Triển vọng xuất khẩu vali, ba lô, túi xách

(ĐTTCO) - Theo tin từ Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso), Việt Nam hiện xếp thứ 5 trong 10 quốc gia xuất khẩu ba lô, vali, túi xách lớn nhất thế giới, chiếm 5,4% trong tỷ lệ nguồn cung toàn cầu. 
Triển vọng xuất khẩu vali, ba lô, túi xách
Để tìm hiểu sâu hơn về mặt hàng này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông DIỆP THÀNH KIỆT, Phó Chủ tịch Lefaso. 
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, động lực nào đã giúp đưa Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia xuất khẩu vali, ba lô, túi xách lớn nhất thế giới?

Ông DIỆP THÀNH KIỆT: - Kết quả này là tổng hợp của nhiều yếu tố, như giá nhân công của Việt Nam rẻ, nhiều DN nước ngoài nhắm đến các hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký kết với những đối tác nhập khẩu da giày và túi xách lớn như EU, Nhật Bản. Đặc biệt, ngoài chi phí nhân công rẻ, vật tư cho ngành da giày túi xách của Việt Nam cũng đang tự chủ hơn.
Nếu cách đây 5 năm nguyên liệu cho ngành này còn là con số 0, đến nay chúng ta có thể đáp ứng được 30% nguyên phụ liệu cho ngành. Chất lượng được nâng lên, sự thành công của nhiều thương hiệu đã giúp ngành da giày, túi xách của Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. 

- Nhưng xuất khẩu vali, ba lô, túi xách dường như vẫn là sân chơi của các DN có vốn đầu tư nước ngoài? 

- Đúng là hiện nay các DN FDI vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu vali, ba lô, túi xách, còn các DN Việt Nam chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn. Nhưng đây không phải bài toán riêng của ngành vali, ba lô, túi xách mà nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày cũng đang phải đối mặt với thực tế này.
Điều này cũng không có gì khó hiểu, vì chúng ta từng khuyến khích các DN FDI đầu tư vào Việt Nam với những chính sách ưu đãi và xét ở một góc độ nào đó chính sách này đã có hiệu quả. Do vậy về lâu dài, chúng ta vẫn cần có chiến lược nâng cao tỷ lệ của các DN nội địa trong những nhóm ngành xuất khẩu chính.
Ở đây tôi chỉ có thể nói đến một vài nét chính. Thứ nhất, bản thân các DN nội địa phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Thứ hai, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp. Trước đây Nhà nước cũng có hỗ trợ cho DN nhưng chủ yếu là các DN, tạo ra những sản phẩm tại thị trường nội địa, còn chính sách cho DN xuất khẩu vẫn còn ít. Thời gian gần đây Chính phủ đã bắt đầu cho thấy những động thái tích cực như tập trung cho DN tư nhân, DN xuất khẩu. Đây là những thông tin rất tích cực góp phần tạo động lực nâng tỷ trọng hàng nội trong cơ cấu xuất khẩu. 

- Xuất khẩu vali, ba lô, túi xách Việt Nam có gặp khó khi phải cạnh tranh với các đối thủ như Trung Quốc hay các quốc gia khác? 

- Xét về đối thủ cạnh tranh và lợi thế, cần phân theo thị trường. Với thị trường châu Âu thế mạnh của Việt Nam là được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và thời gian tới có FTA Việt Nam - EU, nên lợi thế so với Trung Quốc là hơn hẳn. Còn khi xuất sang thị trường Hoa Kỳ, lợi thế của Trung Quốc và Việt Nam ngang nhau, duy chỉ có chi phí sản xuất của Việt Nam rẻ hơn.
Còn so với các nước khác Việt Nam kém lợi thế hơn do họ có GSP. Hiện Trung Quốc (nếu tính cả Hồng Công) đang chiếm 60% thị phần xuất khẩu toàn thế giới. Tuy nhiên, hiện các thương hiệu đặt nhà máy tại Trung Quốc đang có xu hướng dịch chuyển qua Việt Nam và một số quốc gia khác có chi phí sản xuất thấp, nên có khả năng thời gian tới họ sẽ chuyển khoảng 10% thị phần sang thị trường Việt Nam. Và chỉ cần con số 10% thị phần, tốc độ tăng trưởng của ngành này ở Việt Nam cũng đã rất lớn. 

- Hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được nhắc đến nhiều với những lo lắng công nghệ sẽ thay thế dần lao động phổ thông, nhất là ngành da giày và túi xách?

- Để phân tích sâu xa cần phải có thời gian, nhưng nếu nhìn tổng quan có thể thấy cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động khá mạnh mẽ đến ngành da giày và túi xách. Chỉ đơn cử một thí dụ, nhờ áp dụng công nghệ mà năng suất tại các DN FDI cao hơn các DN Việt Nam khoảng 30%.
Các DN Việt Nam có quan tâm đến công nghiệp 4.0 hay không? Xin thưa là có, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế như về vốn, thông tin… 

- Xin cảm ơn ông.
 Việt Nam đã đóng góp 3,2 tỷ USD từ việc xuất khẩu ba lô, vali, túi xách các loại sang 10 thị trường tiêu thụ lớn nhất hiện nay. Theo Lefaso, ngành hàng ba lô, vali, túi xách Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm bình quân 10-15% trong 5 năm qua. Riêng mặt hàng túi xách đã có nhiều thương hiệu quốc tế chọn Việt Nam đặt nhà máy. Các thị trường nhập khẩu ba lô, vali, túi xách lớn nhất thế giới trong năm 2016 là Hoa Kỳ, Nhật Bản. 

Các tin khác