Cơ hội nào cho blue-chip?

Nhiều cổ phiếu blue-chip hiện được đánh giá là đã khá rẻ. Nhận định này có đúng? Và liệu rẻ có đồng nghĩa với việc nên mua vào?

Nhiều cổ phiếu blue-chip hiện được đánh giá là đã khá rẻ. Nhận định này có đúng? Và liệu rẻ có đồng nghĩa với việc nên mua vào?

Trong 8 tháng năm 2011, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3.534 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Những mã được mua nhiều nhất là FPT (Tập đoàn FPT), STB (Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín) và SSI (Chứng khoán Sài Gòn). Đồng thời họ cũng bán mạnh những mã như DPM (Đạm Phú Mỹ) và CII (Công ty Đầu tư và Phát triển Hạ tầng TP.HCM).

Nếu theo cách gọi của đa phần nhà đầu tư và công ty chứng khoán thì tất cả những mã kể trên đều là cổ phiếu blue-chip. Nhưng tại sao các nhà đầu tư nước ngoài lại có sự phân hóa “bên trọng bên khinh” với nhóm cổ phiếu cùng là blue-chip? Trong số gần 700 mã niêm yết, thật sự có bao nhiêu cổ phiếu blue-chip đúng nghĩa?

Có bao nhiêu cổ phiếu blue-chip?

Theo Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS), dẫn nguồn từ từ điển tài chính Investopedia, khái niệm cổ phiếu blue-chip dùng để chỉ các doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh và tài chính vững mạnh, được nhiều người biết đến. Các doanh nghiệp blue-chip có vốn hóa lớn, có khả năng hoạt động hiệu quả và duy trì mức tăng trưởng ổn định ngay cả trong thời kỳ kinh tế khó khăn.

Do đó, cổ phiếu blue-chip luôn được các nhà đầu tư chuyên nghiệp ưa chuộng, khối lượng khớp lệnh mỗi phiên ở mức cao. Thuật ngữ “blue-chip” có nguồn gốc từ trò chơi bài Poker, thường sử dụng các chip màu xanh tượng trưng cho giá trị cao nhất khi đặt cược.

Ở Việt Nam, cổ phiếu blue-chip được phần lớn các nhà đầu tư hiểu trên 3 yếu tố. Thứ nhất là có vốn hóa lớn mà các đại diện là Công ty Vincom (VIC), Tập đoàn Masan (MSN), Bảo hiểm Bảo Việt (BVH)… Thứ hai là các doanh nghiệp đã có thương hiệu mạnh như Cơ điện lạnh REE (REE), Công ty Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM), Đạm Phú Mỹ (DPM), Tập đoàn FPT (FPT)... Cuối cùng là những cổ phiếu có khả năng tăng giá mạnh khi thị trường tăng điểm như Chứng khoán VNDirect (VND), Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (SHN)…

Dù vậy, nếu xét theo các tiêu chí thế giới thì cổ phiếu blue-chip đúng nghĩa tại Việt Nam không nhiều. Theo ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), nếu xét theo các tiêu chí khắt khe của thế giới, blue-chip trên 2 sàn hiện giờ chỉ đếm được khoảng 15 mã. Chẳng hạn như Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Eximbank (EIB), Ngân hàng Á châu (ACB), Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII), Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Khoan và Dịch vụ Dầu khí (PVD), Công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà (SJS), Công ty Sữa Việt Nam (VNM), Tập đoàn FPT (FPT), Đạm Phú Mỹ (DPM)…

Trong khi đó, những mã cổ phiếu mà nhà đầu tư quen gọi là blue-chip phần lớn chưa đáp ứng các tiêu chuẩn của một blue-chip thật sự. Chẳng hạn, theo dẫn chứng của ông Giang, Công ty HSC, thì trong khi cổ phiếu MSN chưa có nhiều tính đại chúng, thông tin thị trường còn hạn chế (Công ty Cổ phần Masan và 7 cổ đông lớn nắm hơn 88% vốn) thì BVH lại lỗ nặng 4 quý liên tiếp từ hoạt động kinh doanh chính là bảo hiểm. Riêng SAM đã có 3 quý liên tiếp lỗ nặng (tính đến quý II/2011).

Tuy nhiên, cổ phiếu ở thị trường Việt Nam nên xét theo kiểu “blue-chip Việt Nam”, bởi nếu đem đối chiếu với thị trường Hoa Kỳ lại hóa ra lại là sự so sánh khập khiễng. Vì thế, nhìn nhận ra sao về cổ phiếu blue-chip còn tùy thuộc vào quan điểm đầu tư của người cầm tiền.

Trong phạm vi bài viết này, các cổ phiếu blue-chip được xem xét dựa trên các tiêu chí đánh giá của TVS. Cụ thể, việc đánh giá cổ phiếu blue-chip sẽ dựa trên các chỉ tiêu như: tỉ lệ lợi nhuận biên năm 2010, doanh thu trung bình và lợi nhuận sau thuế trung bình trong 3 năm gần nhất sau khi đã sắp xếp theo giá trị vốn hóa. Cổ phiếu đứng đầu mỗi tiêu chí sẽ được 1 điểm, đứng cuối được 5 điểm. Cổ phiếu có ít điểm nhất sẽ đứng đầu bảng sắp xếp (xem Bảng sắp xếp cổ phiếu blue-chip theo ngành).

Blue-chip đang rẻ?

Trong quý II/2011, nhà đầu tư nước ngoài đã gom vào nhiều mã blue-chip. Trong đó, đáng chú ý là 3 mã FPT, SSI, VNM. Chẳng hạn, ngày 26.6, khi VNM vừa hở room (khối lượng giới hạn) 3% thì khối ngoại đã mua ròng hơn 740 tỉ đồng để lấp đầy 49% room dành cho họ. Động thái này cũng thể hiện rõ ở SSI khi đầu tháng 8, room cho khối ngoại là hơn 11 triệu cổ phiếu, nhưng tính đến ngày 22.9 con số này chỉ còn gần 600.000 đơn vị. Chưa đầy 2 tháng, khối ngoại đã mua ròng hơn 10,5 triệu cổ phiếu SSI. Hành động mua gom này phải chăng lý giải cho việc giá nhiều cổ phiếu blue-chip đã rẻ?

Vậy, làm thế nào để xác định một cổ phiếu blue-chip đã rẻ?

Thông thường, cổ phiếu được cho là rẻ khi có thị giá thấp hơn mức định giá mà nhà đầu tư xác định cho cổ phiếu đó. Vì vậy, việc xác định cổ phiếu đã rẻ hay chưa cũng mang tính định tính, phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm cá nhân, chiến lược đầu tư của nhà đầu tư cũng như loại hình doanh nghiệp.

Xét về tính định lượng, những cách định giá thường được sử dụng là xác định các chỉ số như P/E (giá/lợi nhuận), P/B (giá/giá trị sổ sách) hay PEG của một cổ phiếu. Chỉ số PEG giúp so sánh mức P/E trong tương quan với tốc độ tăng trưởng, được tính bằng cách lấy P/E chia cho tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dự kiến hàng năm. Giá cổ phiếu được coi là rẻ khi PEG <=1.

Dựa theo các giả thiết này, có thể thấy khá nhiều cổ phiếu blue-chip đang rẻ.

Trước hết, nhìn chung toàn thị trường, có thể thấy giá cổ phiếu tại Việt Nam hiện tại cũng đã khá thấp. Theo TVS, P/E ngày 6.9.2011 của toàn thị trường là 9.5 lần, thấp hơn mức 12.2 lần của năm 2009, thời kỳ đen tối của thị trường chứng khoán Việt Nam. Mức P/E này cũng thấp hơn hầu hết các nước châu Á như Malaysia (15.5), Philippines (15.1), Thái Lan (12.8). Ngay cả chỉ số P/B cũng rất thấp. P/B ngày 6.9.2011 của toàn thị trường là 1.6, (năm 2009 là 2.2), thấp hơn mức 2.2 của Malaysia và 2.3 của Philippines.

Nếu xét chỉ số PEG, một số mã blue-chip hiện có hệ số PEG < 1 như VNM (0.6), DPM (0.1), VHC (0.1), HAG (0.2). Các mã như VCB (-0.5), SJS (-0.1), CII (-0.1)… lại không được xem là rẻ. Vì PEG <0, theo TVS, hoàn toàn không có ý nghĩa (xem bảng So sánh chỉ số PEG một số cổ phiếu blue-chip).

Bên cạnh các chỉ số nói trên, cũng cần xem xét thêm một số tiêu chí khác như P/E doanh nghiệp thấp hơn P/E của ngành, tiềm năng tăng trưởng ngành cao, lợi nhuận và cổ tức ổn định ở mức tốt. Bởi lẽ, thị giá cổ phiếu thường không tương xứng với giá trị doanh nghiệp. Chẳng hạn mã VNM mặc dù thị giá luôn cao hơn mức 100.000 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh.

Bởi theo ông Giang, Công ty HSC, với mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình 6-8%/năm, tỉ lệ tăng dân số hàng năm 1,2%, cộng với thu nhập bình quân đầu người đang gia tăng là những yếu tố cho thấy ngành sữa có tiềm năng tăng trưởng cao. Trong khi đó, VNM hiện chiếm đến 60% thị phần sữa nước và 80% sữa chua trong nước. Vì thế, ông Giang cho rằng dù thị giá có cao thì VNM vẫn là cổ phiếu blue-chip rẻ.

Xét trên yếu tố ngành nghề, theo nhận định của TVS, dựa trên mô hình phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam thì các ngành tài chính, công nghiệp và hàng tiêu dùng vẫn là các ngành có nhiều lợi thế và tiềm năng hơn cả. Nhiều mã blue-chip những ngành này lại có P/E thấp hơn mức chung của ngành. Điển hình như ACB của Ngân hàng Á Châu có P/E 7.4, EIB của Eximbank là 7.7, so với P/E trung bình của ngành tài chính là 12.7; SBT của Công ty Cổ phần Bourbon Tây Ninh có P/E là 2.6, MPC của Thủy sản Minh Phú là 5.9, VHC của Thủy sản Vĩnh Hoàn là 5.0 so với toàn ngành thực phẩm - tiêu dùng là 7.7.

Cơ hội nào cho blue-chip giá rẻ?

Ông Nguyễn Hoàng Phương, Chuyên viên Phân tích Cao cấp của HSC, cho rằng, giờ là lúc nên xem xét đầu tư vào nhóm cổ phiếu blue-chip giá tốt, nhất là các doanh nghiệp đầu ngành. Theo ông, lạm phát đã rời khỏi mức đỉnh từ cuối tháng 9, lãi suất đang giảm dần về mức đáy của năm 2010 là 12-14%/năm. Trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ được tiếp cận vốn đầu tư với chi phí thấp hơn, giúp kích thích tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ đà phục hồi của thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, ông Phương cũng cho rằng, đầu tư vào cổ phiếu blue-chip để nắm giữ dài hạn chưa hẳn sẽ đạt lợi nhuận tốt.

Theo quan niệm của đa số nhà đầu tư, cổ phiếu blue-chip trong xu hướng dài hạn là tăng giá. Tuy nhiên, trong vài năm qua, quan niệm này chỉ đúng với một số ít cổ phiếu blue-chip và với một số ít nhà đầu tư. Giá cổ phiếu chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau.

Bên cạnh những yếu tố nội tại của doanh nghiệp như ngành nghề, năng lực điều hành của ban quản trị doanh nghiệp, yếu tố then chốt nằm ở chỗ Việt Nam là thị trường mới nổi, biến động kinh tế liên tục, sự chênh lệch về giá vì thế cũng khá lớn. Đơn cử như trường hợp của VNM. Công ty này có khả năng chi phối được giá bán do chiếm thị phần cao, các biến động về chi phí đầu vào được cộng vào giá bán cho người tiêu dùng nên lợi nhuận của họ luôn tăng trưởng cao và lợi nhuận của nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này cũng giữ được sự ổn định.

Ngược lại, một số ngành có độ nhạy cảm cao với sự biến động kinh tế như tài chính, vật liệu cơ bản... thì khoản lợi nhuận tính theo dài hạn có thể âm. Chẳng hạn, theo HSC, nếu nắm giữ từ 2009 đến nay, mức lợi nhuận của cổ phiếu ACB là -14%, DPM là -4%, PVI là -21%. Lợi nhuận được tính bằng cách lấy thị giá hiện tại trừ đi giá đầu năm 2009 (xem bảng So sánh tỉ suất lợi nhuận đầu tư vào một số blue-chip).

Nếu vậy, blue-chip có là “món ăn ưa thích” của các quỹ đầu tư nước ngoài, vốn có quan điểm đầu tư dài hạn?

“Thông thường, họ mua cổ phiếu blue-chip khi các doanh nghiệp này chưa niêm yết nên được giá rẻ, lại chưa bị pha loãng do phát hành thêm và nắm giữ cho đến ngày lên sàn”, ông Phương, Công ty Chứng khoán HSC, nhận định. Ngoài ra, ở một số doanh nghiệp mà họ là cổ đông lớn, họ có lợi thế nắm được thông tin về hoạt động kinh doanh và chiến lược trước các nhà đầu tư khác.

Quan điểm đầu tư của khối ngoại đối với blue-chip cũng khá thú vị khi ông Dominic Scriven, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Dragon Capital tiết lộ rằng, đầu tư vào cổ phiếu blue-chip là một chiến lược tốt, “nhưng không hẳn là chiến lược ưu tiên thứ nhất của chúng tôi”. Và ông cho biết, trong danh mục cổ phiếu của Dragon Capital, ông quan tâm đến yếu tố ngành nghề nhiều hơn và đầu tư vào những ngành kinh tế mũi nhọn như năng lượng, công nghệ, tài chính được ông quan tâm hơn là blue-chip.

Tuy nhiên, ông Dominic cũng phải thừa nhận rằng, riêng năm 2011 lại là một ngoại lệ. Từ đầu năm đến nay, blue-chip là nhóm tăng giá nhiều nhất, số giảm giá cũng ít nhất trên thị trường

Các tin khác