Doanh nghiệp dầu khí tận dụng lợi thế

Năm 2012 hầu hết các ngành kinh tế đều gặp phải những trở ngại nhất định, có những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như bất động sản, chứng khoán. Trong bối cảnh như vậy, nhiều doanh nghiệp lớn thuộc Tập đoàn Dầu khí (PVN) vẫn đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong quý I, tạo những điểm sáng của nền kinh tế.

Năm 2012 hầu hết các ngành kinh tế đều gặp phải những trở ngại nhất định, có những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như bất động sản, chứng khoán. Trong bối cảnh như vậy, nhiều doanh nghiệp lớn thuộc Tập đoàn Dầu khí (PVN) vẫn đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong quý I, tạo những điểm sáng của nền kinh tế.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh của công ty mẹ, Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC) trong quý I doanh thu đạt 1.467 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 91,6 tỷ đồng, tăng trên 5%. Còn theo báo cáo hợp nhất, lợi nhuận sau thuế của PTSC đạt gần 225 tỷ đồng, tương đương 30% kế hoạch năm.

Với Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Dầu khí (PVD), hoạt động sản xuất kinh doanh quý I cũng có những tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ khi doanh thu thuần đạt 1.318 tỷ đồng, tăng 11%; lợi nhuận trước thuế đạt 354 tỷ đồng, tăng 75%.

Nhờ tận dụng tốt lợi thế, PVFC luôn vượt chỉ tiêu doanh thu.

Nhờ tận dụng tốt lợi thế, PVFC luôn vượt chỉ tiêu doanh thu.

Tương tự, Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu thuần so với cùng kỳ khi đạt 2.673 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần; lợi nhuận thuần gần 156 tỷ đồng, tăng 41%; lãi cơ bản trên mỗi CP là 713 đồng.

Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng quý I Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) đạt được những kết quả tương đối ấn tượng, doanh thu đạt 2.546 tỷ đồng, vượt 106% kế hoạch quý I (1.235 tỷ đồng); lợi nhuận đạt 196 tỷ đồng, vượt 65% kế hoạch quý I (119 tỷ đồng); tổng tài sản PVFC tính đến ngày 31-3 đạt 93.733 tỷ đồng, đạt 120% kế hoạch năm (78.000 tỷ đồng).

Doanh nghiệp khác cũng tận dụng được lợi thế ngành và lĩnh vực hoạt động là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM). Trong quý I, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt hơn 2.600 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 960 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ lần lượt là 71% và 1,7 lần. Thị trường phân đạm ổn định, ít bị tác động nên DPM vẫn được hưởng lợi từ mảng kinh doanh chính này khi 50% nhu cầu phân đạm trong nước được doanh nghiệp này đáp ứng.

Theo ông Nguyễn Thiện Bảo, Tổng giám đốc PVFC, để nâng cao hiệu quả kinh doanh, PVFC đã đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 6.000 tỷ đồng lên 9.000 tỷ đồng. Đây là cơ sở để PVFC tăng cường năng lực cạnh tranh, năng lực tài chính, khả năng huy động vốn, khả năng đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng cao của các khách hàng trong và ngoài ngành dầu khí, phù hợp với quy mô, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản và hoạt động kinh doanh của PVFC.

Đồng thời, việc tăng vốn điều lệ của PVFC sẽ hỗ trợ thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược kinh doanh trong năm 2012 với định hướng chuyển đổi mô hình hoạt động sang mô hình ngân hàng thương mại. PVFC vẫn hướng đến việc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2012 với doanh thu 6.860 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 660 tỷ đồng. Riêng trong quý II, PVFC đặt ra mục tiêu doanh thu 2.100 tỷ đồng, doanh thu lũy kế đến ngày 30-6 là 4.646 tỷ đồng (bằng 68% kế hoạch năm) và lợi nhuận lũy kế 346 tỷ đồng.

Nhìn nhận những tháng còn lại của năm 2012 còn nhiều khó khăn, ông Nguyễn Hùng Dũng, Tổng giám đốc PTSC, nhấn mạnh doanh nghiệp sẽ tập trung nguồn lực, phát triển nhân sự đủ năng lực, kinh nghiệm để tổ chức triển khai thành công các dự án trọng điểm, các dự án tổng thầu EPC được PVN và các khách hàng khác giao, đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ.

Còn theo ông Bùi Minh Tiến, Chủ tịch HĐQT DPM, năm 2012 thị trường sản xuất, tiêu thụ phân đạm trên cả nước đã có sự thay đổi lớn. Ngoài Nhà máy Đạm Cà Mau chính thức đưa vào vận hành với công suất 800.000 tấn/năm, còn có thêm sản phẩm của Nhà máy Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc, đưa tổng công suất sản xuất phân đạm trong nước lên tới 2,38 triệu tấn/năm.

Thị trường phân bón sẽ chính thức cung vượt cầu, buộc các doanh nghiệp phải tính tới chuyện xuất khẩu. Dự báo trước tình hình này, DPM đã xây dựng phương án xuất khẩu phân bón. Hiện DPM đã có văn phòng đại diện tại Campuchia, đã ký hợp đồng ghi nhớ với các đối tác nước ngoài như Nhật Bản, Thụy Sĩ... nhằm tìm đầu ra tại thị trường thế giới. 

Các tin khác