CSG - Cái chết được báo trước

Một số người có thể sửng sốt trước thông tin về khả năng giải thể của CTCP Cáp Sài Gòn (CSG) xuất hiện trong tuần qua. Nhưng thực tế, đối với nhiều người, kịch bản này đáng lý phải diễn ra sớm hơn chứ không phải đợi đến lúc này. Nguyên nhân nằm ở đâu?

Một số người có thể sửng sốt trước thông tin về khả năng giải thể của CTCP Cáp Sài Gòn (CSG) xuất hiện trong tuần qua. Nhưng thực tế, đối với nhiều người, kịch bản này đáng lý phải diễn ra sớm hơn chứ không phải đợi đến lúc này. Nguyên nhân nằm ở đâu?

Yếu kém từ lâu

Theo HĐQT của CSG, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2012 ban điều hành xây dựng với doanh thu 400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 30 tỷ đồng và tỷ lệ chia cổ tức 12%, là không khả thi do: thị trường cáp viễn thông suy giảm mạnh, kinh doanh đồng gặp nhiều rủi ro, thương hiệu và thị phần cáp điện còn yếu.

Nhà máy sản xuất dây đồng của CSG.

Nhà máy sản xuất dây đồng của CSG.

Bên cạnh đó, lãnh đạo công ty chưa có chiến lược kinh doanh mới cho tương lai. Thực tế, những vấn đề HĐQT của CSG nêu ra không mới, trái lại rất cũ. Bởi lẽ, không phải đến giờ tiêu thụ cáp đồng mới bị bế tắc mà đã “đơ” từ ít nhất 4-5 năm trước do bị cáp quang lấn lướt.

CSG thành lập năm 2005, tuổi đời còn khá “trẻ” và thương hiệu Cáp Sài Gòn cũng mờ nhạt từ khi thành lập đến nay. Nhìn vào số liệu kinh doanh của CSG trong những năm gần đây, cũng thấy nhiều điểm khá bất thường.

Tháng 7-2009, CSG lên sàn HOSE, cuối năm công ty báo cáo KQKD với hơn 34 tỷ đồng lợi nhuận, tăng gấp 25 lần so với năm trước đó. Nhưng doanh thu trong năm 2009 của CSG chỉ đạt khoảng 370 tỷ đồng, chỉ bằng hơn phân nửa so với năm 2008.

Sang đến năm 2010, doanh thu của CSG lại tăng lên xấp xỉ 540 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận chỉ tăng nhẹ lên gần 38 tỷ đồng. Năm 2011, doanh thu của CSG lại giảm đi gần phân nửa xuống 277 tỷ đồng, và lợi nhuận giảm mạnh xuống hơn 10 tỷ đồng.

Nếu một doanh nghiệp ổn định về sản xuất, kinh doanh khó có chuyện số liệu kế toán lại biến động lớn như vậy. Lý giải theo kiểu lãnh đạo doanh nghiệp phải gồng mình đương đầu với khó khăn nên có năm đạt có năm không e rằng không phải.

Vì thực tế, từ khi lên sàn đến nay, CSG chỉ là một CP bình thường, sự tương tác giữa lãnh đạo doanh nghiệp và cổ đông rất kém.

NĐT nhỏ thua thiệt

Theo Điều 3, Luật Phá sản, một doanh nghiệp không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản. Theo báo cáo tài chính đã qua kiểm toán của CSG, tại thời điểm ngày 31-12-2011, công ty còn hơn 235 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền. Trong đó có hơn 218 tỷ đồng tiền mặt đang gửi tại các ngân hàng thương mại. Chiếu theo định nghĩa trong Luật Phá sản, CSG không mất khả năng thanh toán với các chủ nợ. Tuy nhiên, việc giải thể phải chờ ĐHCĐ sắp tới thông qua, khi đó HĐQT CSG mới có cơ sở pháp lý tiến hành các thủ tục kế tiếp. Tùy theo tỷ lệ CP mà các cổ đông sở hữu tại thời điểm chốt danh sách sẽ nhận được lượng tiền mặt từ công ty sau khi CSG thực hiện các nghĩa vụ với các bên liên quan.

Câu hỏi được dành cho cổ đông lớn nhất của CSG là CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) với tỷ lệ nắm giữ tính đến ngày 12-3 năm nay là 31,14% (9,3 triệu CP). Hiện nay, Chủ tịch HĐQT của CSG là ông Đỗ Văn Trắc, một người đã quá quen thuộc với NĐT trên TTCK Việt Nam với cương vị CEO của SAM.

Sau một giai đoạn phát triển với đỉnh điểm là giai đoạn 2006-2007, SAM bắt đầu xuống dốc kể từ năm 2008, hình ảnh một CEO mạnh mẽ, quyết đoán của ông Trắc cũng không được “show” ra bên ngoài nhiều như trước.

Ông Trắc giờ trầm hơn, gặp ông cũng khó hơn, CP SAM từ chỗ là blue chip giá ngất ngưởng giờ giá trên dưới 6.000 đồng/CP và trở thành penny chip. Khoảng 2 tuần trước, HOSE cũng đã đưa SAM vào diện cảnh báo khi lỗ 183 tỷ đồng trong năm 2011. Ông Trắc đã không thể lèo lái con tàu “mẹ” (SAM) thì liệu phận “con” như CSG sao có thể khác biệt.

Nói như vậy để chứng minh rằng, sự suy yếu của SAM và đặc biệt là CSG là điều có thể thấy trước. Vì vậy, trước khi hoan nghênh quyết định của HĐQT CSG là dũng cảm, dám nhìn thẳng vào sự thật, cũng phải đặt lại câu hỏi: Phải chăng những người đứng đầu đã hành động quá chậm chạp? Nếu cho rằng lãnh đạo CSG đã cố gắng, thì kết quả như đã thấy là công cốc.

Như đã nói ban đầu, những nhận định về ngành cáp đồng gặp khó khăn, thậm chí bế tắc đã xuất hiện từ rất lâu, hà cớ gì lãnh đạo CSG không nhìn thấy được? Và nếu nhìn thấy như vậy, tại sao không dừng ngay mà để đến bây giờ mới thực thi chuyện giải thể, thanh lý tài sản?

Cũng cần phải nói thêm, một công ty làm ăn kém cỏi, về lý mà nói cổ đông lớn, giữ nhiều CP, sẽ bị tổn hại nhiều nhất, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Đóng vai trò là cổ đông lớn, tham gia HĐQT, còn có rất nhiều “đường” để “sống” và phần thiệt thòi có thể dồn cho cổ đông nhỏ.

Báo cáo thường niên của CSG nêu ra 3 cổ đông lớn nhất của CSG nắm giữ hơn 46% cổ phần của công ty. Vậy những nhà đầu tư nhỏ lẻ, nắm giữ số cổ phần còn lại có bao nhiêu người đã “chôn vốn” tại CSG từ năm này qua năm khác, nếu không thua lỗ vì giá CP giảm thì cũng bị mất chi phí cơ hội trong đầu tư.

Những ngày gần đây, CSG có 3 phiên tăng trần, cũng không khó để lý giải vì NĐT mua kỳ vọng vào việc giá trị sổ sách của CP này cao hơn nhiều lần so với thị giá hiện nay, tức mua CP là có lợi. Nhưng để phương án giải thể công ty, thanh lý tài sản chính thức được thực thi cần phải được ĐHCĐ thông qua, mà khi thông qua cần phải có thêm thời gian.

NĐT cá nhân liệu có đủ sức để chờ đợi hay không? Liệu ban lãnh đạo CSG (nếu ĐHCĐ thông qua phương án giải thể công ty) có nhanh chóng thực hiện việc thanh lý tài sản để đảm bảo lợi ích cho NĐT hay không? Với một đội ngũ lãnh đạo mà sự trì trệ đã được nhìn thấy thì trả lời các câu hỏi trên đây không dễ chút nào.

Các tin khác