Giá trị của sự ổn định

Từ tháng 1 đến nay, mặc dù đã tăng gần 35% (từ 7.500 đồng/CP lên 10.000 đồng/CP), kèm theo một đợt chia cổ tức 5% bằng tiền mặt, nhưng CP của CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) lại ít khi biến động mạnh, thanh khoản không cao. Thiếu những phiên tăng trần, giảm sàn đan xen với biên độ lớn nên nhiều lúc SMC trở nên kém hấp dẫn trên TTCK mặc dù công ty luôn được đánh giá cao về tính minh bạch, hiệu quả kinh doanh, sự tận tâm của ban lãnh đạo... ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SMC, xung quanh vấn đề này.

Từ tháng 1 đến nay, mặc dù đã tăng gần 35% (từ 7.500 đồng/CP lên 10.000 đồng/CP), kèm theo một đợt chia cổ tức 5% bằng tiền mặt, nhưng CP của CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) lại ít khi biến động mạnh, thanh khoản không cao. Thiếu những phiên tăng trần, giảm sàn đan xen với biên độ lớn nên nhiều lúc SMC trở nên kém hấp dẫn trên TTCK mặc dù công ty luôn được đánh giá cao về tính minh bạch, hiệu quả kinh doanh, sự tận tâm của ban lãnh đạo... ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SMC, xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - SMC đã lỗ nhẹ (hơn 500 triệu đồng) trong tháng 1. Vì sao ông lại quyết định công bố một tin xấu ngay trong những ngày đầu năm và cũng không thực sự cần thiết như vậy?

Giá trị của sự ổn định ảnh 1

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT
kiêm Tổng giám đốc SMC,
tại Nhà máy cơ khí thép (coil center)
KCN Phú Mỹ 1.

- Ông NGUYỄN NGỌC ANH: - SMC luôn nỗ lực cập nhật tình hình kinh doanh, theo từng tháng chứ không chỉ theo quý, cho các cổ đông bao gồm doanh thu, lợi nhuận, hàng tồn kho, sản lượng tiêu thụ... Quan điểm của tôi từ trước đến nay là không giấu diếm, che đậy cho dù có gặp khó khăn.

Mình không nói ra thì cổ đông nghe ngóng, tìm hiểu qua báo đài cũng nắm được phần nào, dẫn đến tâm lý hoang mang, nghi ngờ, như vậy còn tạo ra hiệu ứng ngược.

Năm 2012, lãnh đạo SMC đề ra chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng, theo suy nghĩ của tôi sẽ có khoảng 80% lợi nhuận đến từ hoạt động sản xuất và 20% từ hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư tài chính. Tại thời điểm kết thúc quý I-2012, chúng tôi đã có thể hoàn nhập vì các khoản đầu tư này đã tăng giá so với thời điểm trích lập vào cuối năm trước, nhưng quyết định để đến quý II.

Tại thời điểm này, cục diện của TTCK sẽ được định hình rõ ràng hơn và quan trọng nhất là báo cáo tài chính sẽ được công ty kiểm toán soát xét, từ đó gia tăng độ tin cậy cho các cổ đông.

Hoặc một chi tiết nhỏ như việc công bố chỉ tiêu lợi nhuận, chúng tôi cũng thường chọn lợi nhuận sau thuế, là khoản cuối cùng và thực nhất dành cho các cổ đông chứ không dùng lợi nhuận trước thuế dễ gây cảm giác ảo.

- Ban lãnh đạo SMC đang làm gì để đưa công ty vượt qua những thách thức của ngành thép như sức tiêu thụ giảm, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, rủi ro trong việc thu hồi công nợ…  thưa ông?

- Thời gian vừa qua, bộ phận quản lý rủi ro tín dụng của ngân hàng đã theo dõi rất chặt chẽ “sức khỏe” của ngành thép do tình hình kinh doanh của một số doanh nghiệp trong ngành xấu đi thấy rõ. Do duy trì mối quan hệ với các ngân hàng dựa trên uy tín cũng như hiệu quả kinh doanh nên có thể nói lãi suất vay của SMC thường rất cạnh tranh, lãi suất trung bình năm ngoái vào khoảng 17%/năm và năm nay dự kiến 15%/năm.

Khoản “tiết kiệm” 2% trên dư nợ của SMC vào khoảng 500-600 tỷ đồng nhờ giảm lãi suất vay tương ứng 10-12 tỷ đồng, giúp tiết giảm chi phí và sẽ gia tăng được lợi nhuận tương ứng.

SMC cũng đang dịch chuyển cơ cấu sản phẩm bằng cách hạ tỷ trọng thép xây dựng và đẩy mạnh các sản phẩm trong ngành công nghiệp phụ trợ như thép tấm cán nóng, cán nguội, thép lá… được gia công tại các nhà máy cơ khí thép (coil center). Từ đầu năm đến nay, hệ thống coil center của SMC đặt tại khu công nghiệp Phú Mỹ 1, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn đang vận hành hiệu quả.

Đầu năm tôi dự kiến thép tấm và thép lá sẽ chiếm khoảng 27% tổng sản lượng tiêu thụ nhưng tính đến lúc này đã lên đến 30%. Một số sản phẩm như xà gồ thậm chí phải tăng ca để đảm bảo giao hàng kịp tiến độ.

Mới đây, SMC cùng với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) thành lập công ty liên doanh với số vốn 4 triệu USD sau một thời gian dài đàm phán. Công ty liên doanh dự kiến ra mắt vào tháng 5, sẽ tiếp tục phát triển hoạt động gia công những sản phẩm thép nhưng với tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng cao hơn.

Tuy nhiên, do sức tiêu thụ mang tính đặc thù của dòng sản phẩm này, chẳng hạn thép được gia công theo hình thức đặt trước từ các nhà thầu, nên dự kiến sẽ tăng mạnh trong khoảng 3-5 năm nữa. Việc thành lập liên doanh với đối tác Nhật Bản cũng giúp SMC thuận lợi hơn trong việc đàm phán với các nhà thầu đến từ Nhật để phân phối thép.

Liên doanh này vừa đem lại lợi ích trong ngắn hạn (mở rộng thị phần, quan hệ đối tác) vừa củng cố năng lực cạnh tranh dài hạn (sản phẩm chất lượng cao, kỹ thuật).

Bộ phận nhân sự cũng như Công đoàn của chúng tôi vẫn tiến hành khảo sát năng suất lao động định kỳ, mức lương của các doanh nghiệp xung quanh và mặt bằng giá cả cuộc sống. Năng suất lao động phải được đảm bảo đi kèm với mức lương, thu nhập hợp lý cho cán bộ công nhân viên.

Không thể có chuyện tăng lương mà năng suất lao động lại kém đi vì lợi ích không song hành với nhau. SMC luôn chú trọng công tác này để đảm bảo cho cán bộ công nhân viên cuộc sống ổn định, tinh thần làm việc hăng say để cùng nhau vượt qua khó khăn.

- Theo ông, khi nào SMC sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa trên TTCK?

- Có thể những ưu điểm của SMC như tính ổn định, hiệu quả trong kinh doanh chưa phù hợp với “khẩu vị” của thị trường, mà “khẩu vị” hay xu hướng thì rất khó phán đoán và thường có sự thay đổi theo thời gian.

Nhưng đến một lúc nào đó, các NĐT đẩy mạnh lựa chọn những CP có tiêu chí là điểm mạnh thì SMC sẽ được quan tâm. Quan trọng nhất là doanh nghiệp phải đi đúng hướng và TTCK là thị trường lâu dài của 10-20 năm và hơn nữa chứ không phải 1-2 tháng.

- Xin cảm ơn ông.

ª Tại đại hội cổ đông thường niên tới đây (7-4), SMC sẽ đệ trình phương án tạm ứng một phần cổ tức năm 2012. Tỷ lệ chia cổ tức 15% mà SMC dự kiến trình đại hội một mặt đảm bảo được một mức lợi tức cho cổ đông (so với giá SMC hiện nay) cao hơn so với tiền gửi tiết kiệm, mặt khác cũng đảm bảo giữ lại một phần lợi nhuận để tái đầu tư, phát triển doanh nghiệp.

ª Một vấn đề nữa có thể được công bố tại đại hội nếu phù hợp là việc một tổ chức nước ngoài dự tính mua 5% cổ phần của SMC và tham gia vào HĐQT. Mức giá tổ chức này mua vào nhiều khả năng sẽ cao hơn mức giá của SMC trên TTCK.

ª Bộ phận tổ chức đại hội cổ đông 2012 của SMC ngoài việc gửi thư mời đã tích cực liên lạc để xác nhận trực tiếp với các cổ đông đến tham dự vào ngày 7-4 tới đây. Đến thời điểm hiện nay số lượng cổ đông xác nhận sẽ tham dự đại hội sở hữu tổng số cổ phần 71% (tỷ lệ quy định là 65% cổ phần có quyền biểu quyết).

Các tin khác