Vẫn còn dự án BT và BOT biến tướng và đội vốn

(ĐTTCO) - Có những dự án BT, BOT giao thông nhưng lại do DN đầu tư lựa chọn phương án, dù không phải dự án cấp bách; đã vậy không tuân thủ thứ tự ưu tiên đầu tư, thiếu thẩm định nguồn vốn, nên đã dẫn tới khi dự án làm xong bị lãng phí, thất thoát vốn, tiếp tục xin điều chỉnh bổ sung thêm bằng ngân sách nhà nước… Đây là thực tế đang diễn ra.

Bộ chưa duyệt, tỉnh vẫn chấp thuận
Cuối năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ban hành kết luận thanh tra về việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh tổng mức đầu tư, quá trình thực hiện dự án, cũng như việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản tại Thái Bình, trong đó có kết luận về dự án tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn đi qua tỉnh Thái Bình.
Thanh tra Bộ KH&ĐT đã chỉ ra nhiều sai phạm, như dự án được đầu tư theo hình thức BT do nhà đầu tư liên danh Xí nghiệp Xây dựng tư nhân Phương Anh và CTCP Đầu tư và Phát triển Nam Bắc đề xuất. Tháng 10-2008, UBND tỉnh Thái Bình đã chấp thuận chỉ định thầu nhà đầu tư này để thực hiện dự án, và tháng 1-2010 phê duyệt với mức tổng đầu tư hơn 2.347 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nhà đầu tư lại xin điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 4.281 tỷ đồng, và cũng được UBND tỉnh Thái Bình chấp thuận vào tháng 6-2014.
Đáng chú ý, tại thời điểm UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự án đã không được Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Đồng thời, UBND tỉnh Thái Bình cũng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh. Kết luận thanh tra cho thấy, các sai sót, sai phạm trong việc phê duyệt tổng mức đầu tư đã khiến dự án bị đội lên 1.437 tỷ đồng. Trong đó tổng chi phí xây lắp tăng không đúng hơn 574 tỷ đồng.
Vẫn còn dự án BT và BOT biến tướng và đội vốn ảnh 1 Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. 
Ngoài ra, dự án BT giao thông nói trên được thanh toán bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, được phân cho Thái Bình trong giai đoạn 2010-2015, tuy nhiên bất thường ở chỗ nhà đầu tư được thanh toán ngay khi đang thực hiện dự án. Cụ thể, từ khi khởi công tới tháng 12-2015, khối lượng dự án đã thực hiện cơ bản được thanh toán bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ bố trí cho dự án là 1.483/1.492 tỷ đồng.
Điều này cũng đồng nghĩa, nhà đầu tư hầu như chưa phải huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện dự án theo quy định đối với hình thức BT. Thế nhưng, lúc phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh, cơ quan chức năng lại chấp thuận cả phần lãi vay và lợi nhuận nhà đầu tư, mà chưa trừ phần giá trị khối lượng đã được thanh toán. Chính sai sót này đã khiến tổng mức đầu tư bị đội lên hơn 788 tỷ đồng.
Trước những sai phạm trên, cơ quan thanh tra Bộ KH&ĐT kiến nghị xem xét không bố trí nguồn vốn trái phiếu chính phủ để thanh toán phần giá trị tổng mức đầu tư tăng thêm so với mức ban đầu đã được phê duyệt. UBND tỉnh Thái Bình có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương để thực hiện.
Tuy nhiên, tại Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ số 184/TTr-UBND của UBND tỉnh Thái Bình ngày 9-11- 2018, UBND tỉnh Thái Bình tiếp tục đề nghị được bổ sung danh mục và bố trí vốn cho dự án tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, vào kế hoạch điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn từ vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020, với số vốn (mà tỉnh cho là còn thiếu) là 2.329,6 tỷ đồng.

Lách luật trốn thuế công khai
Trường hợp dự án BT giao thông nói trên ở tỉnh Thái Bình chỉ là một trong số nhiều dự án giao thông BT hiện nay đang có dấu hiệu biến tướng. Bên cạnh các dự án BT, một số dự án BOT còn tìm cách lách luật để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Còn nhớ cách đây 2 năm, tại trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã giám sát đột xuất công tác thu phí tại các trạm thu phí đường bộ trên tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, do CTCP Pháp Vân - Cầu Giẽ khai thác và quản lý. Qua kiểm tra cho thấy, mức doanh thu của tuyến cao tốc này đạt trung bình hơn 1,9 tỷ đồng/ngày, cao hơn khoảng 500 triệu đồng so với báo cáo của công ty.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên BASICO, nguyên nhân dẫn đến việc thất thu thuế, phí từ các dự án nói trên có trách nhiệm từ cơ quan quản lý nhà nước. Theo ông Đức, đáng lẽ, các cơ quan quản lý nhà nước phải là đơn vị quản lý, giám sát số doanh thu tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc đầu tư theo hình thức BOT. Ở một số lĩnh vực, nhà đầu tư bỏ ra một khoản chi phí nhằm tạo ra thành phẩm, sau khi đạt được một mức doanh thu, họ mới phải nộp thuế tính trên số tiền chênh lệch. 
Luật sư Trương Thanh Đức dẫn chứng, hiện có những dự án có tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư rất dễ dàng khai khống lên 2.000 tỷ đồng, cơ quan quản lý nhà nước cũng dễ dàng bỏ qua vì chi phí đầu tư không xuất phát từ ngân sách nhà nước. Phần lớn câu chuyện giữa chủ đầu tư dự án và bên cho vay vốn, nên họ hoàn toàn có thể bắt tay nhau. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, có thể nhìn thấy sự hạn chế về trình độ, thiếu trách nhiệm, không khắc phục, xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố với các dự án BOT.

 Vá lỗ hổng liên quan đến công tác giám sát, đến trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ quan quản lý và các cơ quan liên quan là một trong những bài toán cần được giải để hạn chế thất thu từ BOT, để không xảy ra tình trạng người dân “còng lưng gánh phí”, mà tiền tỷ lại chảy vào túi một số cá nhân tư lợi.

Các tin khác