Chiêu độc bán khống

Dưới áp lực mở rộng thị phần cho công ty cùng lợi nhuận, cá nhân một số nhân viên môi giới đã nghĩ ra những “chiêu độc” để tồn tại. Chiêu thì độc nhưng không ít lần chính các tác giả này đã phải lãnh quả đắng.

Dưới áp lực mở rộng thị phần cho công ty cùng lợi nhuận, cá nhân một số nhân viên môi giới đã nghĩ ra những “chiêu độc” để tồn tại. Chiêu thì độc nhưng không ít lần chính các tác giả này đã phải lãnh quả đắng.

Từ chặn 2 đầu

Ảnh minh họa NĐT trên TTCK. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa NĐT trên TTCK. Nguồn: Internet

Trong giai đoạn nửa đầu tháng 8, khi VN Index giảm về khu vực 380-400 điểm, thanh khoản xuống thấp trầm trọng, đã xuất hiện phương pháp “chặn 2 đầu” như sau: NĐT sẽ mua vào một CP nào đó đầu phiên với giá tham chiếu, đồng thời “mượn” sẵn một lượng CP đó từ nhân viên môi giới hoặc CTCK.

Nếu đến cuối phiên, giá CP vẫn giữ tham chiếu hoặc không biến động gì mạnh, NĐT sẽ án binh bất động. Trường hợp giá CP tăng mạnh 5-7%, ngay lập tức NĐT sẽ sử dụng số CP mượn để bán ra (bán khống).

Trường hợp nhận thấy giá CP có thể giảm sàn, NĐT sẽ dùng số CP mượn để bán ra lập tức nhằm “sửa lỗi” của mình. Số CP mua đầu phiên sẽ được dùng để trả cho CTCK hay nhân viên môi giới vào ngày T+4.

Thoạt nhìn, đây là phương pháp rất “ưu việt” khi CP dù tăng hay giảm, NĐT vẫn từ hòa vốn cho đến có lãi. Nhưng muốn đạt được sự “ưu việt” phải thỏa mãn điều kiện CP phải biến động mạnh trong phiên và phải mượn được CP.

Tại thời điểm phương pháp này ra đời, một trong những CP được áp dụng nhiều nhất là SHN (CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội) vì đây là mục tiêu ưa thích của dân lướt sóng và có khá nhiều nguồn hàng.

Tuy nhiên, khi số lượng người sử dụng tăng lên thì khả năng mua đáy bán đỉnh sẽ khó xảy ra, lúc đó chênh lệch giữa giá mua-bán sẽ thu hẹp và nếu không tính toán cẩn thận NĐT sẽ lỗ bởi phí giao dịch cũng như trả lãi cho việc vay mượn CP.

Nhìn chung phương pháp “chặn 2 đầu” vừa có lợi nhuận hoặc giảm thiệt hại thua lỗ, mặt khác NĐT gia tăng giao dịch cũng giúp cho CTCK thu thêm được một khoản phí nhất định.

Đến ôm 2 mâm

Do các cơ quan quản lý “siết” chặt việc CTCK đứng ra tổ chức bán khống, vì vậy một số CTCK đã giao cho nhân viên nguồn hàng để tự thương lượng với khách hàng hoặc chính các môi giới đứng ra tổ chức bán khống. Và cũng từ đây, hàng loạt “tai ương” đã xảy ra với bên “nhà cái”. 

Giai đoạn cuối tháng 6, rộ lên tin đồn về việc một số môi giới tự do sau khi ký hợp đồng bán khống với NĐT tại một mức giá nhất định, thay vì đem CP của mình đang có bán đối ứng lại quyết định “ôm” hàng.

“Máu” hơn nữa, các nhân viên này quyết định sử dụng đòn bẩy tài chính để mua thêm chính những CP đó. Với cách làm này nếu CP tăng giá, nhóm môi giới nói trên sẽ ăn “2 mâm”, đồng thời CP tăng cũng giúp cho khoản đầu tư có sử dụng đòn bẩy sinh lời đáng kể.

Tuy nhiên, thị trường tiếp tục giảm đã khiến các môi giới vừa phải chung tiền cho NĐT, đồng thời lỗ cho cả khoản đầu tư cá nhân của mình.

Phức tạp hơn cả là trường hợp tại một CTCK cho triển khai nghiệp vụ quyền chọn (option) chui. Thông thường, sau khi ký hợp đồng quyền chọn mua cho NĐT, nhân viên môi giới tại đây mới tiến hành mua vào một lượng CP nhất định để “dằn túi”, phòng trường hợp NĐT yêu cầu CTCK giao hàng.

Nhưng theo tìm hiểu của ĐTTC, vì không muốn để một lượng lớn CP “nằm im” mà không sinh lời, CTCK này lại đem cho các khách hàng mượn để bán khống. Trường hợp sau khi số CP này được bán khống, giá CP lại tăng, bên bán khống thua lỗ.

NĐT mua quyền chọn mua (option) có lãi, vì giá thị trường cao hơn giá mua quyền chọn ban đầu. Ở đây, nhà cái (tức CTCK hoặc môi giới) vẫn có lãi bởi những khoản phí cũng như lãi suất cho vay. Trường hợp này, 2 bên lợi và 1 bên thiệt.

Nhưng trong trường hợp giá CP giảm và giảm mạnh, rủi ro rất lớn cho bên nhà cái sẽ xảy ra. Thông thường, khi ký hợp đồng  option mua, NĐT sẽ “thế chân từ 10-15% cho “nhà cái”, vì vậy khi CP giảm từ 10-15%, NĐT coi như “cháy tài khoản” và phía “nhà cái” sẽ cùng lúc bán ra số CP mình đã mua vào.

Nhưng điều ngặt nghèo ở đây, là do đã “lỡ” cho một nhóm NĐT khác mượn hàng để bán khống và chưa đến lúc phải mua trả lại, nên khi CP giảm hơn 15% sẽ tăng thành 20-25%, nhà cái sẽ phải chịu lỗ thêm 5-10%.

Thông qua những sự việc trên đây, điều cần nói đến không phải là chuyện thắng hay thua giữa nhà cái và khách hàng, quan trọng hơn chính là bán khống đã “bén rễ” trong các chiến thuật, phương pháp đầu tư hiện nay.

Việc hạn chế của các cơ quan quản lý đối với hoạt động bán khống sẽ không đơn giản và thiết nghĩ đã đến lúc phải tính đến phương án triển khai, bởi lẽ đây là nghiệp vụ không thể thiếu tại nhiều TTCK thế giới.

Bản thân các NĐT lẫn các CTCK đã tìm ra được những cách thức để vận dụng cũng như đã phải chịu thua lỗ vì bán khống chứng tỏ rằng họ không quá bỡ ngỡ khi tiếp cận.

Các tin khác