Biến số vàng trong ổn định kinh tế vĩ mô

Vàng là một loại tài sản có giá trị khá ổn định do vậy thường được người dân tìm đến như một phương tiện dự trữ giá trị, đặc biệt trong thời kỳ bất ổn kinh tế cao.

Vàng là một loại tài sản có giá trị khá ổn định do vậy thường được người dân tìm đến như một phương tiện dự trữ giá trị, đặc biệt trong thời kỳ bất ổn kinh tế cao.

Sự biến động của giá vàng trong những ngày vừa qua, xuất phát từ những biến động của kinh tế thế giới, về bản chất không làm thay đổi hiện trạng thực của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên nó gây ra những hiệu ứng tâm lý xấu, gây bất ổn thị trường tài chính và tiền tệ trong nước.

Áp lực lên CPI, lãi suất, trực tiếp nhất là tỷ giá

Những hiệu ứng tâm lý này có tác động tiêu cực đến hành vi của các cá nhân, doanh nghiệp, và các tổ chức khác trong nền kinh tế. Cụ thể, mặc dù vàng không nằm trong rổ hàng hoá tính CPI nhưng sự gia tăng đột biến giá vàng có thể khiến một số người kinh doanh lợi dụng để đòi hỏi tăng giá bán các hàng hoá khác.

Ngoài ra, tính đầu cơ của thị trường Việt Nam là rất lớn. Sự gia tăng mạnh của giá vàng sẽ khiến dòng tiền tập trung cao vào thị trường này. Thay vì gửi tiết kiệm với kỳ hạn dài, người dân sẽ gom tiền để mua vàng và điều này sẽ khiến cho nỗ lực cắt giảm lãi suất của ngân hàng Nhà nước (NHNN) gặp khó khăn hơn.

Sự biến động của giá vàng còn góp phần gây ra sự bất ổn của thị trường ngoại hối. Nguyên nhân sâu xa của sự bất ổn tỷ giá là do nền kinh tế có thâm hụt thương mại cao và kéo dài. Nhưng sự biến động tỷ giá mạnh trong những ngày vừa qua còn được góp phần bởi những bất cập của chính sách tiền tệ.

Việc để cho tăng trưởng tín dụng ngoại tệ nóng, cao gấp cả chục lần so với tăng trưởng tín dụng nội tệ kể từ đầu năm tới nay gần như chắc chắn sẽ tạo ra cầu ngoại tệ cao vào cuối năm, khi những khoản vay bằng ngoại tệ đáo hạn và thâm hụt thương mại tăng cao.

Mặt khác, nó còn tạo ra kỳ vọng về sự lên giá của ngoại tệ. Khi tất cả mọi người từ cá nhân, đến doanh nghiệp và ngân hàng nghĩ rằng ngoại tệ sẽ lên giá, thì chỉ cần một thông tin hay một biến động nhỏ nào đó liên quan đến thị trường ngoại hối xuất hiện, nó sẽ khiến kỳ vọng lên giá này được chuyển hoá thành hành động găm giữ và đẩy giá ngoại tệ lên cao.

Việc xuất hiện thông tin NHNN cho phép nhập khẩu 5 tấn vàng vừa qua thể hiện rất rõ điều này. Mặc dù 5 tấn vàng, nếu được nhập khẩu về, chỉ làm tiêu tốn khoảng hơn 300 triệu USD, bằng khoảng 20% so với lượng USD thu về nhờ xuất khẩu vàng trong hai tháng vừa qua, nhưng nó lại làm giá bán USD tăng vọt lên trên 21.200 VNĐ/USD (khoảng 3%) trên thị trường tự do. Ngay bản thân các ngân hàng thương mại mặc dù niêm yết với tỷ giá thấp nhưng thực tế là họ không chịu giao dịch theo tỷ giá đó.

Mục tiêu và giới hạn của sự can thiệp

Sự can thiệp nhanh của NHNN bằng cách cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng phần nào giúp cải thiện sự thông suốt giữa thị trường trong nước với thị trường quốc tế. Sự gia tăng giá vàng trên thế giới là bất khả kháng đối với Việt Nam. Cái mà NHNN có thể làm lúc này là xoá bỏ sự chênh lệch giá thái quá giữa hai thị trường và giải toả vấn đề tâm lý.

Ngoài ra, việc giải quyết những bất cập mang tính kỹ thuật điều hành chính sách trong nước, ví dụ như sự chênh lệch quá lớn lãi suất tín dụng nội tệ và lãi suất tín dụng ngoại tệ, cũng có thể làm giảm bớt những cú sốc trên thị trường. Rõ ràng, khi cho phép chênh lệch lãi suất lớn như vậy giữa hai đồng tiền tồn tại thì tức là chúng ta đang tạo ra kỳ vọng về sự mất giá của nội tệ. Tác động của các cú sốc bên ngoài, ví dụ như cú sốc giá vàng vừa qua đối với thị trường ngoại hối, sẽ là nhỏ hơn rất nhiều nếu như người dân không có kỳ vọng này.

Thống đốc NHNN vừa nói với báo chí rằng NHNN không điều chỉnh tỷ giá quá 1% từ giờ cho đến cuối năm. Đây là một trong những biện pháp trấn an thị trường. Nếu công chúng tin vào điều này (khó) và NHNN không có những phản ứng chính sách nào khác thì gần như chắc chắn tăng trưởng tín dụng ngoại tệ sẽ còn nóng, và tiếp tục tích tụ rủi ro cho thị trường ngoại hối.

Ứng xử với thị trường

Bản chất của hoạt động kinh doanh là tìm kiếm lợi nhuận. Mua giá thấp và bán với giá cao là lẽ thông thường trong một nền kinh tế thị trường. Hoạt động này có thể góp phần giúp phân bổ nguồn lực xã hội theo hướng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc để xảy ra tình trạng đầu cơ thái quá đến mức gây bất ổn như ở Việt Nam là một vấn đề cần phải giải quyết. Một nền kinh tế không thể phát triển với việc chỉ tập trung nguồn lực loay hoay quanh vòng xoáy đầu cơ chứng khoán, bất động sản, vàng, và đôla.

Tuy nhiên hoạt động đầu cơ không thể ngăn chặn bằng những mệnh lệnh hành chính. Những quy định về quản lý giá khó có thể phát huy hiệu quả bởi chúng không thể chống lại được quy luật của thị trường. Nhà nước cũng không thể có đủ nguồn lực để giám sát việc thực thi các quy định đó ở mọi hang cùng ngõ hẻm của nền kinh tế.

Ngay cả khi Nhà nước có ngăn chặn được làn sóng đầu cơ vàng thì quyết định của họ có được công chúng hoan nghênh hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng dự báo – cái mà cơ quan quản lý hầu như không có. Niềm tin của công chúng với cơ quan quản lý sẽ ra sao nếu như việc đầu cơ vàng bị ngăn chặn bằng biện pháp hành chính, trong khi giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới?

Trong một thị trường tự do những người tham gia thị trường phải chịu rủi ro cũng như hưởng lợi nhuận từ quyết định của chính bản thân họ. Việc lựa chọn trú ẩn vào loại tài sản nào trong bối cảnh cả kinh tế thế giới lẫn trong nước đều bất ổn phải do người dân tự lựa chọn.

Nắm giữ vàng hay đôla chỉ là sự hoán đổi tài sản trong dự trữ của tổng thể nền kinh tế. Trong ngắn hạn, cách làm tốt nhất của các cơ quan quản lý nhà nước có lẽ là tạo ra một thị trường có giá cả thông suốt giữa trong nước và quốc tế nhằm tránh tích tụ rủi ro và biến động giật cục.

Ngoài ra, giải quyết những bất cập chính sách nội tại có thể giúp thị trường trong nước đỡ bị “tổn thương” hơn đối với các cú sốc bên ngoài. Còn trong dài hạn, các biện pháp có lẽ nên tập trung trả lời câu hỏi tại sao công chúng không nắm giữ tiền đồng hay trái phiếu chính phủ, mà lại chỉ loay hoay đầu cơ vàng và USD?

Các tin khác