Trung tâm thương mại dần teo tóp

(ĐTTCO) - Mua sắm online cũng như mua sắm ở những trung tâm thương mại nhiều dịch vụ tiện ích đang là xu thế của phần đông người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa đẩy một số trung tâm thương mại cao cấp đi vào cảnh ế ẩm. Trong bối cảnh này, nhiều thương hiệu lớn tên tuổi phải chấp nhận rút lui khỏi thị trường bán lẻ Việt. 

Những trung tâm vắng người
Cách đây chừng vài năm, cứ vào những dịp cuối tuần trung tâm thương mại Parkson (quận 1, TPHCM) thường khá nhộn nhịp khách. Khách vào thăm quan cũng có, mua sắm cũng nhiều. Thế nhưng, thời gian gần đây dù tọa lạc ngay trung tâm TP, khu trung tâm thương mại cao cấp một thời này lại quá thưa vắng.
Có mặt tại Parkson vào chiều ngày thứ sáu, ngay ở tầng trệt nơi có mặt nhiều thương hiệu mỹ phẩm, nước hoa… chúng tôi dường như không tìm nổi vài ba người khách chịu dừng chân ghé lại ở các gian hàng. Có lẽ cũng vì quá vắng nên khi có khách, những nhân viên bán hàng tại một số quầy hàng mỹ phẩm rất niềm nở, tặng mẫu thử, thậm chí có nhân viên nam người nước ngoài còn cố kéo chúng tôi lại để mời thử sản phẩm, tư vấn sau đó mời mua hàng.
 Cách đây khoảng 10 năm, sẽ khó hình dung việc người tiêu dùng có thể đặt hàng từ nước ngoài về Việt Nam chỉ thông qua vài cú click chuột. Còn hiện nay, người mua hàng dễ dàng tìm kiếm thông tin người bán, nhà cung cấp trên mạng với mô tả sản phẩm, nguồn gốc và giá cả rõ ràng. Khách hàng cũng có thể mua hàng ở bất cứ quốc gia nào chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh, sau đó hàng sẽ được chuyển tới tận nhà.  
Ông Liêu Hưng Tiến,
 Giám đốc kinh doanh công ty Haravan
Đi qua tầng trệt lên các lầu 1, 2 nơi bày bán nhiều sản phẩm quần áo người lớn, trẻ em… quang cảnh cũng không khá hơn bao nhiêu. Dù tại nhiều gian hàng thời trang những biển giảm giá 10%, 30% thậm chí 50% được trưng khá nhiều, nhưng đến cả khách thăm quan cũng khá hiếm hoi.
Nhân viên bán hàng quá rảnh, người mải xem điện thoại, chỗ thì tụm vài người đứng nói vài câu chuyện phiếm. Bất chợt chúng tôi lại thấy mình dường như lạc lõng trong một trung tâm thương mại cao cấp vắng người. 
Nhưng cảnh thưa vắng ấy đâu chỉ là “đặc trưng” riêng có của Parkson. Cách trung tâm này chỉ vài con đường, nằm ngay trung tâm của TP, trung tâm thương mại Diamond Plaza cũng thưa vắng khách mua hàng. Mở cánh cửa của Diamond Plaza để bước vào trong, dường như chúng tôi được bỏ lại bao ồn ào của xe cộ phố xá, chỉ còn lại những gian hàng lung linh, những mùi thơm quyến rũ của nhiều sản phẩm mỹ phẩm ngay ở tầng trệt.
Những người dừng chân ghé mua cũng không nhiều, thỉnh thoảng có vài người khách du lịch ghé vào trung tâm thăm quan. Nhân viên bán hàng vẫn niềm nở khi có khách ghé xem, những gian hàng ở các tầng trên vẫn được bày biện đẹp mắt, nhiều thương hiệu đang tung ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn, song lại thiếu những bước chân của khách mua hàng. 
Trung tâm thương mại dần teo tóp ảnh 1 Trung tâm thương mại Parkson những ngày cuối tuần vẫn vắng khách. 
Rời khỏi 2 trung tâm thương mại cao cấp này, chúng tôi đến một trung tâm mua sắm khác nằm ngay ở vị trí thuận lợi giao giữa ba quận 1, 3 và 5 là Nowzone. Háo hức bước lên từng bậc thang để tới những gian hàng đầy sắc màu, nhưng ngoài chúng tôi các quầy hàng cũng hiếm hoi khách ghé xem, mua hàng. Đi thêm một vài vòng, qua những gian hàng quần áo, đồ chơi trẻ em cũng chỉ thấy phần đông nhân viên đang đứng chơi hoặc túm lại nói chuyện.
Ngay cả gian hàng đồ gia dụng Lock & Lock chiếm một vị trí khá rộng, đẹp cũng không thu hút được nhiều khách hàng. Không khí ế ẩm bao trùm lên những trung tâm thương mại ở những vị trí đắc địa ngay trong lòng TP nhộn nhịp dân và cả khách du lịch trong và ngoài nước. 

Đại gia phải rút lui
Tình cảnh vắng vẻ của Parkson có lẽ không phải là chuyện mới, bởi vắng khách, thua lỗ liên tục nên nhà bán lẻ đến từ Malaysia này mới đây đã phải đóng cửa thêm một trung tâm thương mại nữa ở TPHCM tại khu phức hợp Cantavil An Phú, quận 2. Trước đó, Parkson cũng đóng cửa hai trung tâm ở quận 7 và quận 11 (TPHCM). Tại Hà Nội, thời điểm này đã không còn sự hiện diện của Parkson.
Báo cáo tài chính quý I- 2018 niên độ 2017-2018 vừa được Parkson Retail Asia - Tập đoàn sở hữu và vận hành chuỗi Parkson tại Việt Nam, công bố với kết quả lỗ trước thuế 24 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 7 thua lỗ liên tiếp tại thị trường Việt Nam. Cũng khó đoán được với 3 trung tâm còn lại, Parkson có thể trụ được bao lâu nữa, chỉ biết đến nay cả ba đều rơi vào cảnh thưa vắng khách mua hàng. 
Thực ra chuyện những trung tâm cao cấp như Parkson, Diamond Plaza… vắng khách cũng có một vài lý do dễ nhận thấy. Thứ nhất, nếu như trước đây việc mua sắm online chưa nở rộ, giới trung lưu muốn mua hàng hiệu đẳng cấp một là đi nước ngoài mua sắm, hai là đến những trung tâm này.
Nhưng vài năm trở lại đây, mua hàng online đã trở nên dễ dàng, người dùng Việt có thể mua bất cứ món đồ nào mình thích ở mọi quốc gia trên thế giới với rất nhiều mẫu mã, kiểu dáng đặc biệt vào mùa khuyến mại khủng người ta còn mua được đồ với giá rất hợp túi tiền. Đó cũng là lý do nhiều ông lớn trong ngành mua sắm trực tuyến thế giới như Alibaba đã tới Việt Nam và Amazon đang từng bước tìm hiểu về thị trường tiềm năng này. 
Vài năm trở lại đây, những trung tâm mua sắm nhiều tiện ích theo mô hình “one stop shopping” ra đời đã thu hút người tiêu dùng. Ở đó họ có thể mua sắm nhiều mặt hàng từ trung bình đến cao cấp, có thể  mua đồ ăn, thức uống, cùng gia đình thỏa mãn nhiều nhu cầu ăn uống, giải trí, vui chơi… Thế mới có cảnh cuối tuần những điểm đến như Aeon, Cresent mall, Takashimaya, Emart, Lotte mart… đông nghẹt khách. 
Đa phần các trung tâm thương mại khai thác thêm lĩnh vực ăn uống để thu hút khách. Với Parkson (quận 1) cũng có một tầng dành cho khu vực ăn uống, nhưng vì khá đơn điệu nên phần lớn chỉ có dân văn phòng ghé đến ăn buổi trưa rồi đi. Hay như tại Nowzone cũng có khu vực ăn uống, nhưng cũng giống như Parkson khu vực này chẳng có gì thu hút, nên thậm chí lượng khách đến ăn cũng không nhiều.
Còn riêng Diamond Plaza, nếu đến vào những dịp cuối năm như Noel, tết dương lịch, âm lịch trung tâm này luôn rất đông khách ghé lại, nhưng cũng không phải mục tiêu đến mua hàng, săn hàng giảm giá, mà để đến chụp hình vì Diamond thường trang trí rất đẹp vào các mùa lễ hội. 
Những mô hình trung tâm thương mại đơn lẻ đang từng bước cho thấy sự thất bại của mình ở một thị trường có tới 60% người tiêu dùng trẻ, thu nhập tăng và thích mua sắm nhiều hơn. Người ta sẽ chọn ngồi ở nhà click mua hàng hoặc cùng bạn bè, người thân dạo chơi ở các trung tâm nhiều tiện ích dịp cuối tuần.
Ngay cả những ông lớn trong mảng bán lẻ như Aeon hay Lotte, cũng đang triển khai nhiều hoạt động tích cực hơn trong mảng mua sắm trực tuyến nhằm xóa dần ranh giới giữa mua sắm online và offline. 

Các tin khác