Chạy theo ETF - May nhờ rủi chịu

Mua đúng CP được các quỹ đầu tư theo chỉ số (ETF) mua vào có thể đem lại lợi nhuận “khủng” trong thời gian ngắn cho NĐT. Nhưng trong thực tế để thành công lại không đơn giản.

Mua đúng CP được các quỹ đầu tư theo chỉ số (ETF) mua vào có thể đem lại lợi nhuận “khủng” trong thời gian ngắn cho NĐT. Nhưng trong thực tế để thành công lại không đơn giản.

Liều ăn nhiều

Đầu tháng 8, IJC (CTCP Phát triển hạ tầng kỹ thuật) chỉ có giá hơn 6.000 đồng/CP, nhưng đến giữa tuần qua đã tăng lên hơn 14.000 đồng/CP. Lý do để IJC tăng khá đơn giản: CP này được đưa vào rổ tính chỉ số FTSE Vietnam Index. Một số quỹ ETF thay vì mô phỏng danh mục đầu tư theo VN Index có thể bắt chước FTSE Vietnam Index và IJC sẽ được mua vào.

Ngoài ra, CP được góp mặt trong rổ tính chỉ số mang tầm quốc tế cũng thu hút sự chú ý của các tổ chức. IJC có vốn điều lệ gần 2.742 tỷ đồng, tại mức giá 1.4, như vậy vốn hóa của công ty khoảng 3.840 tỷ đồng, chưa đủ để lọt vào nhóm 20 CP có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường hiện nay.

Lên sàn vào tháng 4 năm ngoái, IJC không để lại ấn tượng nào đáng kể cho NĐT trước lúc có đợt sóng mạnh hồi tháng 9. Ngày 14-9, khi IJC ở mức giá 1.0, thông tin CP này được đưa vào rổ tính chỉ số FTSE Vietnam Index xuất hiện trên một số website, có nghĩa là tin tốt đã “ra”, nhưng CP này vẫn tiếp tục tăng thêm.

Những ai mạnh dạn gom IJC tại mức giá 1.0 vẫn đạt suất sinh lời “khủng” 40%, còn những ai đã mua vào ngay từ mức 6.000-7.000 đồng/CP coi như 1 lời 1. Ngày 29-9, KLGD của IJC hơn 9 triệu CP, nhưng trong đó NĐTNN chỉ mua vào gần 3,4 triệu CP và bán ra hơn 2,8 triệu CP, điều này cho thấy vẫn còn nhiều NĐT bên ngoài ôm CP này với kỳ vọng sinh lời.

IJC đã có 2 phiên điều chỉnh và liệu NĐTNN có còn tiếp tục “đánh” CP này nữa hay không? Để trả lời câu hỏi này, trước tiên cần xem xét chỉ số FTSE Vietnam Index được xây dựng theo tiêu chí nào, CP nào đáp ứng đủ tiêu chuẩn để được vào rổ tính chỉ số này. Đây là điều không dễ trả lời đối với một NĐT cá nhân thông thường.

Các ETF sẽ mua thế nào, mua bao nhiêu CP và khi nào mua đủ là điều rất khó nắm bắt. Cũng cần nói thêm, mặc dù “hành tung” của các ETF tương đối khó nắm bắt, nhưng vẫn có một nơi nắm rõ nhất, đó chính là các CTCK mà các quỹ này mở tài khoản.

Vì vậy, không loại trừ khả năng, chính những CTCK nắm được thông tin về ETF đã chủ động đạo diễn thông tin để làm lợi cho cả ETF là khách hàng của họ và cũng đồng thời để có thể mua vào một ít và bán ra ngoài có lãi, như vậy phần thiệt thòi lớn nhất chính là NĐT bên ngoài mua sau cùng.

Từ ngày 26 đến 30-9, Dragon Capital Vietnam Mother Fund đã bán ra bên ngoài khoảng 2,6 triệu CP IJC. Nếu IJC không nổi sóng mạnh và có thanh khoản tốt, Capital Vietnam Mother Fund không dễ dàng gì đưa ra bên ngoài số lượng lớn IJC chỉ trong 5 phiên giao dịch như vậy.

Gậy ông đập lưng ông

Khoảng giữa tháng 5, sau khi Viecombank (VCB) công bố thông tin NHNN đồng ý niêm yết thêm 1,6 tỷ CP VCB thuộc sở hữu của Nhà nước, giá VCB đã tăng mạnh. Lý lẽ được đưa ra là: Với số CP niêm yết thêm, giá trị vốn hóa trên sàn của VCB sẽ tăng thêm và từ đó ảnh hưởng đến VN Index nhiều hơn. Các ETF mô phỏng theo VN Index sẽ phải mua thêm CP để đảm bảo cân đối danh mục của mình.

Rốt cuộc, VCB chỉ tăng được một số phiên từ mức 25.000 đồng/CP lên 29.000 đồng/CP, trái ngược hẳn với kỳ vọng CP này có thể “bốc đầu” lên 35.000 đồng/CP thậm chí 50.000 đồng/CP. Sau đó, VCB lại giảm mạnh xuống gần 23.000 đồng/CP, như vậy, nếu ai ôm CP này ngay mức gần 29.000 đồng/CP và cắt lỗ tại giá 23.000 đồng/CP đã lỗ khoảng 20%. Điều quan trọng nhất là không thấy các ETF mua mạnh VCB và từ đó đến nay, CP cũng chưa bao giờ vượt quá mức giá 30.000 đồng/CP.

Khi có thêm nhiều chỉ số CK được các tổ chức quốc tế lập nên, cơ hội tăng giá sẽ đến với nhiều CP. Ảnh: LÃ ANH
Khi có thêm nhiều chỉ số CK được các tổ chức quốc tế lập nên,
cơ hội tăng giá sẽ đến với nhiều CP. Ảnh: LÃ ANH

Từ trường hợp của VCB, có thể thấy rõ các quỹ ETF không phải “tay mơ” và việc mua trước hoặc chạy đua mua CP với các quỹ này không phải lúc nào cũng có thể áp dụng theo kiểu rập khuôn. Hàng trăm triệu USD do các quỹ này quản lý có thể thua lỗ với một số CP nhưng không phải thương vụ nào cũng thất bại.

Thực tế, từ cuối năm 2010, ý định gom mua CP trước ETF đã bắt đầu xuất hiện lần đầu tiên đối với CTG (VietinBank) và VCB nhưng chưa bao giờ thành công và nhiều lần, hễ NĐT bên ngoài mua vào là NĐTNN lại xả ra hoặc không mua thêm nữa. Điều này đưa nhiều NĐT vào thế bị hớ, buộc phải xả CP ra trở lại, đẩy giá xuống thấp và lúc này NĐTNN lại ra tay mua vào.

Như trường hợp của IJC nói trên, việc NĐTNN mua vào và đẩy CP này tăng mạnh khá dễ dàng là bởi ít NĐT chú ý đến CP này. Vài tháng trước, có lẽ không nhiều NĐT nghĩ đến việc một CP có giá dưới mệnh giá lại lọt vào tầm ngắm của ETF.

Sắp tới đây, nếu các ETF tham gia TTCK Việt Nam nhiều hơn, hoặc có thêm nhiều chỉ số CK được các tổ chức quốc tế lập nên, cơ hội tăng giá sẽ đến với nhiều CP. Đi trước và chọn đúng có thể là một chiến thuật phù hợp, nhưng không dễ sử dụng, bởi lẽ các ETF cũng biết và có thể bắt bài.

Một thí dụ đơn giản nhất: Các ETF thay vì tự mình gom mua trực tiếp trên sàn, có thể nhờ các CTCK gom mua hộ và sau đó bán lại. Sau khi nắm giữ một số CP lớn trong tay, ETF mới ra mặt để giao dịch, lúc này, do đã nắm trong tay một lượng hàng lớn, giá thấp, chính họ mới là bên chủ động, và những NĐT mua vào hoàn toàn có thể bị lãnh củ xả.

Các tin khác