Đạo đức chứng khoán

Nghiệp vụ yếu, quản trị rủi ro kém, chất lượng dịch vụ thấp… là những vấn đề đã được nhìn thấy của các CTCK hiện nay. Nhưng còn một vấn đề tối quan trọng lại chưa được nhìn nhận đúng mực: đạo đức nghề nghiệp.

Nghiệp vụ yếu, quản trị rủi ro kém, chất lượng dịch vụ thấp… là những vấn đề đã được nhìn thấy của các CTCK hiện nay. Nhưng còn một vấn đề tối quan trọng lại chưa được nhìn nhận đúng mực: đạo đức nghề nghiệp.

Vài năm trở lại đây, hoạt động thay đổi nhân sự cao cấp CTCK liên tục diễn ra mà nguyên nhân thoạt nhìn có thể là những sai lầm, yếu kém trong nghiệp vụ. Nhưng những sai lầm yếu kém bắt nguồn từ khách quan, hạn chế của con người hay còn nguyên nhân khác?

Thực ra nhiều sai lầm có chủ đích và mặc dù CTCK thiệt hại nhưng người ra đi lại có lợi. Một NĐT nhiều kinh nghiệm đã nói rất thâm thúy: “CTCK thua lỗ, đừng vội “chửi” ban lãnh đạo “kém”. Điều đáng nói những câu chuyện về “sếp” của CTCK “ăn” khoản này, “bỏ túi” thương vụ kia đã có từ lâu, nhưng cứ mãi… lưu truyền và chưa thấy có chiều hướng dừng lại”.

Điều này dẫn đến những tình huống éo le như trường hợp bộ phận môi giới duyệt cấp margins cho khách hàng với những CP kém thanh khoản lại cho đòn bẩy tỷ lệ lớn. Đây rõ ràng không phải là sai phạm về mặt nghiệp vụ mà đạo đức có vấn đề. Và trong thương vụ kiểu như vậy, những ai chịu trách nhiệm xét duyệt? Thường là sếp và tất nhiên sẽ nhận được khoản “lại quả” đáng kể để không bị thiệt.

Một nhân viên môi giới nhớ lại, thời điểm 2006-2007 hoặc năm 2009, nhiều lần khách hàng của anh mua chứng khoán hơn tỷ đồng, thiếu 10-15 triệu đồng nên mượn tiền anh để bù cho đủ. Ngày hôm sau, đem tiền lên trả, sẵn sàng lì xì 1-2 triệu đồng “lấy thơm, lấy thảo”.

Chưa kể những khoản tiền thưởng, hoa hồng “khủng”. Năm 2008, 2009 cũng khó khăn nhưng nhờ năm 2007 còn tích luỹ nên cũng không đến nỗi. Chính vì vậy, 2 năm 2010, 2011 mới được xem là đỉnh cao của sự khó khăn trong ngành chứng khoán, đặc biệt là các nhân viên môi giới.

Theo đó, vì “quen” với việc kiếm tiền dễ dàng nên khi gặp khó khăn, những ai không thể vượt lên chính mình tất nhiên dễ sa ngã, tìm những thủ thuật, chiêu trò để trục lợi.

Một vấn đề nữa là hiện nay trừ những CTCK lớn, vốn dĩ ổn định về chế độ lương thưởng, còn lại những CTCK nhỏ hoạt động yếu kém dẫn đến lương bổng thấp và có kẽ hở. Trong khi các quy trình kiểm soát yếu kém, thì nguy cơ trục lợi là rất dễ xảy ra.

Một vấn đề đã được đề cập từ rất lâu nhưng cho đến giờ vẫn chưa thấy xuất hiện, đó là một bộ quy tắc ứng xử đạo đức dành cho ngành chứng khoán. Điều này dẫn đến việc mỗi CTCK lại có cách phổ biến về đạo đức nghề nghiệp khác nhau.

Một thị trường mà ở đó NĐT lẫn CTCK chỉ chăm chăm lừa nhau liệu có thể phát triển ổn định và lành mạnh hay không? Đã đến lúc cần có một chuẩn mực đạo đức cho ngành chứng khoán.

Các tin khác