Cổ đông đau đầu với LAF

LAF (CTCP Chế biến Hàng xuất khẩu Long An-LAFOCO) là một trong những CP niêm yết sớm nhất trên TTCK Việt Nam vào năm 2000. Thức thời là vậy, nhưng LAF lại chưa tận dụng cơ hội và cho đến giờ này vẫn chỉ là một doanh nghiệp thường thường bậc trung. Lâu lâu CP này lại làm cho NĐT “nhớ” đến mình bởi những “chiêu độc”.

LAF (CTCP Chế biến Hàng xuất khẩu Long An-LAFOCO) là một trong những CP niêm yết sớm nhất trên TTCK Việt Nam vào năm 2000. Thức thời là vậy, nhưng LAF lại chưa tận dụng cơ hội và cho đến giờ này vẫn chỉ là một doanh nghiệp thường thường bậc trung. Lâu lâu CP này lại làm cho NĐT “nhớ” đến mình bởi những “chiêu độc”.

Hoạt động chính của LAF là sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ hạt điều. Có thể xếp LAF vào nhóm thực phẩm và CP nhóm này thường có tính chất phòng thủ, không có nhiều biến động. Tuy nhiên, diễn biến của CP này lại khiến NĐT cảm giác đây là một CP có tính chất đầu cơ nhưng nửa vời.

Những NĐT trong lúc trà dư tửu hậu vẫn kể câu chuyện về LAF cách đây khoảng 8 năm, ngày hôm trước công bố tin tốt nhưng vài ngày sau lại “bung” tin xấu khiến CP rơi cắm đầu. Sự “nửa vời” của LAF nằm ở chỗ CP này thường không có sóng đều đặn (cả sóng lên lẫn sóng xuống), chỉ lâu lâu mới tăng mạnh rồi lại… nghỉ.

Còn nếu mua LAF để đầu tư dài hạn e cũng không thật sự hợp lý khi công ty chưa bao giờ được xếp vào nhóm doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất hoặc trả cổ tức đều đặn. Ai mua nắm giữ lâu dài để chờ giá tăng và chốt lời lại càng khó vì diễn biến CP quá thất thường và không có cơ sở.

Ảnh minh họa: LÃ ANH

Ảnh minh họa: LÃ ANH

Từ năm 2010 đến nay, trong mỗi giai đoạn LAF có sóng lại xuất hiện những tin đồn kèm theo kiểu như có đội lái này nhảy vào, CTCK kia tham gia…

Còn nhớ năm 2010, LAF có một đợt sóng vào nửa đầu năm và có những tin đồn liên quan đến giá trị bất động sản mà công ty sở hữu chứ không bắt nguồn từ hoạt động kinh doanh. Nhưng nhìn chung là rất khó “xơi”, bởi LAF vốn dĩ không thu hút nhiều NĐT, đến khi được chú ý nhiều thì lại tăng quá mạnh, mua vào rất dễ lãnh “củ xả”.

Năm 2011, diễn biến của LAF còn “độc” hơn nữa. Sở hữu lợi thế nằm trong ngành thực phẩm (một trong những ngành “hot” năm qua), có KQKD rất khả quan trong 3 quý đầu năm nhưng rốt cuộc CP này lại giảm hơn 30%. Điều này khiến nhiều người quan tâm đến LAF không khỏi ngạc nhiên và có người còn gay gắt hơn nữa khi cho rằng LAF đã “thuốc” cổ đông cũng như thị trường bằng những đòn quá hiểm.

Nguyên nhân vì đâu? Năm 2010, LAF đạt gần 84 tỷ đồng lợi nhuận (LN) sau thuế, sang đến năm 2011, công ty lại đề ra kế hoạch LN sau thuế chỉ gần 40 tỷ đồng, tức là chưa bằng phân nửa so với năm trước, điều hết sức phi lý. 3 quý đầu năm 2011, LAF công bố đạt gần 52 tỷ đồng LN sau thuế, tức là đã vượt kế hoạch đến 30%.

Nhưng “độc” hơn nữa là đến quý IV-2011, LAF công bố LN sau thuế bị âm đến 41 tỷ đồng và cuối cùng con số LN sau thuế cả năm chỉ còn xấp xỉ 11 tỷ đồng, khiến không ít NĐT thật sự choáng váng. Theo giải trình của LAF, trong năm 2011 công ty đã gia tăng vay ngắn hạn để thu mua tồn trữ hạt điều thô và dự định sẽ bán ra trong quý IV-2011 khiến cho khoản mục “vay và nợ ngắn hạn” tăng từ gần 7 tỷ đồng hồi đầu năm lên đến hơn 450 tỷ đồng vào cuối năm 2011, tức là tăng gần 65 lần.

Tương ứng như vậy, giá trị hàng tồn kho của LAF tăng từ 110 tỷ đồng lên gần 580 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 9, giá điều xuất khẩu liên tục giảm, áp lực trả nợ ngân hàng, chi phí sản xuất tăng và đây chính là nguyên nhân gây thua lỗ cho LAF.

LAF cũng đề ra một số giải pháp khắc phục như tập trung tìm đầu ra, phát triển kinh doanh nội địa, giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm… nhưng có lẽ đã quá muộn. Điểm cần lưu ý là hàng trăm tỷ đồng hàng tồn kho của LAF ngoài việc phải chịu giảm giá theo thị trường, cũng còn có thể giảm giá về mặt chất lượng, bởi lẽ đây là hàng thực phẩm không như sắt thép mà có thể “ngâm” được lâu.

Theo giải trình của LAF công ty dự định bán ra vào quý IV, nhưng “dồn cục” trong một thời điểm là cực kỳ mạo hiểm. “Đỉnh điểm” có thể kể ra là khi kết thúc quý III-2011, giá trị hàng tồn kho của LAF đạt gần 770 tỷ đồng, tăng hơn 7,5 lần so với đầu năm.

Ngoài ra, áp lực trả nợ ngân hàng thực tế cũng không chỉ diễn ra vào thời điểm cuối năm. Vay một khoản tiền lớn gấp 3 lần vốn điều lệ, sau đó mua hàng hóa chỉ để “canh me” chốt lời vào một quý, không cần quá am hiểu về kinh doanh cũng nhận ra được sự liều lĩnh của LAF.

Như vậy, từ chỗ sản xuất kinh doanh, LAF đã biến mình thành đầu cơ. Ngoài ra, cũng không thể không nhắc đến yếu tố trách nhiệm của ban lãnh đạo công ty khi những hành động mạo hiểm, tắc trách như vậy đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các cổ đông. Trong cơ cấu cổ đông của LAF hiện nay còn có cả SCIC với tỷ lệ sở hữu hơn 23%.

Các tin khác