Giới đầu tư chứng khoán chờ đợi điều gì?

Chứng khoán thế giới giảm, Việt Nam lao dốc. Chứng khoán thế giới tăng vọt, Việt Nam lại lình xình đi ngang. Khi nào thị trường mới chịu tăng điểm vững chắc?

Thị trường đang trải qua những phiên giao dịch nhàm chán và bên mua không cần phải vội vã mua vào. Giới đầu tư chứng khoán Việt Nam đang chờ đợi điều gì để hứng khởi quay trở lại và kích thích thị trường tăng điểm?

Triển vọng kinh tế thế giới ổn định trở lại

Tình hình thế giới đã thu hút sự quan tâm trở lại của giới đầu tư trong nước trong vài tuần trở lại đây. Điều này không phải là không có lý khi nền kinh tế các nước phát triển đang rơi vào rắc rối sau khi tung ra hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế để chống chọi với khủng hoảng.

Vấn đề mà các nước phương Tây đang đối mặt là hoàn toàn khác biệt so với khủng hoảng năm 2008-2009. Lần này là rắc rối về nợ công, nhưng các nước sẽ rất e dè với các biện pháp giải cứu do những lo ngại về lạm phát (sẽ đẩy bất ổn xã hội tăng cao).

Một sự ổn định trở lại ở Hoa Kỳ và châu Âu sẽ làm nhà đầu tư Việt an lòng. Tuy nhiên, rõ ràng đây không phải là tất cả.

Giá vàng hết biến động “toát mồ hôi”

Giá vàng đã tăng như vũ bão và chưa có tiền lệ trong thời gian qua. Dù có một phần là hệ quả của các động thái đầu cơ (điều này luôn tồn tại trên các thị trường hàng hóa), nhưng sự dao động mạnh của giá vàng phản ánh một giai đoạn rất bất ổn cả về kinh tế lẫn chính trị, xã hội trên thế giới.

Giá vàng dịu lại là một chỉ dấu tốt lành cho triển vọng của nền kinh tế thế giới. Tuy vậy, cũng có một kịch bản khác có thể xảy ra là hoạt động “nới lỏng định lượng” diễn ra đồng loạt ở Hoa Kỳ và châu Âu, đẩy giá vàng lên tầm cao mới. Trong trường hợp này chứng khoán cũng không đến nổi quá tệ, mà sẽ có cơ hội tăng điểm song hành.

Lạm phát theo tháng trong nước ngừng tăng

Đây là chủ đề mà giới đầu tư đã phải ngóng trông từ tháng này qua tháng khác và luôn kỳ vọng sẽ đạt đỉnh trong tầm tháng 8-9.

Với độ trễ của chính sách tiền tệ thắt chặt và việc thực hiện Nghị quyết 11, có thể khẳng định lạm phát trong những tháng cuối năm phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố chi phí đẩy.

Trong một phân tích trước đây, chúng tôi đã nhấn mạnh đến yếu tố giá lương thực thực phẩm ảnh hưởng lớn như thế nào đến CPI của Việt Nam.

Chúng tôi đang kỳ vọng giá lương thực thực phẩm đã đạt đến mặt bằng giá mới, trong khi yếu tố “thương nhân ngoại quốc” có vẻ đang dịu lại nhờ hoạt động giám sát đã trở nên mạnh dạn hơn.

Mùa mưa bão vào cuối năm là một yếu tố thường kỳ nên sẽ tác động mạnh nếu việc quản lý của cơ quan có thẩm quyền không phát huy hiệu quả và yếu tố tâm lý bất ổn.

Lãi suất giảm

Lãi suất là yếu tố sống còn đối với thị trường chứng khoán. Trong một nhận định trước đây, chúng tôi cho rằng chính sách tiền tệ trong nước sẽ trở nên “dễ thở” hơn khi càng về cuối năm 2011. Chúng tôi cũng đã nhấn mạnh rằng thậm chí các ngân hàng cũng đang phải chịu áp lực hạ thấp lãi suất cho vay để duy trì hoạt động tín dụng.

Nhận định này càng được củng cố sau tuyên bố của tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành các biện pháp trong tháng 8 để kéo lãi suất xuống 17-19%.

Đây là một chỉ dấu tích cực, nhưng chừng nào chưa chứng kiến những diễn biến cụ thể trên thị trường tiền tệ, giới đầu tư sẽ vẫn còn e dè, thậm chí tiếp tục bi quan về triển vọng của chứng khoán.

Cũng cần để ý thêm mức giảm lãi suất càng đi vào thực chất, và cơ hội tiếp cận đến với càng nhiều doanh nghiệp thì sẽ càng khẳng định một xu hướng “dễ thở” mà chúng tôi đề cập.

Động thái mua vào của nhà đầu tư lớ

Đây là một chỉ dấu rất quan trọng trong bối cảnh thị trường hiện nay. Hầu hết nhà đầu tư cá nhân đều đã trở nên rất e dè, ngại rủi ro sau một giai đoạn dài thua lỗ, và phần nào mất phương hướng.

Hoạt động mua vào của khối nhà đầu tư tổ chức sẽ có ý nghĩa quan trọng và phát đi tín hiệu giai đoạn bất ổn đã qua. Động thái “làm giá” trong giai đoạn này khó tái diễn vì chính nhà đầu tư tổ chức cũng đã bị tổn thương không ít.

Các tin khác