BIDV trước ngày IPO

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, CP của 2 NHTMCP Nhà nước là VCB (Vietcombank) và CTG (VietinBank) đóng cửa tại các mức giá 21.100 đồng/CP và 18.900 đồng/CP. Trong khi đó, mức giá khởi điểm cho đợt IPO của BIDV được chốt ở 18.500 đồng/CP. BIDV đưa ra giá khởi điểm cao hay VCB, CTG đang có giá rẻ là vấn đề đang được nhiều người quan tâm.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, CP của 2 NHTMCP Nhà nước là VCB (Vietcombank) và CTG (VietinBank) đóng cửa tại các mức giá 21.100 đồng/CP và 18.900 đồng/CP. Trong khi đó, mức giá khởi điểm cho đợt IPO của BIDV được chốt ở 18.500 đồng/CP. BIDV đưa ra giá khởi điểm cao hay VCB, CTG đang có giá rẻ là vấn đề đang được nhiều người quan tâm.

So kè quyết liệt

Trong tình hình TTCK khó khăn, chọn giá khởi điểm cao sẽ dẫn đến rủi ro “ế hàng”. Giá khởi điểm thấp cũng chỉ phù hợp trong điều kiện thị trường “hừng” để tạo lực đẩy. Vì vậy, chọn giá khởi điểm để bên mua khỏi mất thời gian nâng lên hạ xuống có thể xem là một động thái hợp lý lúc này.

Chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá trúng thầu bình quân trong các đợt IPO của VCB và CTG không lớn, VCB đưa ra giá khởi điểm 100.000 đồng/CP, giá trúng thầu gần 108.000 đồng/CP; giá khởi điểm của CTG 20.000 đồng/CP còn giá trúng thầu gần 20.300 đồng/CP. Dựa vào yếu tố “lịch sử”, những NĐT tham gia IPO có thể chọn luôn mức giá khởi điểm mà BIDV đưa ra. 

Giá khởi điểm của BIDV so với VCB và CTG vẫn thấp hơn, nhưng chênh lệch không đáng kể. Thị giá của VCB và CTG thấp nhất trong vòng 1 năm qua, nhưng với diễn biến khó lường của thị trường, việc CP hôm nay đã rẻ, mai còn rẻ hơn là bình thường.

Ngay chính Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà cũng đưa ra nhận xét: “Thị trường hiện nay xấu hơn giai đoạn IPO của VietinBank (2008)”, đồng thời nhấn mạnh đến yếu tố “thị trường” cũng như mức giá khởi điểm trong đợt IPO chỉ là tương đối.

Về thực lực, ngay những người có thâm niên làm việc trong ngành ngân hàng cũng không dễ xác định ai mạnh hơn ai trong 3 ông lớn BIDV, VCB và CTG. Một chút lo lắng đặt ra đối với BIDV là vai trò của ngân hàng này trong việc hợp nhất 3 ngân hàng Sài Gòn, Việt Nam Tín Nghĩa và Đệ Nhất.

Tất nhiên, góp phần cùng Ngân hàng Nhà nước trong việc đảm bảo an toàn của thị trường tiền tệ, cũng khẳng định thực của BIDV. Nếu làm tốt và thị trường ổn định trở lại, phía BIDV sẽ có lợi.

Đối với NĐT thông thường, không am hiểu về tài chính thì nhận xét sẽ còn cảm tính hơn nữa, hoặc không quan tâm sâu đến vấn đề hơn thua ở năng lực mà lại chú trọng đến giá CP. Điều này đã được chứng minh thông qua hiện tượng định giá CP theo “chấm” trên thị trường những năm vừa qua.

Nhìn lại thị giá của gần chục ngân hàng đang niêm yết trên cả hai sàn sẽ dễ dàng nhận thấy quy luật: vị thế, năng lực càng lớn giá càng cao. Điều này có vẻ nghịch lý với những ai có thói quen định giá bài bản, nhưng lại là quy luật của thị trường và “người chơi” dù không muốn cũng phải chấp nhận.

Cửa nào cho BIDV

Từ nay đến ngày 21-12, thời điểm cuối cùng để làm thủ tục và nộp tiền cọc cho đợt đấu giá BIDV, chắc chắn NĐT sẽ liên tục so giá khởi điểm của BIDV với 2 ông lớn còn lại.

Trường hợp giá của VCB và CTG những ngày tới đây tăng mạnh trở lại: CTG tăng lên 2.0, VCB tăng lên 2.4-2.5. Lúc đó, người mua BIDV sẽ tin tưởng hơn vào giá trị, sức mạnh của nhóm CP ngân hàng và mạnh dạn chấp nhận mức giá 18.500 đồng/CP. Để khả năng này xảy ra còn lệ thuộc khá nhiều vào động thái của những nhóm NĐTNN chuyên “chơi” VCB và CTG, mà nhóm này có vẻ đang “uể oải”.

Trường hợp VCB và CTG giữ nguyên hoặc tăng nhẹ vùng giá như hiện nay: VCB từ 2.1-2.2, CTG quanh 1.9-2.0. Số lượng NĐT cảm thấy phân vân sẽ tăng lên và đặt ra một loạt vấn đề: CTG và BIDV giá sát nhau, chưa kể một loạt ngân hàng TMCP hoạt động tốt, CP có giá thấp hơn.

Vậy mua CTG và nhóm ngân hàng TMCP có thanh khoản hay mua BIDV và phải chờ khoảng 9 tháng để bán ra? CTG có giá trúng thầu bình quân 2.0, chào sàn giá 5.0.

Nếu BIDV có giá trúng thầu tầm 1.8 liệu có thể chào sàn tại vùng giá 3.6-4.0? Tháng 7-2009, CTG chào sàn, khi đó TTCK Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và rất “sung”, trong khi tương lai của TTCK năm 2012 hiện vẫn rất mờ mịt.

Trụ sở BIDV chi nhánh TPHCM. Ảnh: LÃ ANH

Trụ sở BIDV chi nhánh TPHCM. Ảnh: LÃ ANH

Nhưng nhìn theo chiều ngược lại, liệu NĐT cầm tiền mua CP có thanh khoản từ nay cho đến ngày BIDV IPO có cầm chắc rằng mình sẽ có lãi hay không? Nhớ lại thời điểm CTG tiến hành IPO rồi sau đó niêm yết, sự “máu lửa” của ngân hàng và Chủ tịch HĐQT Phạm Huy Hùng đã truyền đến NĐT một sự tự tin nhất định và những ai tham gia đợt IPO này nếu nhanh tay bán ra khi CTG mới lên sàn đã lãi từ 50-100%.

Một số NĐT cho biết, họ đánh giá cao BIDV ở sự chắc chắn, cẩn trọng (hệ thống quản trị rủi ro của BIDV được đánh giá rất cao) nhưng vẫn thiếu đi những sự hứng khởi để củng cố niềm tin.

“Tiền không nhiều, nên mua phải chắt chiu, chúng tôi cần một lời hứa chi tiết hơn nữa từ các vị lãnh đạo. Chẳng hạn: Đảm bảo chính xác và chi tiết về thời gian lên sàn, hay giá chào sàn thấp nhất là bao nhiêu. Những điều này không quá khó nhưng tác dụng lại rất lớn” - một số NĐT nêu quan điểm.

Trường hợp thị giá của VCB và CTG tiếp tục giảm xuống thấp hơn cả giá khởi điểm của BIDV kèm theo xu hướng xấu trên TTCK sẽ tạo ra một tình thế cực khó. Giữ nguyên mức giá khởi điểm có thể khiến NĐT suy nghĩ BIDV đang “nói thách” và chọn phương án đứng ngoài nếu cảm thấy rủi ro.

Nếu ngân hàng này lùi mức giá khởi điểm xuống thấp cũng không hề đơn giản. Ngoài chuyện nguồn tiền thu về cho Nhà nước trong đợt IPO sụt giảm, chính BIDV cũng có thể chịu tiếng là “định giá không chuẩn” dù lỗi không do mình. Bên cạnh đó là rủi ro phải bán rẻ cổ phần.

Đáng lo cho BIDV là giả sử cuối tháng 12, CTG và VCB giảm giá, chẳng hạn 1.5 hay 1.6, nhưng sang đầu tháng 1 các ngân hàng này công bố tin tốt về KQKD, CP tăng mạnh trở lại lên 2.0-2.5. Yếu tố “rẻ” của CTG và VCB chỉ là ngắn hạn nhưng lại có thể gây ra ảnh hưởng cho BIDV.

Tham gia đợt IPO này có cả những tổ chức đầu tư nước ngoài mua với khối lượng lớn (không phải đối tác chiến lược), đương nhiên cũng muốn “mua rẻ”. Vì vậy, kịch bản một số tổ chức nước ngoài bắt tay nhau “chặn giá” hoặc “dìm” giá VCB và CTG cho đến khi kết thúc đợt IPO cũng không thể loại trừ.

Xem ra, trừ trường hợp thứ nhất, với 2 trường hợp còn lại, BIDV phải thể hiện được tầm vóc, bản lĩnh của mình trong mắt các NĐT nhiều hơn nếu muốn đợt IPO thành công.

Các tin khác