Cuộc chiến đón đầu hạ tầng khu Nam Sài Gòn

(ĐTTCO) - Là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh và tập trung nhiều dự án hạ tầng lớn rục rịch triển khai, Nam Sài Gòn trở thành “thỏi nam châm” thu hút các đại gia bất động sản. Sự phát triển mạnh của thành phố về hướng Nam đang mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nhanh nhạy. 
Hàng ngàn tỷ đồng cho các dự án hạ tầng trọng điểm
Tại TPHCM, khu Nam được xem là điểm sáng về tốc độ phát triển đô thị đồng bộ và vượt bậc so với các khu vực khác. 
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cho rằng trong sự phát triển đó hạ tầng chính là yếu tố tác động rất lớn. Tuy nhiên, với mật độ dân số tăng lên gấp hàng chục lần, hạ tầng khu Nam đang ngày càng quá tải. Việc tập trung nguồn lực, đầu tư, cải thiện hạ tầng giao thông khu Nam là xu hướng tất yếu
Cuộc chiến đón đầu hạ tầng khu Nam Sài Gòn ảnh 1  Hình ảnh đường cao tốc Bến Lức – Long Thành. 
Để giải quyết các điểm nóng về giao thông tại khu Nam, nhiều dự án hạ tầng đã được đưa vào lộ trình phê duyệt đầu tư như: Dự án xây nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng); Dự án cầu Nguyễn Khoái từ quận 7 qua quận 4 (vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng); Dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, quận 4; Dự án đường trục Bắc - Nam kết nối khu vực trung tâm với quận 4, 7 và huyện Nhà Bè có tổng kinh phí dự trù hơn 6.744 tỷ đồng; Dự án Cầu Rạch Đĩa và cầu Long Kiểng cũng được dự kiến hoàn thành trong quý I-2018…
Ngoài việc ưu tiên giải quyết các điểm ùn tắc trước mắt, thành phố cũng đang lên phương án mở rộng đường Lê Văn Lương, tuyến đường huyết mạch kết nối khu Nam Sài Gòn và Long An. Đặc biệt, tuyến Metro số 4 (đi qua các quận 1, 3, 4, 7, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận và Nhà Bè) chạy song song với đường Nguyễn Hữu Thọ, đã quy hoạch và đang được kiến nghị điều chỉnh kéo dài từ Nguyễn Văn Linh đến Khu đô thị Cảng Hiệp Phước. Theo đó, nhà ga số 2 của tuyến cao tốc này sẽ được bố trí tại Khu đô thị cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.
Bên cạnh đó, tuyến cao tốc Bến Lức - TPHCM - Long Thành, đang được triển khai, được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ở quy mô nhỏ hơn, sự kết nối này cũng sẽ là động lực quan trọng cho các khu vệ tinh như Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Khu công nghiệp Long Hậu và đặc biệt là Cần Giờ đang được quy hoạch để trở thành khu đô thị du lịch bậc nhất Đông Nam Á.
Làn sóng ngầm gom đất của đại gia Sài Gòn
Theo các chuyên gia bất động sản, tiềm năng đầu tư tại khu Nam, trong xu thế phát triển hạ tầng hiện nay là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, những nhà đầu tư sành sỏi đang có sự chuyển hướng rõ rệt. Trong đó, những sản phẩm đất nền “vừa túi tiền” đang trở thành mục tiêu săn tìm để đón hạ tầng.
Một trong những điểm nóng thu hút giới đầu tư chính là khu vực xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Khu vực này có vị trí đắc địa, liền kề các cụm cảng nằm dọc theo sông Soài Rạp gồm Cảng container quốc tế SPTC, Cảng Sài Gòn Hiệp Phước, Tân Cảng Hiệp Phước, Cảng quốc tế Long An. 
Cuộc chiến đón đầu hạ tầng khu Nam Sài Gòn ảnh 2 Phối cảnh một dự án của tập đoàn T&T sắp được ra mắt. 
Sau một thời gian dài gom đất và phát triển dự án, Tập đoàn T&T chuẩn bị tung ra thị trường 1 dự án liền kề cảng Hiệp Phước và khu công nghiệp Long Hậu. Đặc biệt, khoảng cách di chuyển từ dự án về Phú Mỹ Hưng chỉ khoảng 20 phút đi xe. Đây là cơ hội lớn để giới đầu tư có thể sở hữu đất nền với giá mềm và tiềm năng lợi nhuận cao.
Trước đó, một dự án đất nền quy mô 37ha cùng khu vực này cũng đã được tung ra và đạt mức tiêu thụ gần 100% chỉ sau vài tháng công bố. Điều này cho thấy sức hấp dẫn lớn của những sản phẩm đất nền “vừa túi tiền” tại khu vực này.
Dù đánh giá cao tiềm năng phân khúc đất nền khu Nam, tuy nhiên các chuyên gia cũng lưu ý, nhà đầu tư cần xem xét kỹ các yếu tố pháp lý. Đặc biệt, việc chọn chủ đầu tư uy tín có ý nghĩa quyết định, tránh những rủi ro về tiến độ cũng như những cam kết trong quá trình phát triển dự án.

Các tin khác