Cẩn trọng đón sóng KQKD quý I

Mùa ĐHCĐ đi vào giai đoạn cuối cũng là thời điểm doanh nghiệp niêm yết bắt đầu công bố kết quả sản xuất kinh doanh quý I. Đây là thời điểm NĐT rỉ tai nhau về những con số để đón sóng.

Mùa ĐHCĐ đi vào giai đoạn cuối cũng là thời điểm doanh nghiệp niêm yết bắt đầu công bố kết quả sản xuất kinh doanh quý I. Đây là thời điểm NĐT rỉ tai nhau về những con số để đón sóng.

Đại gia “bội thu”

Báo cáo kết quả kinh doanh quý I-2012 của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy nền kinh tế vẫn còn yếu. Theo thống kê sơ bộ, tính đến thời điểm đầu tháng 5 đã có hơn 500 doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý I-2012. Theo đó, khoảng 12% doanh nghiệp trong số này có lợi nhuận âm với tổng số tiền thua lỗ gần 3.000 tỷ đồng, khoảng 50% doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ.

Danh sách những doanh nghiệp thua lỗ nặng trong quý I có sự góp mặt của những “gương mặt” quen thuộc như: CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG) lỗ 885 tỷ đồng, CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (SBS) lỗ 681 tỷ đồng, CTCP Vận tải biển và bất động sản Việt Hải (VSP) lỗ 492 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Thái Hòa (THV) lỗ gần 53 tỷ đồng…

Kết quả kinh doanh kém tích cực là vấn đề đã được dự báo từ trước do tác động khó khăn chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp tiếp tục duy trì được lợi nhuận khủng trong quý I vừa qua. Điển hình là CTCP Sữa Việt Nam (VNM) lãi 1.270 tỷ đồng, Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM) lãi 961 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) lãi 842 tỷ đồng.

Đặc biệt, danh sách các doanh nghiệp có lãi lớn có sự góp mặt của hàng loạt đại gia ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - CTG) lãi 1.394 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) lãi 1.290 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank - STB) lãi 756 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) lãi 751 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) lãi 724 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) lãi 668 tỷ đồng.

Doanh nghiệp lỗ CP vẫn tăng khủng

Vấn đề đáng lưu ý là lợi nhuận sau kiểm toán của các doanh nghiệp thường giảm mạnh, thậm chí từ có lợi nhuận chuyển thành lỗ đang trở nên phổ biến, đặc biệt ở nhóm CP đầu cơ nhờ những tin đồn về lợi nhuận được rỉ tai nhau trước đó. Chẳng hạn, CTCP Khoáng sản Bắc Kạn (BKC), mặc dù lỗ trong quý I nhưng giá CP BKC liên tục tăng trần.

Tính từ đầu tháng 4-2012, thời điểm bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý, BKC đã tăng mạnh từ 9.800 đồng/CP lên 19.300 đồng/CP. CTCP Tập đoàn Khoáng sản Hamico (KSH) dù chưa công bố kết quả kinh doanh quý I nhưng KSS vẫn có đợt tăng nóng lên đến 85%, từ 8.000 đồng/CP lên 14.800 đồng/CP.

Tương tự, CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) dù lỗ 4 quý liên tiếp, nhưng trước khi công bố báo cáo tài chính VIG đã có sóng tăng giá ngoạn mục từ 1.700 đồng/CP lên mức 4.800 đồng/CP (tương đương 182%).

Đáng chú ý nhất là trường hợp của CTCP Khoáng sản Bình Thuận Hamico (KSA). Từ mức giá chưa đến 5.000 đồng/CP ở thời điểm giữa quý I, mã CP này đã tăng vọt lên đỉnh 23.900 đồng/CP (tương đương mức tăng 380%) nhờ thông tin rỉ tai về kết quả kinh doanh quý I-2012.

Thế nhưng, theo báo cáo tài chính quý I mới được KSA công bố, lãi ròng của doanh nghiệp này chỉ đạt vỏn vẹn 1,6 tỷ đồng (giảm gần 80% so với cùng kỳ năm 2011). Thậm chí, mã KSA còn bị HOSE cảnh cáo trên toàn thị trường do vi phạm quy định về công bố thông tin, đã khiến không ít NĐT ngỡ ngàng và vội vàng bán tháo. Với sự tháo chạy của NĐT, mã này liên tục rớt sàn trong các phiên giao dịch gần đây.

Điểm đáng nổi bật của những mã CP có kết quả kinh doanh bết bát nhưng vẫn tăng nóng là thường có khối lượng giao dịch đột biến trong các đợt sóng này. Điều này chứng tỏ những thông tin đồn thổi về khả năng có lợi nhuận đột biến nhằm mục đích tháo hàng.

Có thể lấy KSA làm dẫn chứng. Trong những đợt tăng nóng vừa qua, đã có nhiều phiên giao dịch mã KSA bất ngờ được giao dịch hơn 1 triệu đơn vị. Theo nhận định của các chuyên gia, khả năng chốt lời ở các nhóm CP này chắc chắn sẽ diễn ra và NĐT mua vào trong những phiên tăng nóng là người chịu thiệt đầu tiên. Quy luật chung của thị trường là dòng tiền chỉ chảy vào nhóm CP có nền tảng cơ bản và triển vọng tốt.

Các tin khác