CII & những dấu chấm lửng

Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2010 của CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) vừa diễn ra trong không khí tương đối trầm lặng, không có những tranh luận gay gắt hay những câu hỏi hóc búa. Nhưng đằng sau kế hoạch được ban lãnh đạo đưa ra vẫn tồn tại ít nhiều băn khoăn cho NĐT.

Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2010 của CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) vừa diễn ra trong không khí tương đối trầm lặng, không có những tranh luận gay gắt hay những câu hỏi hóc búa. Nhưng đằng sau kế hoạch được ban lãnh đạo đưa ra vẫn tồn tại ít nhiều băn khoăn cho NĐT.

Trái phiếu chuyển đổi: “ngọt” hay “đắng”?

CII thông báo rộng rãi việc phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) cho Goldman Sachs, với tổng giá trị 40 triệu USD, thời hạn 5 năm với mức lãi suất 4%/năm và mức giá chuyển đổi là 43.500 đồng/CP. Tuy thời hạn của TPCĐ 5 năm, nhưng sau 2 năm Goldman Sachs có quyền chuyển đổi thành CP và sau 3 năm được quyền yêu cầu CII mua lại trái phiếu. Theo hợp đồng CII chỉ có thể trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với mức tối đa 18% trên vốn điều lệ. Như vậy giả sử CII đạt được mức EPS thật ấn tượng, nhưng cổ tức cũng chỉ tối đa 1.800 đồng/CP. Vấn đề đặt ra là thỏa thuận này được thống nhất bởi ban quản trị và Goldman Sachs, hoàn toàn không được đưa ra tại ĐHCĐ và cổ đông cũng không có quyền biểu quyết vấn đề này.

Vẫn biết CII đang đầu tư nhiều công trình lớn và rất cần vốn, nhưng thiết nghĩ vấn đề cổ tức phải được cổ đông thông qua. Ngoài ra, mức giá chuyển đổi thoạt nhìn có vẻ có lợi cho cổ đông hiện hữu, tuy nhiên mức giá này không sát với giá thị trường hiện tại (xấp xỉ 36.000-37.000 đồng/CP). Sau 3 năm, giả sử giá CP không có sự khởi sắc, rủi ro Goldman Sachs sẽ “chán” và thu hồi lại tiền mặt. Nếu tỷ giá không biến động CII vẫn phải bỏ ra hơn 800 tỷ đồng để trả lại cho Goldman Sachs, khi đó dòng tiền của CII sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Doanh thu tài chính - đâu là lợi nhuận thực?

Theo ban quản trị doanh thu hoạt động tài chính của CII tăng từ 315 tỷ đồng năm 2009 lên 504 tỷ đồng năm 2010. Đây là doanh thu từ việc bán các dự án đầu tư của CII. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ phần lớn doanh thu này đến từ việc bán dự án cho CTCP Đầu tư hạ tầng bất động sản Sài Gòn (gọi tắt là SII, CII nắm 35% cổ phần). Phần lợi nhuận đột biến này đến trong hoàn cảnh CII đang khát vốn và cần phải thể hiện một triển vọng tốt đẹp để thu hút NĐT.

Tiếc rằng ban quản trị không công bố rõ CII đã bán những dự án nào để ghi nhận lợi nhuận. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính của SII thì CII đã bán một phần quyền thu phí giao thông trạm Kinh Dương Vương và trạm xa lộ Hà Nội (172 tỷ đồng). Đến đây, nghi vấn đặt ra là CII và SII đã cùng nhau tạo lợi nhuận qua lại. CII bán dự án cho SII và ghi nhận lợi nhuận, còn SII ghi nhận thu nhập từ những dự án này.

Nguồn thu chính của CII vẫn là cầu Bình Triệu 2. Ảnh: LÃ ANH

Nguồn thu chính của CII vẫn là cầu Bình Triệu 2. Ảnh: LÃ ANH

Quan sát dòng tiền của CII lẫn SII đều kém, phải nhờ đến nợ vay (CII) hoặc phát hành CP dạng block deal (SII) để tạo nguồn tiền. Suy luận này không phải không có cơ sở khi Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SII là Giám đốc tài chính của CII. Ngoài ra, khi SII chào bán CP cho các quỹ đầu tư cũng phải đưa ra viễn cảnh tốt đẹp để thu hút NĐT. Trong cơ cấu cổ đông của SII có sự hiện diện của 1 quỹ đầu tư khá lớn tại Việt Nam, được thành lập bởi 1 Việt kiều có tên tuổi trong giới tài chính.

Triển vọng trung, dài hạn - chùm nho còn xanh

CII đặt ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế khoảng 397 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 377 tỷ đồng của năm 2010. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng chưa có gì chắc chắn vì công ty cũng từng đặt ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế của năm 2010 là 450 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ đạt được 377 tỷ đồng. Giả sử CII đạt được kế hoạch, EPS khoảng 5.300 đồng/CP, với mức giá dao động trong khoảng 36.000-37.000 đồng/CP thì P/E của CII là 7 lần, không quá hấp dẫn để đầu tư.

Ngoài ra, CII luôn khát vốn cho các dự án nên sẽ liên tục phát hành CP hoặc TPCĐ (vì mức lãi suất thấp hơn trái phiếu thông thường), nên trong tương lai cổ đông hiện hữu luôn đối mặt với rủi ro bị pha loãng. Các dự án chủ đạo của CII vẫn là thu phí xa lộ Hà Nội, cầu Bình Triệu 2 và trạm Kinh Dương Vương. Các dự án khác hiện nay vẫn chưa mang lại nguồn thu nhập ổn định. Còn thu nhập hoạt động tài chính do bán các dự án không dễ để NĐT đánh giá, vì công ty cũng không sẵn lòng công bố thông tin những dự án. Nhưng theo đánh giá những dự án như nhà máy nước hay các dự án bất động sản không thật sự hấp dẫn.

Thí dụ dự án chung cư ở 155 Nguyễn Chí Thanh đã hoàn thành nhưng tiến độ bán rất chậm vì khó khăn chung của ngành bất động sản. Hoặc dự án cao ốc văn phòng tại 152 Điện Biên Phủ. Dự án này sẽ khởi công trong năm 2011 nhưng chưa thể mang lại dòng tiền được ngay. Do đó, có thể nói triển vọng của CII trong năm nay vẫn chưa thật sự nổi bật, vẫn như “chùm nho còn xanh”.

Các tin khác