CP khoáng sản, vòng xoáy đầu cơ mới?

Sự trỗi dậy của nhóm cổ phiếu khoáng sản xuất phát từ việc DN làm ăn tốt, hay chỉ từ vòng xoáy đầu cơ mới với bàn tay “đội lái” đạo diễn?

Trong tháng 4, đặc biệt càng về nửa cuối tháng, nhóm cổ phiếu khoáng sản càng trở thành điểm nóng trên cả hai sàn niêm yết khi tăng trần nhiều phiên kèm theo lượng cầu lớn.

Sự trỗi dậy của nhóm cổ phiếu từng có “quá khứ lẫy lừng ”xuất phát từ việc DN làm ăn tốt, lợi nhuận đột biến khiến giá cổ phiếu tăng, hay chỉ xuất phát từ vòng xoáy đầu cơ mới với bàn tay “đội lái” đạo diễn?

STT

Tên Công ty

Mã CK

Sàn

Biến động giá

2 tuần

1 tháng

1

Tập đoàn Khoáng sản Hamico

KSH

HOSE

59,1 %

54,1%

2

CTCP Khoáng sản Bình Định

BMC

HOSE

57,76%

105,7%

3

CTCP Khoáng sản Bình Thuận Hamico

KSA

HOSE

53%

75,6%

4

CTCP Khoáng sản Bắc Cạn

BKC

HNX

51,4%

60,6%

5

Tổng CTCP Khoáng sản Na Rì Hamico

KSS

HOSE

50,5%

41%

6

CTCP Đầu tư khoáng sản Tây Bắc

KTB

HOSE

50%

37,1%

7

CTCP Khai thác và chế biến khoáng sản Bắc Giang

BGM

HNX

29,5%

25,2%

Sự trở lại của cổ phiếu khoáng sản

Với những tay thạo tin, những ngày cuối tháng 4, câu hỏi “nhóm nào đang lái cổ phiếu khoáng sản?” bắt gặp thường trực khi lướt qua các sàn chứng khoán hay những cuộc tụ tập bạn bè thuộc giới đầu tư. Lý do là sau một thời gian im ắng, một loạt cổ phiếu khoáng sản đang “nóng” trở lại, thu hút sự chú ý đặc biệt của nhiều thành viên thị trường.

Về mặt thống kê, số liệu trên cả hai sàn chỉ ra nhiều điểm ấn tượng về nhóm cổ phiếu từng có “quá khứ lẫy lừng” này: trong hai tuần gần đây, 4/5 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất tại HOSE thuộc về các cổ phiếu gắn mác “khoáng sản”.

Nếu xét trong cả tháng 4, cổ phiếu BMC của CTCP Khoáng sản Bình Định và KSA của CTCP Khoáng sản Bình Thuận Hamico thuộc Top 3 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất tại HOSE.

Tương tự, tại HNX, cổ phiếu BKC của CTCP Khoáng sản Bắc Kạn có mặt trong tốp những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong vòng 2 - 4 tuần qua. Thậm chí, trong vòng 3 tháng gần đây, cổ phiếu KSA và BMC còn dẫn đầu toàn thị trường với mức tăng giá lần lượt 340% và 240%, tạo ra khoản lợi nhuận đáng mơ ước với mọi NĐT.

Như thường lệ, những cổ phiếu tăng giá mạnh là các cổ phiếu ồn ào nhất. Trên các diễn đàn dành cho giới đầu tư chứng khoán, số lượng chuyên mục lăng xê cổ phiếu khoáng sản mọc như nấm sau mưa. Muôn hình vạn trạng lăng xê, từ kiểu hô hào, nặng về thổi giá như: “KSA - hành trình chinh phục 8x”, “KSS - siêu cổ phiếu ngành khoáng sản”, “BMC - siêu tên lửa trở lại”, tới những topic kêu gọi sự chú ý tò mò: “BKC với mỏ vàng 2,5 tấn”, “KTB lãi ròng ngày 1 tỷ đồng”…

Lướt qua các ý kiến, đa phần thấy các thành viên kêu gọi nhau gấp rút lên tàu (mua vào), nếu đã có hàng thì yên vị khi tàu rung lắc (không bán ra nếu cổ phiếu điều chỉnh) và chờ tới ga nào đó (mức giá kỳ vọng). Đây đó cũng gặp các ý kiến ngược chiều mang tính phản biện, nhưng sau đó thường bị “ném đá” tơi bời.

Không khí rôm rả từ các diễn đàn lan sang CTCK, khiến bộ phận môi giới không thể thờ ơ. Trong một bản tin dành riêng cho các khách hàng VIP, một CTCK hạng trung đã liệt kê 4 mã cổ phiếu khoáng sản đang được đầu cơ mạnh, có tin hỗ trợ và khuyến nghị khách hàng không nên bỏ lỡ!

Theo chân cổ phiếu “nóng”

Các cổ phiếu khoáng sản trong quá khứ đã từng tăng rất “nóng” với bóng dáng của “đội lái” phía sau. Chẳng hạn, giai đoạn năm 2006 - 2007, BMC là một siêu cổ phiếu, khi thị giá đã có lúc được đẩy lên tới 6 con số.

Giai đoạn 2009 - 2010, cổ phiếu KSH theo gót và cũng ấn tượng không kém qua việc tăng giá phi mã từ 2 chấm lên 9 chấm với 35 phiên tăng trần liên tiếp. Lý do duy nhất thuyết phục giới đầu tư “truy lùng” các cổ phiếu này khi đó là những tin tức nửa kín, nửa hở về các khoản lợi nhuận đột biến. Vậy cơn say mới với cổ phiếu khoáng sản hiện nay xuất phát từ lý do nào?

Hiện tại, một số cổ phiếu “nóng” đã công bố kết quả kinh doanh quý I. Theo đó, BKC lỗ 3,7 tỷ đồng trong quý I, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 4 tỷ đồng; KSH lỗ hơn 400 triệu đồng, trong khi quý I/2011 lãi 5,7 tỷ đồng; KTB lợi nhuận chỉ đạt vỏn vẹn 166 triệu đồng, giảm rất mạnh so với con số 5,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Thậm chí, CTCP Khai thác và chế biến Khoáng sản Bắc Giang (BGM) không ghi nhận bất cứ một khoản doanh thu nào trong cả quý I/2012, chấp nhận lỗ 462 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi tới 17,5 tỷ đồng. Duy nhất BMC gây ấn tượng mạnh với lợi nhuận quý I vừa qua tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ, lý do khả dĩ có thể giải thích việc cổ phiếu tăng giá.

Về tổng thể, xét trên các yếu tố cơ bản, rất khó thuyết phục rằng, nhóm cổ phiếu khoáng sản được “nâng chấm” vừa qua dựa trên kết quả kinh doanh.

Sự biến động giá cổ phiếu về dài hạn dựa trên lợi nhuận của DN, nhưng trong ngắn hạn phụ thuộc vào dòng tiền. Vòng xoáy đầu cơ của cổ phiếu nóng thu hút NĐT tham gia thường được dựa trên các câu chuyện hấp dẫn về triển vọng lợi nhuận của DN.

Phần lớn NĐT nhỏ hiện nay là ngắn hạn và không có nguồn tin đáng tin cậy từ nội bộ công ty, nên việc chạy theo cổ phiếu “nóng” thường dựa vào các tin tức lan truyền trên thị trường.

Theo ghi nhận của ĐTCK, sự tăng giá của cổ phiếu khoáng sản hiện nay không có nhiều thông tin hỗ trợ dạng này, ngoại trừ cổ phiếu BKC. Công ty đang hoàn thiện các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án khai thác vàng và các khoáng sản đi kèm mỏ vàng Pác Lạng.

Theo ước tính, tổng tài nguyên vàng tại mỏ này là 2.550,54 kg. Bên cạnh đó, trung tuần tháng 4, BKC cũng được cấp phép thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác quặng chì - kẽm tại mỏ Nà Bốp - Pù Sáp. Tổng diện tích khai thác là 130 héc-ta; công suất 30.000 tấn quặng nguyên khai/năm, dự kiến tiến hành ngay trong năm 2012.

Yếu tố hỗ trợ quá trình tăng giá cho cổ phiếu BKC lộ diện, nhưng điều đáng nói thêm là, thông tin giao việc quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản mỏ vàng Pác Lạng cho BKC từ ngày 20-2, nhưng tới ngày 24-4 vừa qua mới công bố.

Trong khoảng thời gian này, khi giá cổ phiếu BKC còn loanh quanh dưới mệnh giá, người thân của Chủ tịch HĐQT, Kế toán trưởng Công ty đã mua vào hàng trăm ngàn cổ phiếu. Sự thiếu minh bạch này càng khiến NĐT tin vào kịch bản cổ phiếu BKC được đánh lên, nên càng săn đón nhiệt tình.

Cần phải nhắc lại rằng, sau khi được “bơm căng” bằng thông tin lợi nhuận từ mỏ vàng trước đó, cổ phiếu KSH đã nhanh chóng xì hơi, rớt giá một mạch 60%, sau đó giảm dần và thậm chí đầu năm nay còn chạm đáy ở mức chỉ bằng nửa mệnh giá trước khi tăng giá trở lại.

Liên quan đến câu chuyện nóng lên của cổ phiếu khoáng sản, thiết tưởng cũng nên nhắc lại câu chuyện thời kỳ sốt vàng trước đây. Trong giai đoạn đó, những người khai thác trực tiếp chỉ nhận được kết quả khiêm tốn, có người khánh kiệt gia sản, nhưng những tay bán cuốc xẻng và lều trại lại thu lợi lớn.

Điều này đã đúng với sự “nóng” lên của nhóm cổ phiếu khoáng sản giai đoạn trước và có thể cả hiện nay: các tay chủ trò mới là người thu lợi lớn nhất, còn phần lớn giới đầu tư ăn theo thì kỳ vọng sụp đổ và biến thành ảo vọng.

Các tin khác