DNNY: Thoái vốn chạy lỗ

Dưới áp lực khó khăn của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã phải thoái vốn các khoản đầu tư của mình. Ngoài những mục đích như cắt lỗ, thu hồi vốn, tái cơ cấu danh mục, còn một lý do khá đặc biệt: chạy lỗ.

Theo đó, nếu doanh nghiệp sở hữu từ 50% trở lên của một công ty khác thì công ty này trở thành công ty con, như vậy khi hạch toán sẽ phải theo phương pháp hợp nhất, cộng doanh thu của con với doanh thu của mẹ và chi phí của con cộng với chi phí của mẹ.

Công ty con thua lỗ tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty mẹ, hoặc công ty mẹ đã lỗ nay thêm công ty con cũng lỗ sẽ lỗ nặng hơn.

Trong một số vụ thoái vốn tại các CTCK hoạt động yếu kém trong những năm qua, có chuyên gia đã đưa ra giả thiết về việc công ty mẹ thực chất chỉ để tránh việc phải hạch toán hợp nhất những khoản chi phí đội lên cao, hoặc các khoản thua lỗ.

Sau khi tỷ lệ sở hữu giảm xuống dưới 50%, công ty mẹ có thể hạch toán doanh nghiệp theo hình thức công ty liên kết liên doanh, hoặc đầu tư tài chính đơn thuần để dễ thở hơn. Với kiểu thoái vốn này, số lượng CP bán ra chưa chắc đã bán ra thị trường mà qua một vài cá nhân hay tổ chức nào đó theo kiểu “chân gỗ”.

Nếu chỉ để mục đích chạy lỗ hoặc né lỗ, thì việc thoái vốn vừa nêu ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Thoạt nhìn, NĐT tưởng rằng sau khi công ty mẹ thoái vốn, công ty con sẽ phần nào thoát khỏi ảnh hưởng của công ty mẹ.

Nhưng thực chất lại không phải như vậy. Công ty mẹ từ chỗ phải đứng ngoài sáng, nay lại được núp trong tối, từ đây có thể nảy sinh những rủi ro khó lường hơn nữa trong mối quan hệ mẹ-con. Đối với cổ đông của công ty mẹ, nếu xem việc thoái vốn là để tái cơ cấu danh mục thì ý nghĩa này đã thất bại hoàn toàn.

Tỷ lệ sở hữu giảm xuống trên sổ sách, nhưng lại chuyển hóa thành những “cục nợ” khác khó thấy hơn nữa. Những “ràng buộc” đôi khi tiêu cực với công ty con vẫn chưa bị phá vỡ.

Nói như một chuyên gia kế toán-kiểm toán, công ty con được lập ra cũng mất nhiều công sức của công ty mẹ, vì vậy thoái vốn lập tức là điều không dễ dàng.

Trừ khi công ty đó quá xấu, còn nếu chỉ ở mức bình thường và còn có giá trị sử dụng, phải xem lại mục đích thực chất của việc thoái vốn.

Các tin khác