AGF - Vị đắng tài chính

Dù có nhiều đổi mới trong hoạt động sản xuất sau khi trở thành công ty con của CTCP Hùng Vương (HVG) vào tháng 3-2010, nhưng lợi nhuận của CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF) vẫn sụt giảm cũng chỉ vì lỡ “nhúng chàm” vào lĩnh vực đầu tư tài chính.

Dù có nhiều đổi mới trong hoạt động sản xuất sau khi trở thành công ty con của CTCP Hùng Vương (HVG) vào tháng 3-2010, nhưng lợi nhuận của CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF) vẫn sụt giảm cũng chỉ vì lỡ “nhúng chàm” vào lĩnh vực đầu tư tài chính.

Trong giai đoạn 2008-2009, hoạt động kinh doanh của AGF kém hiệu quả và tụt hậu so với một số doanh nghiệp (DN) cùng quy mô trong ngành. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2010 của AGF đánh dấu sự trở lại của DN giữ vị trí thứ 4 trong top 10 DN xuất khẩu cá tra - basa.

Theo thống kê, tổng doanh thu của AGF trong năm 2010 đạt 1.781 tỷ đồng (tăng 23%). Có 2 yếu tố thuận lợi chính cho sự tăng trưởng doanh thu của AGF là nhu cầu tiêu thụ cá tra - basa trên thế giới tăng và tỷ giá VNĐ/USD được điều chỉnh theo hướng có lợi cho hoạt động xuất khẩu của DN.

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2010 đạt 659.300 tấn cá với giá trị tương đương 1,42 tỷ USD. Riêng AGF đạt kim ngạch xuất khẩu 61 triệu USD (tăng 11%). Với tỷ giá, sau 2 lần điều chỉnh vào ngày 11-2 và  8-8, doanh thu của AGF cũng được tăng thêm khi kim ngạch xuất khẩu được quy đổi sang nội tệ.

Ngoài những yếu tố khách quan, việc AGF đổi mới sau khi thành công ty con của VHG cũng có được một vài kết quả nhất định. Cụ thể, bên cạnh tỷ suất chi phí bán hàng và chi phí quản lý DN trên doanh thu thuần đều giảm so với năm 2009, tỷ suất giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần được kiểm soát hiệu quả đáng kể ở mức 88,6% (giảm 3,5%).

Nhờ vùng nuôi trồng cá nguyên liệu rộng lớn của HVG (250ha) nên khả năng cung ứng cá nguyên liệu phục vụ sản xuất của AGF cũng được cải thiện (đạt 40%), phần còn lại phải mua từ các hộ nông dân. Trong tình hình giá cá nguyên liệu tăng cao do khan hiếm nguồn cung, HVG đã hỗ trợ AGF cá nguyên liệu với giá rất cạnh tranh so với trên thị trường.

Đặc biệt, nhờ tiếp thu phương pháp chế biến cá mới từ HVG, giúp định mức tiêu hao nguyên liệu giảm từ 2,8 xuống còn 2,5, nghĩa là muốn có 1kg thịt cá thành phẩm AGF chỉ cần sử dụng 2,5kg cá nguyên liệu thay vì phải cần đến 2,8kg như trước đây.

Dù doanh thu đạt được mức tăng trưởng đáng kể nhưng lợi nhuận lại là điểm yếu của AGF. Cụ thể, lợi nhuận năm 2010 của AGF chỉ đạt được 51,42 tỷ đồng, bằng 64%. Nguyên nhân chính dẫn đến sự tụt giảm này đến từ hoạt động đầu tư tài chính.

Trong khi một số DN cùng ngành đã bừng tỉnh và dần thoái vốn đầu tư tài chính để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh truyền thống, AGF vẫn còn khoản đầu tư 100 tỷ đồng (chiếm đến 77,8% vốn điều lệ) vào chứng chỉ quỹ tầm nhìn của SSI. Hậu quả nhãn tiền từ kênh đầu tư này là khoản dự phòng giảm giá 12,4 tỷ đồng.

Với bối cảnh TTCK hiện nay, hiệu quả hoạt động của quỹ tầm nhìn SSI rất thấp và khả năng khoản dự phòng giảm giá AGF phải tiếp tục chịu đựng còn gia tăng thêm. Điều này chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của AGF trong thời gian tới.

Nhiều khả năng vì bỏ ra một số vốn quá lớn cho hoạt động tài chính nên khả năng thanh toán tiền mặt của AGF bị xuống thấp. Theo thống kê cuối năm 2010, lượng tiền ở AGF là 47,6 tỷ đồng, tỷ suất thanh toán tiền mặt là 7% (thấp hơn tỷ suất của ngành 5%.)

Đến cuối quý I-2011, lượng tiền mặt chỉ còn 18,8 tỷ đồng. Là một trong những DN lớn trong ngành nhưng tỷ suất thanh toán tiền mặt còn thấp hơn cả ngành, AGF chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc mua nguyên liệu và thanh toán tiền hàng.

Dù gặp bất lợi từ khoản đầu tư tài chính này nhưng khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của AGF vẫn còn, nhờ việc bán tòa nhà văn phòng tại TPHCM cho NHTMCP Sài Gòn Công Thương mang lại khoản lợi nhuận 30 tỷ đồng và được hạch toán trong năm 2011. Kế hoạch lợi nhuận năm 2011 của AGF là 80 tỷ đồng.

Các tin khác