Điểm sáng đầu năm

Dù TTCK diễn biến khá ảm đạm những ngày đầu năm 2012, vẫn có nhiều doanh nghiệp niêm yết chi trả cổ tức bằng tiền mặt khá cao. Đây được coi là điểm sáng hiếm hoi của TTCK trong thời điểm cực kỳ khó khăn hiện nay.

Dù TTCK diễn biến khá ảm đạm những ngày đầu năm 2012, vẫn có nhiều doanh nghiệp niêm yết chi trả cổ tức bằng tiền mặt khá cao. Đây được coi là điểm sáng hiếm hoi của TTCK trong thời điểm cực kỳ khó khăn hiện nay.

Thấp nhất cũng 10%

Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh chung hết sức khó khăn nhưng vẫn nhiều doanh nghiệp đạt được thành công nhất định. Điều này phần nào được thể hiện qua việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt khá cao (trên 10%) trong những tháng đầu năm 2012.

Theo thống kê, các doanh nghiệp  chi trả ở mức 10% (1.000 đồng/CP) gồm các CTCP Siêu Thanh (ST8), Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC), Thương mại Cà Mau (CMV), Kỹ nghệ lạnh (SRF), Xây dựng 47 (C47), Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng (LBM).

Các doanh nghiệp có mức tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2011 với tỷ lệ trên 10% là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam-Eximbank (EIB) 14%; các CTCP như Du lịch dịch vụ Hội An (HOT) 15%, Thế giới số Trần Anh (TAG) 20%, Vận tải và Giao nhận Bia Sài Gòn (SBC) 20%, CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC) 20%...

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp quyết định nâng tỷ lệ chi trả cổ tức sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc trong năm qua. Điển hình là CTCP Sản xuất - Thương mại - May Sài Gòn (GMC), trong cuộc họp HĐQT cuối tuần qua, doanh nghiệp này đã quyết định nâng tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt từ 20% lên 25%.

Ấn tượng nhất là trường hợp CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) quyết định chi trả thêm cổ tức năm 2011 với tỷ lệ 25%. Điều đáng nói, trước đó doanh nghiệp này đã chi trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ đạt 25%, nâng tổng mức cổ tức chi trả trong năm vừa qua lên đến 45%.

Dù dòng tiền liên tục bị rút dần ra khỏi TTCK, nhiều doanh nghiệp ít bị tác động, thậm chí còn “ngược dòng” tăng giá khi trở thành mục tiêu mua vào của NĐT.

Chẳng hạn, JVC liên tục tăng giá trong 4 phiên giao dịch đầu năm 2012, từ mức 15.200 đồng lên 17.200 đồng/CP (tương đương tăng 13%). DMC cũng có 4 phiên tăng điểm liên tục trong năm mới, từ 20.900 đồng lên 23.700 đồng/CP (tăng 13,3%). SBC có 2 phiên đứng giá và 2 phiên tăng trần, từ 13.600 đồng lên 14.900 đồng/CP (tăng gần 9%).

Hiện thực hóa lợi nhận

Điểm dễ dàng nhận thấy là các doanh nghiệp trên đều đạt kết quả ngoài mong đợi. Chẳng hạn, HOT công bố doanh thu 2011 đạt 136 tỷ đồng (tăng 21,7% so với năm 2010); lợi nhuận trước thuế ước thực hiện 30,19 tỷ đồng (tăng 20,3% so với năm 2010); tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ 28,02% (tăng 5% so với 2010); lãi cơ bản trên CP 2.802 đồng (tăng 5% so với 2010).

Năm 2012, HOT đặt mục tiêu tổng doanh thu 168,85 tỷ đồng (tăng 23,5% so với năm 2011); lợi nhuận trước thuế 38,292 tỷ đồng (tăng 26,8% so với năm 2011).

Được biết, chiến lược đầu tư của HOT trong năm 2012 là mua lại khu nghỉ dưỡng cao cấp 4 sao tại bãi biển Hà My và đầu tư khu nghỉ dưỡng spa nước nóng tại Quế Sơn. Theo EIB, ước kết quả kinh doanh năm 2011, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.927 tỷ đồng

Dù thị trường xuất khẩu hàng dệt may không mấy thuận lợi trong năm 2011 nhưng GMC vẫn đạt doanh thu (chưa kiểm toán) 857,5 tỷ đồng (vượt 22,5% kế hoạch và tăng 35,86% so với năm 2010). Lợi nhuận trước thuế ước đạt 52 tỷ đồng (vượt 30% kế hoạch và tăng 29,8% so với năm 2010).

Năm 2012 được dự báo giá bán sẽ bị cạnh tranh quyết liệt, trong khi chi phí đầu vào tăng nhưng GMC tiếp tục đặt kế hoạch doanh thu 900 tỷ đồng (tăng 5,9%) và lợi nhuận ước đạt 47-50 tỷ đồng.

Đối với ACL, dù chưa công bố kết quả kinh doanh cả năm, nhưng theo báo cáo tài chính quý III-2011, lũy kế 9 tháng đầu năm 2011, doanh nghiệp này đạt xấp xỉ 101 tỷ đồng lợi nhuận ròng (tăng 110% so với cùng kỳ), EPS cơ bản 9 tháng đạt 9.180 đồng/CP.

Như vậy, nếu so với kế hoạch 70,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm, kết thúc quý IIII, ACL vượt 60,85% kế hoạch. Trong kế hoạch của năm 2012, ACL sẽ sáp nhập Công ty TNHH MTV Chế biến thức ăn thủy sản Cửu Long (An Giang) vào công ty mẹ.

Đồng thời, ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc quyết định việc tiếp tục thực hiện dự án nhà máy chế biến thức ăn (đầu tư xây dựng mới hoặc mua lại nhà máy khác).

Các tin khác