Xử lý nhanh container tồn cảng

(ĐTTCO) - Hơn 5.000 container, trong đó chủ yếu là nhựa phế liệu (NPL) nhập khẩu tồn đọng tại các cảng. Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), cần xử lý nhanh tình trạng này nhằm tránh gây thiệt cho các DN thành viên. 
Xử lý nhanh container tồn cảng
Phát biểu tại buổi họp báo liên quan đến ngành nghề tái chế nhựa diễn ra ngày 14-8 tại TPHCM, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch VPA cho biết, theo thông tin từ Tân Cảng Sài Gòn, tính đến ngày 26-6-2018 lượng hàng tồn cảng là 4.480 container, tương đương 70.000 tấn, trong đó chủ yếu là NPL nhập khẩu, bên cạnh đó là phế liệu giấy, các mặt hàng vô chủ khác và hàng tạm nhập nhưng không tái xuất được.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng NPL tồn cảng này bắt nguồn từ hàng loạt yếu tố, như thay đổi việc quản lý cấp phép nhập khẩu của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT); Trung Quốc cấm nhập khẩu NPL; quy định tiêu chuẩn NPL (QCVN32) chưa rõ ràng, không thực tế và gây khó cho DN nhập khẩu NPL, khiến nhiều DN không dám đến nhận hàng (số lượng hàng tồn cảng thuộc loại này rất lớn); quy định mới không cho nhập hàng đã qua sử dụng không có lộ trình khiến DN bất ngờ; chi phí lưu container hàng tồn vượt quá tiền hàng khiến DN bỏ hàng…
Ông Hồ Đức Lam nhấn mạnh, nhựa tái chế là ngành không thể thiếu trong phát triển ngành nhựa, trong khi sản phẩm nhựa cũng không thể thiếu trong cuộc sống. Vấn đề ở chỗ nhựa không làm môi trường ô nhiễm mà lỗi do người sử dụng. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã quy định tỷ lệ sử dụng nhựa tái chế trong sản xuất bao bì cho sản phẩm.
Chính vì thế, khi nguồn nguyên liệu trong nước chưa thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất, việc nhập khẩu NPL trở nên cực kỳ quan trọng đối với ngành nhựa cũng như nền kinh tế. “Tuy nhiên, việc nhập khẩu NPL lại đang gây tranh cãi do tình trạng container tồn đọng tại các cảng, bên cạnh đó là các yếu tố môi trường. Hướng ra cho việc tranh cãi này là chỉ nên cấp phép hạn chế, không nên cấm nhập khẩu. Bởi đang có những DN đã đầu tư thật sự nghiêm túc cho việc xử lý NPL nhập khẩu, nhằm đáp ứng nhu cầu cho ngành công nghiệp tái chế nhựa” - ông Lam khẳng định.
Theo ông Hồ Đức Lam, để xử lý tình trạng container NPL tồn đọng tại các cảng, VPA đã kiến nghị Bộ TN-MT đưa thông tin DN được cấp phép nhập NPL lên cổng thông tin điện tử quốc gia để cơ quan hải quan nắm bắt kịp thời và chỉ tiếp nhận khai báo làm thủ tục nhập khẩu cho các DN này. Kế đến, xem xét mở rộng quy chuẩn QCVN32 theo hướng đưa tất cả loại nhựa có thể tái chế không lẫn tạp chất nguy hại vào danh mục NPL được phép nhập khẩu, hoặc ít nhất phải có thêm các loại ống, tấm, khay, màng, bao bì, đồ chơi, pallet, két nhựa... nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu và tránh tồn cảng trong tương lai khi lô hàng nhập có lẫn các loại nhựa này.
VPA cũng kiến nghị chi cục hải quan các tỉnh, thành phố thống nhất thực hiện kiểm soát thông quan mặt hàng NPL theo Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Thủ tướng, Thông tư 41/2015/TT-BTNMT của Bộ TN-MT, bởi đây là văn bản quản lý chuyên ngành đã rất rõ ràng và chi tiết. Đồng thời, cho thông quan tất cả container hàng nhựa đã qua sử dụng (bao, màng) đang tồn tại cảng biển như trước đây, và nếu có thay đổi quy định phải có thời gian ân hạn để DN chuẩn bị kịp.
Đối với Bộ Giao thông vận tải, VPA cũng kiến nghị cần yêu cầu hãng tầu chỉ cho xếp hàng lên tầu đối với DN có giấy phép nhập khẩu còn hiệu lực. Yêu cầu này nhằm buộc DN có trách nhiệm với lô hàng, bởi nếu không họ sẽ bị tước giấy phép nhập khẩu. Mục đích để loại bỏ tình trạng những lô hàng tồn cảng do DN nhập khẩu bỏ hàng. Bên cạnh đó, yêu cầu các hãng tầu miễn phí phạt lưu container và lưu bãi cho DN để nhanh chóng giải phóng hàng tồn, bởi nếu không miễn phí DN không thể rút hàng được.

Các tin khác