Cổ phiếu thép đối mặt khó khăn

Tác động của thị trường bất động sản “đóng băng” và chính sách cắt giảm đầu tư công khiến nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng tiếp tục èo uột trong năm 2012. Dự báo doanh nghiệp thép sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay.

Tác động của thị trường bất động sản “đóng băng” và chính sách cắt giảm đầu tư công khiến nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng tiếp tục èo uột trong năm 2012. Dự báo doanh nghiệp thép sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay.

Giảm kế hoạch

Theo thống kê, sản lượng thép tiêu thụ trong tháng 10-2011 ở mức 326.000 tấn (giảm 29%), tháng 11 ở mức 330.000 tấn (giảm 37%) và tháng 12 dự báo tương đương tháng 11 (giảm 25%).

Như vậy, sản lượng thép xây dựng tiêu thụ trong 6 tháng cuối năm 2011 chỉ ở mức 2,2 triệu tấn (giảm 13%) và sản lượng thép xây dựng tiêu thụ cả năm 2011 là 4,6 triệu tấn (giảm 5,5%). Sức tiêu thụ thép xây dựng liên tiếp giảm mạnh khiến lượng tồn kho của các doanh nghiệp lên tới con số kỷ lục hơn 800.000 tấn, lớn nhất từ trước đến nay.

Một trong những nguyên nhân là lạm phát trong nước tăng cao, Chính phủ phải áp dụng nhiều biện pháp kiềm chế, trong đó có việc thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công, thắt chặt tín dụng đối với các dự án bất động sản. Ngoài ra, tiêu thụ thép giảm mạnh một phần do mùa mưa bão trong quý III.

Theo tính toán, với mức lãi suất khá cao như hiện nay, khi không tiêu thụ được hàng các doanh nghiệp phải trả lãi vay ngân hàng 200.000-300.000 đồng/tấn thép thành phẩm tồn kho. Với mức tồn kho lớn như hiện nay, tổng tiền lãi vay các doanh nghiệp thép phải trả hàng tháng ước 160-240 tỷ đồng.

Do vậy, để có khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2011, một số doanh nghiệp thép đã điều chỉnh giảm chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, NKG điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận từ 150 tỷ đồng xuống còn 54 tỷ đồng; DTL điều chỉnh giảm chỉ tiêu doanh thu từ 2.368 tỷ đồng xuống còn 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận từ 238 tỷ đồng xuống còn 200 tỷ đồng.

Hiện tại, mức độ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của các doanh nghiệp tương đối khả quan hơn so với trước khi điều chỉnh. Hầu hết doanh nghiệp thép có tên tuổi trên sàn chứng khoán như DTL, HPG, HSG, NKG, POM, VIS, SMC đều đã hoàn thành trên 60% kế hoạch lợi nhuận năm.

Sức ép cung vượt cầu

Theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước hiện có 65 dự án thép công suất thiết kế từ 100.000 tấn/năm trở lên, trong đó có 58 dự án trong nước và 7 dự án FDI. Điều đáng nói, trong số các dự án kể trên có tới 32 dự án không thuộc danh mục quy hoạch đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tập trung ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương...

Trong số này có hơn 20 dự án địa phương cấp sai thẩm quyền. Tổng công suất thiết kế của 65 dự án trên vào khoảng 26 triệu tấn/năm, chưa kể 2 dự án lớn của Tập đoàn Tata (Ấn Độ) liên doanh với Tổng công ty Thép Việt Nam tại Khu công nghiệp Vũng Áng có công suất 5 triệu tấn/năm; dự án thép tấm cán nóng tại Bà Rịa - Vũng Tàu do Tổng công ty Thép Việt Nam mua lại của Tập đoàn Essar có công suất 2 triệu tấn/năm.

Trong khi đó, với quy hoạch trong điều kiện kinh tế tăng trưởng tốt, ước tính cả nước chỉ tiêu thụ khoảng 20 triệu tấn/năm đến năm 2020. Hiện gần 30% doanh nghiệp ngành thép đang sử dụng công nghệ lạc hậu, khoảng 50% doanh nghiệp sử dụng công nghệ ở mức trung bình, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến.

Khó khăn lớn hiện nay thuộc về những doanh nghiệp địa phương có công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu, hao tốn năng lượng, sản phẩm chất lượng kém.

Một lo ngại khác, 2 thị trường nhập khẩu thép chính của Việt Nam gồm Nhật Bản và Trung Quốc đều giảm giá thép xây dựng, khiến trong nước xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh như bán phá giá để đẩy mạnh lượng hàng tiêu thụ và giảm tồn kho, càng làm doanh nghiệp thép rơi vào cảnh khó khăn. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp chào giá thấp hơn thị trường 200.000-300.000 đồng/tấn.

Cạnh tranh gay gắt

Trong năm 2012, tăng trưởng ngành thép dự báo ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Với tổng nguồn cung thép xây dựng ước đạt 6,8-6,9 triệu tấn, trong đó sản xuất trong nước đạt khoảng 6,2-6,3 triệu tấn. Trong khi đó, các doanh nghiệp thép sẽ đối diện với nhiều thách thức lớn.

Cụ thể, lãi suất cho vay vẫn chưa có dấu hiệu hạ, trong khi đặc thù kinh doanh của ngành thép phải sử dụng vốn vay lớn, nên chi phí lãi vay sẽ còn là gánh nặng cho các doanh nghiệp thép.

Ngoài ra, chống lạm phát vẫn là trọng tâm trong việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong năm 2012, tức tín dụng cho lĩnh vực bất động sản tiếp tục bị thắt chặt, đồng nghĩa với thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng trong năm 2012; đầu tư công tiếp tục được duy trì ở mức thấp, nên nhu cầu tiêu thụ thép sẽ giảm.

Khó khăn khách quan này đẩy các doanh nghiệp thép vào tình thế cạnh tranh gay gắt hơn. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp nào có công nghệ tiên tiến, chủ động được nguồn nguyên liệu, quản trị tốt, thị phần lớn và hệ thống phân phối mạnh sẽ tồn tại.

Nói cách khác, 2012 là năm doanh nghiệp thép phải đối mặt nguy cơ đào thải. Tóm lại, bức tranh chung của ngành thép năm 2012 kém sáng sủa khi lượng thép tồn kho lớn và lãi suất cho vay cao trong tình hình nhu cầu tiêu thụ thấp.

Do đó, khó có khả năng có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp thép trong năm 2012.

Các tin khác