây là bước thay đổi căn bản tăng tính chủ động và hiệu quả hoạt động của các DN kinh doanh xăng dầu. Theo Petrolimex, mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản cho biết sẽ có cơ chế xử lý tất cả tồn tại do bình ổn giá, cụ thể là khoản lỗ cho DN trong 5 tháng đầu năm nay. Vì thế, năm 2011 DN sẽ tính lợi nhuận trên cơ sở những phần vận hành theo cơ chế thị trường của Nghị định 84.

Theo tổ chức tư vấn SSI, năm 2011 Petrolimex bị ảnh hưởng nhiều do biến động bất lợi của giá xăng dầu. Theo kế hoạch, lợi nhuận hợp nhất năm 2011 của Petrolimex đạt 1.663 tỷ đồng, EPS đạt 1.079 đồng, tương đương với mức 1.074 đồng của năm 2010, P/E năm 2011 là 13,9 lần ở mức giá 15.000 đồng/CP (giá khởi điểm của đợt IPO). Trong đó, 3 tháng cuối năm nay Petrolimex dự kiến lãi trên 491 tỷ đồng. Năm 2012 Petrolimex dự kiến lợi nhuận sau thuế đạt 2.109 tỷ đồng, EPS là 1.017 đồng, P/E ở mức 15 lần.

 Ảnh hưởng do giá chưa hoàn toàn theo thị trường

Do giá xăng dầu vẫn có sự can thiệp của Nhà nước nên hoạt động kinh doanh của Petrolimex cũng chịu nhiều yếu tố chi phối. Chẳng hạn, doanh thu năm 2010 tăng 35% so với 2009, tuy nhiên, lợi nhuận gộp từ mảng xăng dầu lại giảm 30%. Nguyên nhân chủ yếu do năm 2009 trong cơ cấu giá bán Nhà nước cấu thành trong lãi gộp giá bán xăng 1.000 đồng/lít để tạo nguồn trả nợ vay lỗ kinh doanh mặt hàng xăng.

Mặt khác, trong năm 2010 do giá bán lẻ được kiềm chế để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô nên 2 lần điều chỉnh tỷ giá (tháng 2 và 8) đã làm lợi nhuận sau thuế từ hoạt động kinh doanh xăng dầu chỉ đạt 99 tỷ đồng (bằng 3,4% so với năm 2009 là 2.880 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, biến động của tỷ giá có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Petrolimex do việc thanh toán xăng dầu nhập khẩu của Petrolimex (từ Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc…) chủ yếu bằng USD. Những biến động của tỷ giá đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá vốn, trong khi giá bán đầu ra thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và thường có độ trễ trong việc điều chỉnh giá đầu ra, đầu vào của mặt hàng xăng dầu nên sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, chính sách kinh doanh xăng dầu theo cơ chế bù giá trong thời gian dài nên lợi nhuận kinh doanh của Petrolimex thấp, thiếu tích lũy cho tái đầu tư, đặc biệt là những dự án lớn.

Sau cổ phần hóa, Nhà nước vẫn nắm giữ CP chi phối nên với vai trò là một trong những tập đoàn trụ cột, Petrolimex cũng sẽ phải chia sẻ gánh nặng trong việc bình ổn giá. Việc để giá xăng dầu theo thị trường nhưng có định hướng của Nhà nước cũng là nhân tố khiến lợi nhuận của tập đoàn này có thể không như mong muốn.

Mặt khác, vào thời điểm hiện nay, nền kinh tế vĩ mô nói chung và TTCK nói riêng đang diễn biến bất lợi. Do đó, điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và khả năng hấp thụ của thị trường trước đợt IPO được chờ đợi này.

- Tổng doanh thu của Petrolimex năm 2008 là 120.530 tỷ đồng, năm 2009 gần 75.000 tỷ đồng và năm 2010 là 137.188 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp năm 2008 là 6.868 tỷ đồng, năm 2009 gần 9.100 tỷ đồng và năm 2010 đạt 7.674 tỷ đồng.

- Theo phương án được phê duyệt, hình thức cổ phần hóa Petrolimex là giữ nguyên phần vốn nhà nước hiện có tại DN, phát hành CP để tăng vốn điều lệ, Nhà nước nắm giữ tối thiểu 75% vốn điều lệ. Petrolimex có vốn điều lệ 10.700 tỷ đồng. Tổng số phát hành lần đầu 1,07 tỷ cổ phần, trong đó, Nhà nước nắm giữ hơn 1 tỷ cổ phần (chiếm 94,99% vốn điều lệ); bán ưu đãi cho người lao động trên 21,1 triệu cổ phần (chiếm 1,98% vốn điều lệ); bán cho tổ chức công đoàn 5 triệu cổ phần (chiếm 0,47% vốn điều lệ); bán đấu giá lần đầu ra công chúng trên 27,4 triệu cổ phần (chiếm 2,56% vốn điều lệ).

Các tin khác