IPO MHB - Lành ít, dữ nhiều

Trong bối cảnh dòng tiền bị thắt chặt và TTCK đang trong tình cảnh khá ảm đạm, kỳ vọng về sự thành công của đợt IPO Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) vào ngày 20-7 rất thấp.

Đầu không xuôi

So với 2 ngân hàng quốc doanh đã tiến hành cổ phần hóa trước đó là Vietcombank và VietinBank, tiến trình cổ phần hóa của MHB gặp khá nhiều trắc trở. Vietcombank và MHB là 2 ngân hàng thương mại nhà nước (TMNN) được Chính phủ chọn thí điểm cổ phần hóa đầu tiên.

Ngay từ năm 2003, MHB đã lên kế hoạch cổ phần hóa bằng việc thuê 2 tổ chức tư vấn quốc tế để đánh giá toàn bộ hoạt động; thuê Earnst&Young thực hiện kiểm toán theo tiêu chuẩn IAS.

Năm 2007, MHB ký kết thỏa thuận với Deutsche Bank AG Singapore tư vấn cổ phần hóa với mục tiêu IPO vào tháng 10-2007 (mức giá khởi điểm là 60.000 đồng/cổ phần).

Vào thời điểm đó, lãnh đạo MHB còn tự tin khẳng định, tiến trình cổ phần hóa sẽ đi đúng kế hoạch vì MHB có nhiều thuận lợi như không phải cơ cấu lại tài chính, không nợ xấu và đang trong quá trình phát triển khá nhanh.

Tuy nhiên, khi mọi việc đang trong chiều hướng suôn sẻ thì MHB phải tạm ngưng tiến hành IPO trong năm 2007. Nguyên nhân là thời điểm đó, TTCK đang có dấu hiệu đi xuống nên mức định giá 6.0 là quá cao so với trung bình thị trường.

 Đuôi có lọt?

Theo giới phân tích, kế hoạch cổ phần hóa chậm chạp cũng là nguyên nhân khiến cho hoạt động kinh doanh của MHB đang tụt lại so với các ngân hàng TMNN khác như Vietcombank hay VietinBank.

Hiện tại, hoạt động chính của MHB chỉ là kinh doanh cho vay thông thường với tổng doanh thu từ hoạt động này chiếm đến 92%, trong khi các loại hình dịch vụ khác chỉ chiếm khoảng 8%. Dù đây là mảng kinh doanh chính nhưng thị phần huy động vốn và cho vay của MHB chỉ đạt hơn 1%. Cũng vì lý do này tỷ suất lợi nhuận thấp trên vốn chủ sở hữu (ROE) của MHB khá thấp, chỉ đạt 4,5% trong năm 2010.

Ngoài yếu tố này, vấn đề vốn cũng là nguyên nhân khiến cho MHB chưa thể phát huy hiệu quả. Vốn điều lệ của MHB hiện đạt hơn 3.000 tỷ đồng, sau khi cổ phần hóa là 4.500 tỷ đồng.

Nếu so với ngân hàng TMNN, thậm chí là các ngân hàng TMCP đang hoạt động, con số này vẫn còn khá khiêm tốn. Vốn điều lệ thấp cũng là lý do khiến cho mạng lưới hoạt động của MHB chưa thể sánh bằng các ngân hàng TMNN khác.

MHB hiện có khoảng 40 chi nhánh và 220 điểm giao dịch trên cả nước, chỉ bằng khoảng 1/4 so với VietinBank hiện đạt xấp xỉ 1.100.

Trong đợt IPO sắp tới, MHB sẽ bán đấu giá gần 64,6 triệu cổ phần với giá khởi điểm là 11.000 đồng/cổ phần. Khối lượng IPO này chiếm khoảng 31,9% vốn điều lệ, trong đó bán đấu giá công khai trong nước 14,34%, bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên là 0,56%, bán cho NĐT chiến lược 15% và bán cho tổ chức công đoàn 2%. Như vậy, để hút hết được lượng cổ phần này, số tiền mà NĐT cần phải bỏ ra hơn 700 tỷ đồng.

Đây là số vốn khá lớn trong bối cảnh hiện nay khi giá trị giao dịch trên cả 2 sàn CK hiện chỉ đạt tương đương con số này. Như vậy, nhiều khả năng MHB sẽ không bán hết được cổ phần trong đợt IPO này.

Có thể lấy dẫn chứng về kết quả IPO của VNSteel (tổng công ty thép hàng đầu hiện nay) diễn ra cách đây không lâu cũng mang ra đấu giá số cổ phần tương đương MHB nhưng chỉ bán được hơn một nửa trong số này.

Các tin khác