Bất ngờ các CTCK

Dự báo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý III-2011 sẽ không mấy khả quan so với 2 quý đầu năm. Thế nhưng khá nhiều CTCK - trong đó có những CTCK thường xuyên thua lỗ trước đây - bất ngờ báo lãi trong quý III.

Dự báo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý III-2011 sẽ không mấy khả quan so với 2 quý đầu năm. Thế nhưng khá nhiều CTCK - trong đó có những CTCK thường xuyên thua lỗ trước đây - bất ngờ báo lãi trong quý III.

Cùng kỳ năm ngoái, CTCK Kim Long (KLS) lỗ 193 tỷ đồng; trong quý III này, KLS đã lãi hơn 53,7 tỷ đồng. Nguyên nhân tạo nên sự đột biến là nhờ khoản hoàn nhập dự phòng 49,8 tỷ đồng, nên chi phí hoạt động kinh doanh chỉ còn 37,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước, chi phí hoạt động kinh doanh của KLS lên đến 250 tỷ đồng.

Riêng khoản dự phòng giảm giá 90 tỷ đồng. Nhờ khoản lợi nhuận này, lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng của KLS đạt gần 140 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 200 tỷ đồng.

BVS đã nỗ lực vượt qua ngưỡng lỗ. Ảnh: LÃ ANH

BVS đã nỗ lực vượt qua ngưỡng lỗ. Ảnh: LÃ ANH

Tương tự là trường hợp của CTCK Sài Gòn (SSI). Nhờ khoản hoàn nhập dự phòng CK hơn 42 tỷ đồng nên kết quả kinh doanh quý III-2011 của SSI rất khả quan với lợi nhuận 83 tỷ đồng. Cho dù lũy kế 9 tháng đầu năm vẫn là con số âm nhưng với khoản lợi nhuận tương đối lớn này mức thua lỗ của SSI đã giảm xuống chỉ còn hơn 17 tỷ đồng.

CTCK FPT (FPTS) cũng công bố kết quả kinh doanh quý III-2011 với những con số ấn tượng. Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ 85,7 tỷ đồng, đặc biệt là lợi nhuận sau thuế 43,2 tỷ đồng (tăng gần 50% so cùng kỳ năm trước). Theo báo cáo tài chính của FPTS, có được kết quả ấn tượng này là nhờ sự đột biến về doanh thu.

Cụ thể, doanh thu môi giới CK 12,3 tỷ đồng; doanh thu hoạt động đầu tư CK và góp vốn 1,2 tỷ đồng; doanh thu hoạt động tư vấn 46,3 tỷ đồng; doanh thu khác 25,5 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu khác tăng đột biến, gấp 12 lần cùng kỳ, nhưng các hoạt động còn lại đều thấp hơn cùng kỳ. Được biết, chỉ tiêu của FPTS trong năm 2011 là doanh thu 353 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 181 tỷ dồng.

CTCK Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) công bố kết quả kinh doanh quý III với doanh thu 42,79 tỷ đồng, tăng hơn 10 tỷ đồng so với mức 32,49 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 13,65 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 26,96 tỷ đồng.

Theo giải trình của CTS, lợi nhuận quý III-2011 tăng mạnh so với cùng kỳ là do dự đoán tình hình TTCK có nhiều diễn biến phức tạp, xu hướng giảm điểm sẽ xảy ra nên trong quý III CTS thực hiện chủ trương không đầu tư mới mà chủ yếu cơ cấu lại danh mục đầu tư, đẩy mạnh các mảng dịch vụ: hoạt động môi giới, hoạt động tư vấn tài chính, đặc biệt là mảng kinh doanh nguồn.

CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS) công bố kết quả kinh doanh quý III với lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 306 triệu đồng. Tuy nhiên, đây lại là con số đáng khích lệ bởi 2 quý đầu năm SHS đã thua lỗ hơn 382 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 67 tỷ đồng.

Một trong những yếu tố tạo sự khác biệt so với 2 quý đầu năm là do doanh thu tăng đột biến. Theo SHS, so với cùng kỳ năm trước, doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính giảm 48% nhưng doanh thu khác đột biến tăng mạnh 72,48%.

Nguyên nhân là do mặc dù TTCK liên tục sụt giảm trong thời gian qua dẫn đến doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính giảm nhưng SHS vẫn thực hiện tốt việc cung cấp các giá trị gia tăng cho khách hàng nên doanh thu hợp tác kinh doanh và doanh thu khác tăng.

Đáng mừng nhất là trường hợp của CTCK Bảo Việt (BVS). Theo báo cáo tài chính mới được CTCK này công bố ngày 17-10, kết quả kinh doanh quý III-2011 đạt các chỉ tiêu tài chính đáng khích lệ sau một thời gian dài thua lỗ nặng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế 13,4 tỷ đồng và doanh thu gần 50 tỷ đồng.

Trong bối cảnh TTCK còn nhiều khó khăn với gần 80 CTCK công bố lỗ, những con số ý nghĩa này là minh chứng rõ nét cho nỗ lực của BVS trong việc giành lại thị phần cũng như giữ vững vai trò dẫn đầu trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn, đặc biệt là tư vấn mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trên TTCK.

Được biết, 2 mảng hoạt động đóng góp nhiều nhất cho kết quả kinh doanh ấn tượng trên là môi giới và tư vấn. Trong đó, lĩnh vực môi giới của BVS đã thăng từ hạng 8 lên hạng 7 trong top 10 CTCK có thị phần lớn nhất trên sàn HOSE, với thị phần tăng từ 3% trong quý I lên gần 3,2% trong quý II và 3,4% trong quý III.

Tại HNX, sau gần 3 năm không nằm trong top 10 CTCK chiếm thị phần cao nhất, BVS đã quay lại hạng 8 với 3,4% thị phần giao dịch CP. Đặc biệt, BVS còn đứng hạng 2 về thị phần đối với hoạt động môi giới trái phiếu trên sàn HNX.

Các tin khác