Đỉnh trong ngắn hạn

Khối lượng giao dịch tăng đột biến trên cả 2 sàn và độ rộng thị trường thu hẹp trong phiên giao dịch ngày 14-6, cộng với diễn biến phiên giao dịch ngày 15-6 phần nào cho thấy tín hiệu thị trường lập đỉnh trong ngắn hạn.

Khối lượng giao dịch tăng đột biến trên cả 2 sàn và độ rộng thị trường thu hẹp trong phiên giao dịch ngày 14-6, cộng với diễn biến phiên giao dịch ngày 15-6 phần nào cho thấy tín hiệu thị trường lập đỉnh trong ngắn hạn.

Các NĐT theo dõi phiên giao dịch ngày 14-6 đều có chung nhận xét đây là phiên giao dịch kịch tính nhất của thị trường kể từ đầu năm 2011. Kịch tính ở đây chính là VN Index liên tục đảo chiều với biên độ dao động đạt trên 2 con số và giá trị giao dịch lần đầu tiên vượt mốc 2.000 tỷ đồng.

Trong khi sự “rung lắc” của VN Index trong phiên chỉ tạo cho NĐT thêm sự hứng thú, việc khối lượng giao dịch trên cả 2 sàn tăng lên mức cao nhất trong đợt hồi phục lần này lại gây cho NĐT những lo ngại về một phiên phân phối đỉnh và những động tác “kéo - xả” ngày càng tinh vi.

Những đặc điểm của phiên giao dịch phân phối đỉnh đã tiếp tục được phô bày ở phiên hôm qua 15-6. Trong phiên giao dịch này, sắc đỏ giảm giá xuất hiện rộng khắp trên bảng điện tử. Rất nhiều mã từ chỗ không có người bán trong phiên phân phối đỉnh bị bán ra như xả lũ trong phiên giao dịch này.

Điểm đáng lưu ý là số điểm giảm của VN Index không lớn, tiếp tục đến từ sự “chống lưng” của một vài mã CP chủ chốt, trong khi phần lớn mã CP đều giảm mạnh. Xét về mặt giá trị, VN Index nhận được hỗ trợ tăng điểm nhiều nhất từ các mã CP chủ chốt như VIC, MSN, BVH.

Tuy nhiên, do ngưỡng kháng cự kỹ thuật đã mạnh lên với áp lực chốt lời diễn ra ở các mã đã dẫn dắt thị trường trong đợt tăng vừa qua, nên mốc 445 điểm được thiết lập trong phiên giao dịch ngày 10-6 tạm thời đang là đỉnh của VN Index trong ngắn hạn.

Diễn biến thị trường khiến NĐT lo ngại về một phiên phân phối đỉnh. Ảnh: LÃ ANH

Diễn biến thị trường khiến NĐT lo ngại về một phiên
phân phối đỉnh. Ảnh: LÃ ANH

Thực ra giao dịch với khối lượng cao ở những phiên vừa qua chỉ tương đương với một phiên giao dịch có khối lượng trung bình trong các giai đoạn trước. Hơn nữa, nếu so với phiên phân phối đỉnh gần nhất vào tháng 12-2010 (với 4.000 tỷ đồng cho cả 2 sàn và duy trì gần mức đó trong 1-2 phiên tiếp theo ở mức 2.000 tỷ đồng), con số của phiên giao dịch ngày 14-6 chỉ bằng một nửa.

Thế nhưng, sau một giai đoạn sụt giảm sâu, con số này cũng đáp ứng đủ cho điều kiện của một phiên phân phối đỉnh. Ở thời điểm hiện nay, chỉ báo khối lượng giao dịch cũng là chỉ báo phản ánh quy mô giao dịch của thị trường.

Trong 2 phiên giao dịch gần đây, dòng tiền đã có những tín hiệu dịch chuyển từ nhóm CP nhỏ sang nhóm CP blue chip bên sàn HOSE nhưng áp lực cung khá lớn ở các vùng giá cao khiến các CP này chưa thể bật lên. Trừ VIC vẫn duy trì đà tăng nhờ thông tin doanh nghiệp này được chấp thuận niêm yết trên sàn CK Singapore.

Trái ngược với nhóm CP blue chip, nhóm CP của các doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước nguy cơ lao dốc mạnh. Nguyên nhân chính là do ngân hàng buộc phải siết lại tín dụng cho vay bất động sản về mức 22% vào cuối tháng 6. Bên cạnh đó, mức lãi suất cao hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho cả khách hàng và bản thân doanh nghiệp. Nhiều khả năng thị trường bất động sản sẽ chứng kiến một đợt giải chấp lớn trong thời gian tới và điều này hoàn toàn không có lợi cho CP của các doanh nghiệp bất động sản.

Hiện tại NĐT đang ở trong 2 luồng tâm trạng đối lập, với một bên là bức tranh kinh tế vĩ mô đang dần được cải thiện, một bên là áp lực pha loãng trước làn sóng phát hành và niêm yết mới. Cả 2 yếu tố này vẫn chưa thật sự rõ ràng và có tính dài hạn, nên trước mắt diễn biến của thị trường trong những ngày tới sẽ phụ thuộc nhiều vào thông tin về lạm phát tháng 6.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, chỉ số CPI tháng này sẽ tiếp tục giảm tốc và nhiều khả năng mức tăng sẽ ở quanh mức 1%. Đây là con số có thể chấp nhận được trong bối cảnh hiện tại.

Các tin khác