HBB sáp nhập SHB - Lợi ích nhiều phía

Như ĐTTC đưa tin, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản khẳng định “ủng hộ chủ trương” HĐQT 2 ngân hàng SHB (Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội) và HBB (Ngân hàng Phát triển nhà Hà Nội) trong việc sáp nhập 2 ngân hàng này. Chủ trương sáp nhập sẽ được ĐHCĐ của HBB (dự kiến tổ chức vào ngày 28-4) và SHB (dự kiến tổ chức ngày 5-5) quyết định trước khi trình đề án cụ thể lên NHNN. Xét trên nhiều khía cạnh, cuộc “hôn nhân” này khá toàn vẹn cho cả 2 bên và phù hợp với định hướng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mà NHNN đã xác định.

Như ĐTTC đưa tin, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản khẳng định “ủng hộ chủ trương” HĐQT 2 ngân hàng SHB (Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội) và HBB (Ngân hàng Phát triển nhà Hà Nội) trong việc sáp nhập 2 ngân hàng này. Chủ trương sáp nhập sẽ được ĐHCĐ của HBB (dự kiến tổ chức vào ngày 28-4) và SHB (dự kiến tổ chức ngày 5-5) quyết định trước khi trình đề án cụ thể lên NHNN. Xét trên nhiều khía cạnh, cuộc “hôn nhân” này khá toàn vẹn cho cả 2 bên và phù hợp với định hướng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mà NHNN đã xác định.

“Tự nguyện” tốt hơn “bắt buộc”

Dự thảo báo cáo của HĐQT HBB trình ĐHCĐ sắp tới cho thấy, trong năm 2011 tỷ lệ nợ xấu của HBB ở mức 4,42%, cao hơn khá nhiều so với tỷ lệ nợ xấu trung bình của toàn ngành. Trong phần báo cáo kế hoạch năm 2012, HĐQT HBB cho rằng với tình hình môi trường kinh tế như hiện nay, khả năng “nợ xấu có thể tiếp tục phát sinh và khó xử lý, dẫn đến tình hình tài chính tiếp tục bị ảnh hưởng”.

HĐQT HBB cũng thừa nhận, theo chính sách chung của NHNN, có thể “tỷ lệ được phép tăng trưởng tín dụng của HBB sẽ thấp hơn so với tỷ lệ chung của toàn ngành”, trong năm 2012 ở mức 7-9% (nhóm 3). Với những thông tin này việc HBB phải sáp nhập là có cơ sở.

Theo đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, NHNN sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng yếu kém được sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở tự nguyện. Trường hợp không thể thực hiện tự nguyện, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp “bắt buộc”.

Đương nhiên không có ngân hàng nào muốn rơi vào tình huống này, bởi sẽ ảnh hưởng lớn tới thương hiệu cũng như quyền lợi của cổ đông. Điều này lý giải vì sao HĐQT của HBB sớm tìm đối tác để sáp nhập tự nguyện, và thực tế là biên bản ghi nhớ về vấn đề này giữa HBB và SHB đã được ký kết hồi đầu tháng 3 vừa qua.

Với biên bản này, nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến lợi ích cổ đông, cán bộ nhân viên hay khách hàng của HBB đều được thương thảo với SHB để đi đến thống nhất, thay vì bị “bắt buộc” sáp nhập vào một ngân hàng khác một cách bị động.

Vì sao là SHB?

Chủ trương sáp nhập được trình ra ĐHCĐ sắp tới chắc chắn HĐQT của HBB sẽ phải trả lời câu hỏi, vì sao lại là SHB chứ không phải ngân hàng khác? Nhiều ý kiến cho rằng HBB là ngân hàng hoạt động chủ yếu ở phía Bắc nên sáp nhập với một ngân hàng mạnh ở phía Nam để phát huy lợi thế cả hai bên. Nhưng trên thực tế điều đó chưa hẳn đúng, bởi văn hóa kinh doanh ở các vùng miền luôn có các đặc thù, nên để dung hòa là điều không dễ dàng.

Khách hàng đang giao dịch tại SHB. Ảnh: LÃ ANH

Khách hàng đang giao dịch tại SHB. Ảnh: LÃ ANH

Hơn nữa, với hoàn cảnh khó khăn của mình, HBB không phải có nhiều sự lựa chọn và SHB là một lựa chọn đúng đắn. Hiện nay SHB là ngân hàng khá vững vàng về tài chính, được NHNN xếp vào nhóm 1, có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, cơ cấu cổ đông ổn định, gắn bó lâu dài với hoạt động ngân hàng.

Mặt khác, các cổ đông của SHB không phải là các nhà đầu tư tài chính đơn thuần mà đồng thời là các khách hàng của SHB. Thực tế nhiều năm qua cho thấy SHB là ngân hàng giàu tham vọng, phát triển khá nhanh. Chỉ trong hơn 3 năm (2008-2011), SHB đã tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 4.825 tỷ đồng, mở rộng mạng lưới lên 200 điểm giao dịch.

Giả định thương vụ sáp nhập HBB vào SHB thành công, ngân hàng mới sẽ ra sao? Nếu xét về quy mô, chắc chắn sẽ mang đến lợi ích lớn cho cả hai bên. Theo báo cáo tài chính năm 2011, vốn điều lệ của HBB là 4.050 tỷ đồng, SHB là 4.816 tỷ đồng.

Nếu sáp nhập, tổng vốn điều lệ của 2 ngân hàng sẽ đạt hơn 8.000 tỷ đồng (theo biên bản ghi nhớ, 1 cổ phần SHB được hoán đổi ngang với 1,34 cổ phần HBB). Như vậy, ngân hàng mới sau sáp nhập sẽ có vốn điều lệ thuộc nhóm dẫn đầu, ngang với nhiều “ông lớn” như MB, Sacombank, ACB hay Eximbank.

Tổng tài sản của ngân hàng mới cũng tăng lên mức gần 130.000 tỷ đồng, hệ thống mạng lưới lên tới hơn 300 điểm giao dịch, nguồn nhân lực cũng tăng lên 3.500 người…

Sự tăng cường về quy mô tài chính, mạng lưới và nhân lực sẽ giúp ngân hàng sau sáp nhập huy động vốn tốt hơn, cải thiện thanh khoản, tiếp cận được khách hàng ở nhiều phân khúc khác nhau. Tất nhiên, với sự lớn lên nhanh chóng như vậy, bài toán quản trị là vấn đề cần được tính toán để mang lại hiệu quả cao nhất.

Một số chuyên gia cho rằng, nếu thực sự thương vụ SHB và HBB sáp nhập thành công, thị trường sẽ được hưởng lợi. Những mục tiêu NHNN đã đặt ra khi khuyến khích các ngân hàng sáp nhập và tái cấu trúc cũng sẽ đến gần hơn, sớm loại bỏ những TCTD quản trị yếu kém gây nhiễu loạn thị trường tài chính tiền tệ. Cuộc chơi khi đó sẽ chỉ dành cho những “ông lớn” và chuyên nghiệp.

Các tin khác